Dâu đất đang vào mùa thu hoạch, trĩu trái trên các nhà vườn ở các địa phương vùng trung du và miền núi Quảng Nam. Là cây trồng chơi ăn thiệt, được mùa được giá, dâu đất đem lại thu nhập đáng kể cho nhà nông.
Dâu đất hay dâu da có tên khoa học là Baccaurea, là một chi thực vật có hoa thuộc họ Phyllanthaceae. Chi này bao gồm hơn 100 loài, phân bố từ Indonesia cho đến phía Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, dâu đất được trồng làm cây ăn trái. Cây dâu đất ở Quảng Nam cùng họ với cây loòng boong, là cây thân gỗ cao 10 - 15m, trái xếp chùm dài trên thân, cành nhánh. Dâu đất khi chín thường có màu đỏ tươi có 3 ngăn, mỗi ngăn có 1 hạt, phía ngoài có lớp cơm mọng nước.
Những ngày tháng 7 âm lịch này, đến các nhà vườn ở Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Phú Ninh... của tỉnh Quảng Nam sẽ thấy những gốc dâu đất sai trái, đỏ rực trên nền xanh của cây lá rất đẹp mắt. Ông Nguyễn Tưởng, ở thôn 8, xã Tiên Thọ (H. Tiên Phước) đang cùng con cháu tất bật thu hoạch trái dâu chín để bán cho thương lái, dừng tay tiếp chuyện với chúng tôi. Ông cho biết, khu vườn trồng dâu đất của gia đình ông rộng trên 2 ha, với hơn 100 cây dâu đất cho rất đều trái và đang vào mùa thu hoạch. Dâu đất năm nay được mùa, gia đình ông Tường ước tính mỗi gốc thu 300 kg trái, với giá bán tại chỗ ổn định từ 1.500-2.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng. “Dâu đất là loài cây mọc tự nhiên nên trồng rất dễ, ít tốn công chăm bón. Nếu áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc thì trước thời điểm cây ra hoa khoảng tháng 3 tháng tư thì bón thêm phân chuồng, vôi để cây sai quả, trái sẽ to hơn, chín mọng và ngọt hơn, bán có giá hơn” - ông Tưởng cho biết.
Không riêng gì người dân ở “vựa” dâu đất Tiên Phước, nông dân các xã Tam Lãnh (Phú Ninh), Bình Lâm, Quế Thọ, Phước Trà (Hiệp Đức)... cũng trúng mùa dâu đất. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, trung bình cứ 4 - 5 năm cho trái ít thì dâu đất mới có một năm được mùa. Dâu đất cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Trái dâu đất chín rất được chim muông ưa thích nên phải thu hoạch nhanh. Người trồng dâu đất không giấu được niềm vui khi, hồ hởi cho biết: Năm nay, thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng dâu đất ra hoa và sai trái. Với giá cả ổn định hiện nay thì gia họ cũng thu được ít nhất 4-5 triệu đồng, có tiền lo cho con vào đầu năm học mới.
Cây dâu đất không chỉ để ăn chơi, giải khát, mà còn rất có lợi cho sức khỏe vì chứa nhiều polyphenol và anthocyane, hai loại chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể. Vitamin C và chất xơ trong dâu rừng còn có khả năng ngăn ngừa cholesterol cao và bệnh tim, thích hợp cả với những người ăn kiêng. Ngoài quả chín, trái dâu non có vị chua nên được nhiều người hái, băm nhỏ nấu canh chua thay cho lá giang..., lại có tác dụng giải nhiệt và tăng cường đề kháng cho cơ thể.
Tuy rất vui vì trúng mùa dâu đất, nhưng cũng ít người làm vườn các địa phương vùng trung du tỉnh Quảng Nam có dự định đầu tư vào phát triển cây dâu đất. Dù dâu đất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, nhưng tính ra thì hiệu quả kinh tế của không cao hơn các loại cây ăn trái khác. Trong khí đó, cây dâu đất hằng năm ra trái không ổn định, giá cả cũng bấp bênh, không phải loại trái được thị trường ưu chuộng. Phước Lê