Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ 2 năm 2014-2019 là sự kiện chính trị xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc anh em trong huyện. Đại hội là dịp để khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời đại hội cũng khẳng định tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số đối với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Trước đây, Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc- Nam vào năm 1946. Đây là đại hội đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc kể từ ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến nay và chỉ tổ chức đại hội ở 3 cấp gồm cấp huyện, cấp tỉnh và cấp TW. Như chúng ta đều biết trong số 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên mọi miền của đất nước, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư nước ta, có trình độ phát triển cao hơn và là lực lượng đoàn kết đóng vai trò chủ lực và đi đầu trong quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, góp phần to lớn vào việc hình thành củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuy số dân có sự chênh lệch đáng kể, nhưng các dân tộc vẫn coi nhau như anh em một nhà, quý trọng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Ngày nay trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các dân tộc anh em trên đất nước ta nói chung và ở Phước Sơn nói riêng luôn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường đoàn kết, nổ lực phấn đấu xây dựng quê hương bản làng giàu đẹp, tiến tới xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên CNXH. Về dự đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ 2 năm 2014-2019 có 150 đại biểu chính thức là những người tiêu biểu đại diện cho 16 thành phần dân tộc anh em trong huyện. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Hưởng ứng lời dạy của Bác Hồ: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển KT-XH ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng, làm tốt công tác ĐCĐC và xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch phân bổ sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, động viên phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tri thức là người dân tộc thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận, chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc. Thực hiện các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trong những năm qua và đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, lãnh đạo huyện Phước Sươn đặc biệt chăm lo phát triển KT-XH và đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hàng trăm tỷ đồng với hàng loạt các công trình được đầu tư xây dựng mới như hệ thống giao thông, điện, đường, trường, trạm đã làm cho bộ mặt của Phước Sơn hoàn toàn với một diện mạo mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Xứng đáng là mảnh đất anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Có thể nói sau 28 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước Đảng, Nhà nước xây dựng và triển khai hàng loạt các chương trình phát triển KT-XH ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, chương trình 133, 134, 135 và cuối năm 2008 là Nghị quyết 30a hỗ trợ 62 huyện nghèo. Đi đôi với các chương trình, dự án là hàng loạt các kế hoạch về định canh, định cư, phát triển cơ sở hạ tầng, KT-XH, khuyến nông, khuyến lâm để trợ giúp đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thực tiễn phát triển KT-XH, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số những năm qua cho thấy hiệu quả các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước đã làm thay đổi khá cơ bản các vùng dân tộc thiểu số. Đáng nói nhất là đã góp phần xoá đói giảm nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc có bước cải thiện và nâng lên. Thành quả có ý nghĩa quan trọng là sự nghiệp giáo dục đào tạo con em đồng bào các dân tộc phát triển mạnh. Các trường học từ mẫu giáo đến đại học được quan tâm xây dựng khắp các vùng miền có đông đồng bào các dân tộc cư trú. Hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú cũng được đầu tư toàn diện để chăm lo đào tạo con em đồng bào các dân tộc, hệ thống giáo dục và đào tạo cán bộ cho vùng núi, người dân tộc thiểu số phát triển đáp ứngyêu cầu nâng cao dân trí và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên ở các địa bàn miền núi, dân tộc ít người. Với những thuận lợi, khó khăn của địa bàn miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Đảng và Nhà nước xác định: Vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay của công tác dân vận đối với các dân tộc thiểu số là cả hệ thống chính trị phải chăm lo và thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc và chương trình xoá đói giảm nghèo. Để đạt được mục tiêu đó, hơn bao giờ hết cộng đồng các dân tộc anh em trong huyện phải thực sự đoàn kết, thương yêu, kính trọng lẫn nhau, phải ra sức phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm. Xoá bỏ các tập tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại mà đề cao tinh thần tự lực, tự cường. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, đại thành công.
Đoàn kết trong lao động và trong chiến đấu là truyền thống nổi bật nhất của các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, truyền thống đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Ngày nay trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng và nhân dân ta đã dành được những thành tựu rất to lớn và đáng tự hào điều này thêm một lần nữa khẳng định khối đại đoàn kết các dân tộc ở nước ta đã có một tầm cao mới và chiều sâu mới.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn lần thứ 2 năm 2014-2019 diễn ra trong thời điểm cả nước đang tập trung thực hiện có hiệu quả của cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kỷ niệm 69 năm ngày quốc khánh mồng 2/9. Với tinh thần đó, đại hội kêu gọi cộng đồng các dân tộc anh em trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Phước Sơn mạnh giàu. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2014 và những năm tiếp theo thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12./.
Tuấn Minh.