Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều tra giảm nghèo huyện Phước Sơn: Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương thực hiện các chính sách, chủ trương về giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện giảm nghèo vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Đó là công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập do một số công trình đầu tư đem lại hiệu quả chưa cao, cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương. Theo Đ/c Nguyễn Văn Thịnh Phó bí thư huyện ủy cho biết: Hiện nay, có một thực trạng ở Phước Sơn là nhiều người nghèo không muốn thoát nghèo mà chờ được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Đ/c Nguyễn Văn Thịnh cũng cho biết thêm: Do công tác tuyên truyền chưa sâu sát đến từng người nghèo nên nhận thức của họ còn thấp. Phần lớn họ không nắm bắt được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo. Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Ông Huỳnh Đức Trung- Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Phước Sơn cho rằng: Cần tách riêng những người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo còn khả năng lao động. Từ đó, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm theo hướng cầm tay chỉ việc cho những hộ nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần có chế tài ràng buộc và quản lý chặt chẽ trong việc tách hộ để tránh tình trạng “chạy” chính sách, tăng cường vốn vay đối với những mô hình phát triển kinh tế có tiềm năng của người nghèo để họ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Phạm Thế Quyền khẳng định: Đối với những hộ nghèo chây lười lao động, trông chờ, ỷ lại thì các cấp, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; đồng thời có cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chế độ hỗ trợ thoát nghèo. Bên cạnh đó, cần phân biệt hộ nghèo ở từng xã, từng vùng để có những chính sách, giải pháp giảm nghèo cho từng vùng. Vào thời điểm này huyện Phước Sơn đang triển khai kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2014. Khác với mọi năm công tác điều tra hộ nghèo năm nay “Cương quyết loại khỏi danh sách điều tra, rà soát đối với những hộ lười lao động, có điều kiện về kinh tế nhưng cố ý tách hộ để đưa vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo hoặc cố tình trốn tránh, không phối hợp cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của gia đình cho điều tra viên”
Đây được coi là điểm nhấn trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, vì vậy các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện và phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: chính sách văn hóa, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi, tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Đặc biệt, toàn hệ thống chính trị cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao của người dân trong việc chống đói nghèo để mỗi người dân đều có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2013 huyện Phước Sơn có hơn 3.271 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 53,72% mặc dù đã giảm hơn 5,71% so với năm 2012 tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo ở Phước Sơn vẫn còn ở mức cao, đứng thứ 3 toàn tỉnh Quảng Nam. Chính vì lẽ đó, huyện Phước Sơn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 53,72% xuống còn 49,48%, đây được coi là một thách thức lớn đòi hỏi toàn đảng, toàn dân và toàn quân huyện nhà phải đoàn kết nổ lực quyết tâm mới đạt được kết quả như mong muốn. Nhân tháng cao điểm ngày “Vì người nghèo” 17 tháng 10, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác giảm nghèo ở Phước Sơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ gặt hái được những thành tựu đảng kể, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Phước Sơn mạnh giàu./.
Tuấn Minh.