Ca nhạc

PHƯỚC SƠN – CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 – 2015)
Người đăng: Trương Công Minh 0903.555.285 .Ngày đăng: 06/05/2015 .Lượt xem: 739 lượt.
Phước Sơn là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, diện tích tự nhiên 114.479 héc ta, nằm trên triền Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ, cách Đà Nẵng 135 Km về hướng Tây Nam, cách Tam Kỳ 130 Km về hướng Tây Bắc, có ranh giới chung với các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang và huyện Đak Glei - tỉnh Kom Tum.

Trước năm 1945, Phước Sơn thuộc tổng Cò Nhang và tổng Giang Rẫy của huyện Quế Sơn. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập, năm 1947, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam thành lập châu Trà My (gồm Phước Sơn); năm 1948, giải thể châu Trà My thành lập 2 huyện Phước Sơn và Trà My (huyện Phước Sơn lúc đó có các xã miền núi của huyện Quế Sơn và một số xã giáp ranh huyện Thăng Bình). Năm 1950, các xã vùng giáp ranh được chuyển về huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình. Năm 1961, sáp nhập Phước Sơn và Trà My thành huyện Trà Sơn; năm 1963, giải thể huyện Trà Sơn thành lập khu I, khu II và khu III trực thuộc Khu Nam Trà; năm 1986, xã Phước Gia và Phước Trà được điều chỉnh về huyện Hiệp Đức. Hiện nay huyện Phước Sơn có 12 đơn vị hành chính, gồm: thị trấn Khâm Đức, các xã Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Xuân, Phước Năng, Phước Mỹ, Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và xã Phước Lộc. Dân số trên 25.000 người (dân tộc Bhnong chiếm trên 60%, người Kinh 30% và 13 nhóm tộc người khác gần 10%).

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Phước Sơn là vùng căn cứ địa cách mạng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau năm 1975, huyện Phước Sơn bắt tay xây dựng lại quê hương trong muôn ngàn khó khăn gian khổ, cơ sở vật chất hầu như không có gì, cuộc sống người dân còn du canh - du cư hoàn toàn, trên 98% dân số mù chữ, cảnh đói rét, dịch bệnh đe dọa thường ngày...

Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên, cùng sự nỗ lực của địa phương, sau 40 năm xây dựng và phát triển, huyện Phước Sơn đã từng bước “thay da đổi thịt”. Từ năm 1975 – 1985, toàn huyện đã tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động định canh – định cư, khai hoang ruộng nước, nà thổ, phát triển sản xuất, chăn nuôi, quy hoạch bố trí sắp xếp lại dân cư, làm nhà, lập vườn, gắn với quản lý bảo vệ rừng, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh... Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - thông tin và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn được tập trung lãnh đạo. Cuối năm 1980, nền kinh tế huyện được hình thành rõ nét theo cơ cấu “Nông – lâm – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ”, Khâm Đức được xác định là trung tâm huyện lỵ.

Từ năm 1986 – 1996, Phước Sơn từng bước đưa công cuộc đổi mới toàn diện vào cuộc sống, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa; tập quán du canh – du cư, sản xuất tự cấp, tự túc cơ bản được khắc phục. Năm 1995, toàn huyện đã hoàn thành định canh – định cư; an ninh lương thực đảm bảo; những vấn đề bức xúc (đói, đau, dịch bệnh) được đẩy lùi; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (điện, đường, trường, trạm” được đầu tư xây dựng; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được mở rộng; tiềm năng, lợi thế so sánh và các nguồn lực đầu tư được khai thác, sử dụng khá hiệu quả; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp, dịch vụ. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa – thông tin có thêm bước tiến mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhiều mặt được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh đảm bảo; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được xây dựng, củng cố, kiện toàn vững mạnh.

Giai đoạn 1997 – 2015, huyện Phước Sơn đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14 E, lưới truyền tải 500 Kv Bắc – Nam qua địa bàn huyện đã đưa vào vận hành, nhiều dự án kinh tế lớn, như: Nhà máy thủy điện Đăk My 4, Đăk My 3, Đăk My 2 với công suất gần 400 Mw được đầu tư xây dựng; một số doanh nghiệp của Trung ương, tỉnh hoạt động trên địa bàn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển.

Đặc biệt qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ (2010 – 2015) nền kinh tế - xã hội huyện có thêm bước tiến mới, 3 khâu đột phá: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực; quản lý bảo vệ rừng và phát triển dịch vụ) có chuyển biến đáng kể. Các mục tiêu phát triển lâm – nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và mở rộng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng phát triển khá thành công. Tổng giá trị sản xuất các ngành (theo giá so sánh 2010) bình quân đạt 2.301 tỷ đồng/ năm; tốc độ tăng trung bình hàng năm là 8,73%/, tương đương 272,8 tỷ đồng/ năm (nếu tính giá hiện hành bình quân đạt 2.973,6 tỷ đồng/ năm tăng 16,40%/ năm); Riêng giá trị sản xuất 2015 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.393 tỷ đồng, tăng 51,9% so với đầu nhiệm kỳ. Trong số đó, ngành công nghiệp có mức tăng bình quân đạt 6,83%/ năm (giá so sánh 2010, nếu tính giá hiện hành tăng 14,57/ năm)[1]. Thương mại – dịch vụ tăng 18,85%/ năm (giá so sánh 2010) và tăng 26,31% (theo giá hiện hành), vượt 4,85% so với Nghị quyết Đại hội. Nông – lâm nghiệp đạt mức tăng bình quân 5,70%/ năm (giá so sánh 2010); tính giá hiện hành đạt tốc độ tăng 13,88%/ năm. Cơ cấu kinh tế đến 2015 (tính theo giá hiện hành): Công nghiệp - Xây dựng chiếm 75%; Thương mại – Dịch vụ 20,2%; Nông – Lâm nghiệp 4,8%.

Tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn huyện 5 năm đạt 1.289 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm đạt 1.200 tỷ đồng; mạng lưới giao thông tiếp tục được mở rộng đến các xã và kết nối vào hệ thống quốc lộ qua địa bàn. 11/12 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến khu dân cư; 100% xã, trên 80% số thôn được cấp nước sinh hoạt. Thị trấn Khâm Đức tốc độ đô thị hóa khá nhanh, được xác định là vùng động lực phát triển của huyện và phấn đấu trở thành đô thị loại 4 sau năm 2020.

Về mặt xã hội đạt nhiều tiến bộ, toàn huyện đã hoàn thành định canh – định cư theo tiêu chí nhà ở gắn với cơ sở sản xuất ổn định, có các công trình phúc lợi dân sinh. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Năm học 2014 – 2015, toàn huyện có 7.178 học sinh (không tính số sinh viên, học sinh đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học sinh trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Hội An); quy mô giáo dục phát triển đều ở các cấp học, ngành học; chất lượng giáo dục toàn diện có nâng lên. Hoạt động khoa học, công nghệ có chú trọng, đã biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ huyện Phước Sơn, tập I (1945 – 1975), tập II (1975 – 2005); Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phước Sơn (1945 – 2010), Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Phước Sơn (1945 – 2010); bộ sách chữ viết, từ điển và sách giáo khoa tiếng Bhnong, và đang xúc tiến biên soạn lịch sử truyền thống, lịch sử đấu tranh cách mạng các ngành, xã, thị trấn.

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân có tiến bộ, các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện khá hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế có nâng lên, 100% hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người già được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình triển khai thực hiện khá tốt. Hoạt động văn hóa, thể thao, truyền thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ, toàn huyện được phủ sóng phát thanh, truyền hình và mạng di động, 64/64 thôn có nhà làng truyền thống hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng, đời sống tinh thần của Nhân dân nâng lên rõ rệt. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện thường xuyên, chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo từ 68,46% năm 2010 giảm còn 44% vào năm 2015.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; huyện Phước Sơn và 7 xã (Phước Hiệp, Phước Mỹ, Phước Năng, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Công và Phước Thành) được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Từ năm 1997 - 2015, các cơ quan, ban ngành huyện và các xã, thị trấn được tặng thưởng 12 Huân chương Lao động hạng Ba, 59 Bằng khen và 17 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Riêng hai ngành Công an và Quân sự huyện nhiều năm liền được công nhận là đơn vị Quyết thắng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (2010) và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp (2011), công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được củng cố kiện toàn. Toàn đảng bộ có 54 tổ chức cơ sở đảng, 128 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 1.454 đảng viên. Từ 2011 – 2015, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; truyền thống đoàn kết trong đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân tiếp tục giữ vững; nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng thực hiện nghiêm túc; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều tăng, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém... Những kết quả nêu trên minh chứng cho chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của huyện Phước Sơn 1975 – 2015./.

                                                                                                                          Tường Vân



[1] Xây dựng -14,88% (giá so sánh) và -9,87% (giá hiện hành); Công nghiệp +15,94% (giá so sánh 2010) và +24,57% (giá hiện hành); Công nghiệp ngoài nhà nước +28,48% (giá so sánh 2010) và +36,07% (giá hiện hành).

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Thực hiên công tác Định canh - Định cư trên địa bàn huyện Phước Sơn
CÒN ĐÓ MỘT HÀNH TRÌNH…
Các tin cũ hơn:
Chiến thắng Khâm Đức 12.5
Thư chúc Tết Xuân Nhâm Thìn năm 2012 của Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn
Thư mời viết bài
Đăng ký Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Diễn văn truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân
Hội thi thể thao miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2012
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM huyện Phước Sơn nhiệm kì 2012-2017
Kỷ niệm 83 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Thư cảm ơn của UBND huyện Phước Sơn
    
1   2  
    

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập