Đồng bào có thói quen tự cung tự cấp, nông sản trồng được đều để ăn dần hoặc trao đổi cho những người trong thôn. Việc buôn bán từ những sản phẩm do mình làm ra dường như rất ít. Một số gia đình đã biết bán các mặt hàng nông lâm sản cho các lái buôn sau mỗi vụ thu hoạch, tuy nhiên giá cả không cao.
Hiện ngoài chợ Khâm Đức, huyện ta có thêm chợ tại xã Phước Chánh-công trình được xây bằng nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn mở cửa, mọi hoạt động buôn bán tại chợ Phước Chánh đã chấm dứt vì người dân chưa tiếp cận với hình thức mua bán trong chợ. Chợ xây xong không có người mua bán, đành đóng cửa và một số tiền lớn đã và đang bị lãng phí.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để khai thác công năng sử dụng của chợ Phước Chánh, trước hết chính quyền địa phương cần nghiên cứu, học hỏi những hình thức buôn bán phù hợp với thói quen mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Trước mắt, cùng với chính sách thu hút các tiểu thương vào buôn bán trong chợ, cần tập cho bà con làm quen với hình thức đi chợ theo phiên. Nghĩa là quy định ngày cụ thể trong tuần chợ sẽ hoạt động với các mặt hàng phong phú hơn, người dân vừa mua được những mặt hàng cần thiết vừa có thể bán những nông sản kiếm được với giá cao hơn. Việc mở chợ bán theo phiên sẽ giúp bà con tiếp cận với buôn bán, cải thiện thu nhập. Thanh Thúy