Ca nhạc

Đòn bẩy giảm nghèo ở Đông Giang
Người đăng: Trần Hữu .Ngày đăng: 07/01/2016 .Lượt xem: 543 lượt.
Từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Đông Giang đã ưu tiên tập trung phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Đông Giang đã ưu tiên tập trung phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

alt
Người dân ở xã Ba dọn đất ươm cây giống trồng rừng. 

Chiến lược thoát nghèo

Cách đây 5 năm, gần như mọi nguồn vốn đầu tư từ Trung ương huyện Đông Giang đều tập trung ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn. Nhiều tuyến đường liên xã mở rộng như Kà Dăng - Jơ Ngây, Kà Dăng - Mà Cooih, xã Ba - Vầu, Za Hung - A Rooih, hệ thống đường nội thị khu vực thị trấn Prao. Theo thống kê, chỉ riêng chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 -2009), Nhà nước bố trí hơn 51 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cho 7 xã đặc biệt khó khăn và các xã nằm trong khu vực 2 trên địa bàn huyện. Đến nay, có 93 công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, tập trung chủ yếu là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học…

Có kết cấu hạ tầng, Đông Giang mạnh dạn lồng ghép các chương trình hỗ trợ, đầu tự trực tiếp vào sản xuất phục vụ đời sống cho đồng bào. Chiến lược dài hơi thoát nghèo cho bà con dân tộc thiểu số đã được địa phương thực hiện quyết liệt bằng cách khẩn trương hỗ trợ con giống, công cụ, phương tiện sản xuất đến người dân và cắt cử cán bộ, “nằm vùng” cầm tay chỉ việc, giúp người dân tiếp cận cung cách sản xuất hiệu quả. Cái nghèo dai dẳng của đồng bào bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu công cụ sản xuất, thiếu nguồn vốn. Từ thực tế trên, thông qua Quyết định 32/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đông Giang đã triển khai cho 538 hộ đồng bào vay gần 3 tỷ đồng để trồng 120ha cây keo nguyên liệu, mua gần 500 con bò và heo, mua sắm vật dụng lao động, phân bón… phục vụ sản xuất. Ngoài ra, chương trình 135 giai đoạn 2 còn hỗ trợ trực tiếp cho hơn 3 nghìn hộ đẩy mạnh phong trào chăn nuôi heo, bò, gà thả vườn và nhân rộng các mô hình trồng cây mây nước, ba kích, chuối mốc, tà vạt, tre điền trúc…

Đến nay, 100% số thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Giang có công trình nước sinh hoạt; 98,5% số hộ sử dụng điện. 11/11 xã, thị trấn, của huyện có đường ô tô về đến khu vực trung tâm.

Không để đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước rơi vào tình trạng thất thoát, sử dụng kém hiệu quả, những năm gần đây, Đông Giang quán triệt công tác giám sát, theo dõi, quản lý nguồn vốn và bắt buộc người dân phải thực hiện đúng cam kết. Chẳng hạn như trước khi vay vốn nuôi bò, dân phải lo làm chuồng trại; hoặc muốn vay vốn để nuôi gà, nuôi heo, cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống cơ sở xem đồng bào có thực hiện mô hình không rồi mới chuyển tiền về cho họ. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Đồng bào vùng cao bây giờ giảm được nghèo chính là nhờ các nguồn vốn đã được đầu tư trực tiếp cho sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi bước đầu cho kết quả tốt, tạo ra sức lan tỏa lớn. Thực tiễn đặt ra là phải thực hiện các giải pháp giảm nghèo, trong đó đặc biệt coi trọng khâu giám sát, quản lý có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước”. Tuy nhiên, theo ông Tài, chính sách đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp không ít vướng mắc do định suất đầu tư thấp, kéo theo hiệu quả đem lại chưa cao. Nguồn vốn đưa về hằng năm chưa phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương và dự án đã được phê duyệt. Điển hình như Quyết định 33/2007/QĐ-TTg, qua 2 năm (2007-2009) chỉ đầu tư hơn 1 tỷ đồng, trong khi dự án phê duyệt lên đến 107 tỷ đồng. 

Lời giải của “bài toán” an dân

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo, thời gian qua, Đông Giang còn hỗ trợ cải thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo. Chỉ tính riêng chương trình 135 giai đoạn 2, học sinh nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng; Nhà nước đầu tư gần 1 tỷ đồng giúp đồng bào nghèo xây dựng các công trình vệ sinh, buồng tắm, sử dụng nguồn nước sạch… Cạnh đó, địa phương chủ động sắp xếp dân cư, ưu tiên hỗ trợ cho người dân trong vùng tái định cư (TĐC). Từ đầu năm đến nay, huyện đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng công trình hạ thế điện khu TĐC thôn Dốc Kiền (xã Ba), thôn A Điêu (xã A Rooih); hỗ trợ hàng nghìn con gà, heo cho khu TĐC A Duông 1 (thôn K8, xã Sông Kôn) và hàng nghìn gốc chuối mốc cho 52 hộ ở khu TĐC thôn A Điêu.

alt
Xã Jơ Ngây (Đông Giang) xuất hiện nhiều vùng chuyên canh cây chuối lùn cho giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, giai đoạn 2005 - 2008, chương trình 134 của Chính phủ còn giúp xây mới 2.385 nhà ở cho đồng bào với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng; từ Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đông Giang triển khai xây mới gần 200 ngôi nhà cho người nghèo. Theo ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, lời giải cho “bài toán” an dân của đồng bào dân tộc thiểu số chính là tìm ra kế sinh nhai cả trước mắt lẫn lâu dài cho họ. Đồng bào phải thực sự làm chủ trên mảnh đất của họ. “Bộ phận người giàu là đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao đếm trên đầu ngón tay. Vậy, theo tôi cần thiết phải đầu tư cho một bộ phận người giàu để làm đòn bẩy, kéo người nghèo “dũng cảm” thoát nghèo. Cái gì không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với phong tục, tập quán của bà con thì phải mạnh dạn điều chỉnh” - ông Bằng nói.

Nguồn tin: Báo Quảng Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Được mùa lòn bon
Làm giàu nhờ chuyên đề Kinh tế VAC
Các tin cũ hơn:
Hỗ trợ tiền thuê lại đất cho các doanh nghiệp tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc
Triển khai ươm trồng 2.000 cây sâm Ngọc Linh
Kiến nghị chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An
7 nhà máy thủy điện và nước sạch nợ hơn 10 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ rừng
Khai thác keo thuê – vất vả nhưng đem lại thu nhập khá

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập