Đến xã vùng cao Jơ Ngây, huyện Đông Giang, hỏi Jơđêl Bốc, thì
nhiều người biết. Bởi ông không những là một bí thư đảng ủy xã năng động mà còn
là ông chủ của mô hình kinh tế trang trại hiệu quả...
Một bí thư
năng động
Trước đây Jơđêl Bốc cùng gia đình sinh sống tại thôn Atép (thuộc
xã Bha Lêê, huyện Tây Giang). Do chiến tranh loạn lạc, người thân lần lượt qua
đời nên ông theo người dượng ghẻ chuyển đến sinh sống tại bản Ràng (thôn Bà
Rùa, xã Jơ Ngây). Tại đây, ông được đi học văn hóa tại trường Thanh thiếu nhi
Dân tộc của huyện Đông Giang. Đến năm 1981, ông trở về địa phương, tham gia
công tác tại địa phương. Từ đó đến nay, ông giữ nhiều trọng trách trong xã Sông
Kôn và Jơ Ngây (trước đây Jơ Ngây thuộc xã Sông Kôn). Ông được tín nhiệm bầu
làm Chủ tịch UBND xã từ năm 1994 đến 2008. Hiện ông đang giữ chức vụ Bí thư
Đảng ủy xã Jơ Ngây.
Với vai trò là người lãnh đạo địa phương, Jơđêl Bốc luôn hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực vận động nhân
dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng làng bản văn hóa, giàu đẹp. Ông tâm sự:
“Tôi luôn làm hết mình trong công việc, vì mong muốn lớn nhất của tôi là làm
sao để đồng bào Cơtu mình hết khổ, hết đói nghèo...”.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, ông luôn sát cánh với nhân dân phòng
chống lụt bão và khắc phục hậu quả. Ông bảo: “Cho đến thời điểm này, nhìn chung
toàn xã về cơ bản đã khắc phục nhanh hậu quả của đợt bão lụt. Tuy nhiên, do ảnh
hưởng của cơn bão nên có gần 80% cây keo lai đang thời kỳ thu hoạch bị hư hại,
lúa màu nhiều khu vực bị ngập úng nặng. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai công
tác huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng thời, sẽ vận
động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung tay chia sẻ những khó khăn
của nhân dân...”.
Đảng bộ Jơ
Ngây luôn được Huyện ủy Đông Giang công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững
mạnh”. Kết quả đó, có phần không nhỏ nhờ sự đóng góp của Jơđêl Bốc. Năm nay, xã
Jơ Ngây được Huyện ủy Đông Giang chọn làm xã điểm tổ chức đại hội Đảng. “Với
trọng trách này, bản thân tôi cùng các đồng chí trong cấp ủy sẽ nỗ lực hết
mình, chuẩn bị tốt mọi điều kiện, đảm bảo đúng kế hoạch diễn ra đại hội”- ông
Bốc cho biết.
Ông chủ của mô hình trang trại
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế trang trại của gia đình,
Jơđêl Bốc cho biết: “Gia đình tôi vừa nuôi thử nghiệm 100 con chim trĩ, 6 con
heo rừng. Nếu khả quan, trong tương lai gia đình tôi sẽ tiếp tục tăng thêm
giống nuôi để nhân rộng”. Ngoài 2 loài trên, gia đình còn nuôi thêm cá nước
ngọt và một ao nuôi 3 nghìn con ếch.
Từ 1996 trở về trước, gia đình Jơđêl Bốc cũng nằm thuộc diện hộ
đói nghèo, do con cái còn nhỏ, thiếu vốn làm ăn. Nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng
Jơđêl Bốc tìm cách thoát nghèo, bắt đầu từ làm lúa nước, trồng xen canh cây keo
lai. Nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Rồi vợ chồng ông mua bò về nuôi,
mong sẽ có thu nhập ổn định. Hình như “số giàu” vẫn chưa đến với ông bà nên
cũng nhiều lần thất bại. Cuối cùng, ông cho làm ao nuôi ếch với giống thử
nghiệm 3 nghìn con đầu tiên. Với mô hình này, mỗi năm ông cho thu hoạch 2 vụ
với tổng thu được trên 15 triệu đồng. “Do thiếu giống nên trung bình mỗi năm
chỉ nuôi được 3 nghìn con thôi. Chừ gia đình cũng đang tính đến kế hoạch tiếp
tục đầu tư vào mô hình này...”.
Nói chuyện
với chúng tôi về vườn keo lai đang trong thời kỳ thu hoạch bị cơn bão số 9 phá
hại, Jơđêl Bốc ngậm ngùi: “Ở nhà, mình dốc mọi chuyện cho vợ làm. Tranh thủ
thời gian, mình cùng mấy đứa con phát rừng trồng keo lai nhằm phát triển kinh
tế. Vườn keo 5ha, năm nay đang trong mùa thu hoạch nhưng cơn bão vừa rồi tàn
phá hư hại nặng...”. Mặc dầu vậy, ông Bốc cũng cho biết nhờ mô hình chăn nuôi
hiệu quả nên cũng có thể xoay xở được. Với các mô hình trang trại, hằng năm,
trừ các khoản chi tiêu khác, vợ chồng Jơđêl Bốc thu nhập bình quân khoảng 60 -
70 triệu đồng. Đó là chưa kể đến mô hình nuôi chim trĩ và heo rừng. Nhờ cách
làm ăn này mà gia đình ông đã thoát nghèo một cách nhanh chóng, nhiều năm liền
được công nhận là “Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”.