Ca nhạc

Truyền thống yêu nước


TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN XÃ JƠ NGÂY TRƯỚC NĂM 1945.
Jơ Ngây là vùng đất lâu đời, chính gốc của đồng bào Cơtu. Trải qua các thời kỳ lịch sử lâu đời, chính quyền phong kiến không vươn đến được để cai quản các vùng núi non trùng điệp của Quảng Nam. Đồng bào Cơtu cũng như bao đồng bào khác miền Tây Quảng Nam sống độc lập trong cộng đồng vững chắc là Làng. Lòng yêu nước của đồng bào Cơtu là yêu làng, bảo vệ làng, bảo vệ cộng đồng.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí hầu như không có, thiếu đói, lạc muối, bệnh tật, lại bị chi phối bởi các hủ tục lạc hậu, như: săn máu, trả đầu, giặc mùa,…nên đồng bào Cơtu, cũng như đồng bào dân tộc khác sống biệt lập, dẫn đến nguy cơ diệt vong.
Ngày 1 tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ Nhất. Sau 25 năm thực hiện chiến tranh xâm lược, với Hiệp ước Hácmăng (Harmand), ngày 25 tháng 8 năm Quý Mùi - 1883, Triều đình nhà Nguyễn công nhận sự thống trị của thực dân Pháp trên nước ta. Để dễ cai trị, thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Quảng Nam thuộc Trung Kỳ (An Nam).
Sau khi thôn tính xong vùng đồng bằng, thực dân Pháp mở rộng việc thám hiểm vùng núi Quảng Nam, mở rộng quyền thống trị. Chúng tìm mọi cách chiếm lấy các huyện miền núi Quảng Nam, nơi giàu có về tài nguyên thiên nhiên cũng như có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ thông thương với khu vực Tây Nguyên và Nam Lào. Chúng nắm dân bằng cách thông qua thương lái, cai xâu, cai đốc, cai mán để mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa nhân dân, qua đó bắt sưu dịch, bắt lính và làm do thám cho chúng. Với chính sách “ngu dân”, “chia để trị”, chúng tìm mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc để gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ dân tộc, hoặc gây hận thù giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Từ chính sách bỏ rơi miền núi của chế độ phong kiến đến chính sách cai trị của chế độ thực dân - phong kiến, đồng bào Cơtu không phát triển, mà trái lại truyền thống cố kết cộng đồng, đoàn kết các dân tộc bị tan rả, tạo cơ hội cho các hủ tục sinh sôi, nảy nở, ảnh hướng lớn đến truyền thống văn hóa, yêu nước của đồng bào Cơtu.
Năm 1904, thực dân Pháp lập đồn An Điềm - vùng giáp ranh giữa các xã trung du của huyện Đại Lộc (nay thuộc xã Đại Hưng) với các xã của huyện Nam Giang và Đông Giang; đồng thời, chúng thực hiện âm mưu mua chuộc, dụ dỗ đồng bào các dân tộc miền núi, thông qua các chiêu bài, như: tự do giao lưu, buôn bán giữa đồng bằng và miền núi; nhất là mua chuộc người có uy tín, già làng để từng bước tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở, đặt ách thống trị.
Không khuất phục trước thực dân ngoại xâm, tháng 6 năm 1907, đồng bào Cơtu vùng Bến Hiên đã vùng lên, dùng tên thẩm thuốc độc và cạm bẩy giết nhiều địch ở đồn An Điềm 
Năm 1909, thực dân Pháp tiến hành khảo sát địa hình, cho lực lượng xâm nhập sâu vào miền núi, làm đường giao thông phục vụ khai thác tài nguyên rừng. Đầu năm 1915, phong trào Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Nam diễn ra sôi nổi, nhưng việc bất thành, thực dân Pháp và tay sai Nam triều dùng moi thủ đoạn đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa. Một số người chạy lánh lên vùng núi Bến Hiên, được đồng bào Cơtu cưu mang, đùm bọc, che chở 
Trong những năm 1930, chúng tiếp tục lập các đồn Bến Giằng, Bốt xít, Bến Hiên và ra sức xây dựng những con đường lên miền núi và tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ đồng bào. Chúng thành lập hệ thống cai đốc, chủ làng để thay thế cho các cai đốc, cơ man của triều đình Nguyễn trước đó; đặt lại hệ thống thương lái dưới sự kiểm tra, kiểm soát của các đồn binh Pháp. Sau khi các đồn bốt đã được thiết lập, trên địa bàn các xã vùng thấp, thực dân Pháp chuyển từ chính sách mua chuộc, dụ dỗ sang chính sách vừa mua chuộc, dụ dỗ vừa đàn áp, khủng bố và ngày càng tăng cường đàn áp, khủng bố .
Sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược, đồng bào Cơtu các xã của huyện Đông Giang đã phải chịu nhiều áp bức, bất công; phải đi xâu làm đường, làm đồn và phục dịch cho giặc. Chính sách cai trị khắp nghiệt của thực dân Pháp không những cướp đi quyền tự do sinh sống, làm chủ núi rừng, cướp đi cái ăn, cái mặc hàng ngày, mà còn chà đạp lên phong tục tập quán, làm tổn thương tinh thần thượng võ, cố kết cộng đồng,… từ ngàn đời của đồng bào Cơtu. Do đó, không còn con đường nào khác, đồng bào đã phải vùng lên, quyết sống chết với kẻ thù. 
Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào không lúc nào ngưng nghỉ. Với truyền thống bất khuất, thượng võ của mình, đồng bào Cơtu của xã Jơ Ngây cùng chung với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bến Hiên và miền Tây tỉnh Quảng Nam đã liên tục đứng lên chống lại kẻ thù. 
Trong năm 1936, đồng bào Cơtu xã đã cùng đồng bào Cơtu vùng Bến Hiên và miền Tây Quảng Nam đấu tranh chống việc quân Pháp bắt đi xâu làm đường 14 lên Tây Nguyên. Lúc này, do sợ khủng bố, đàn áp, trả thù của thực dân Pháp, đồng bào các xã vùng thấp và vùng trung gần đồn Pháp đều phải đi xâu cho chúng, nếu không chúng sẽ đốt Làng. Còn đồng bào dân tộc Cơtu các vùng khác không chịu đi xâu cho Pháp. Đặc biệt, trong năm này có sự kiện đồng bào Cơtu ở Bến Hiên dùng tên mang lửa tấn công đồn An Điềm, khiến bọn thực dân Pháp lo sợ xây dựng một hàng rào chạy dọc từ An Điềm đến Hà Tân để phòng thủ. .
Năm 1937, thực dân Pháp chuyển quân từ đồn An Điềm lên đóng tại Bến Hiên (nay thuộc xã Ka Dăng). Song, khi chuyển lên chỗ mới cũng bị đồng bào Cơtu liên tục tấn công . 
Sau đó, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam đã nổ ra quyết liệt, dưới nhiều hình thức đã nổ ra. Mũi tên thuốc độc của Abhơơp Trgia (Conh Hiếu) bắn gục tên Le Pichon - chỉ huy cuộc càn quét lên các xã vùng cao của các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang vào năm 1939 chính là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam. Phong trào này, tuy khởi đầu, nhưng là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với chính sách cai trị của thực dân Pháp. Và, chính nó là lời hiệu triệu, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số đứng lên chống lại kẻ thù. 
Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật tràn vào Việt Nam, thực dân Pháp đầu hàng, làm tay sai cho Nhật. Nhân dân Việt Nam chịu cảnh một cổ hai tròng. Quân Nhật tiếp quản đồn Bến Hiên, mỏ đường từ đồn Bến Hiên đi Ma Cooih, tăng cường vơ vét tài nguyên, thu thuế bằng trâu, ché, gà,..đồng bào đói rách lầm than, đã khổ càng cực khổ. .
Tiêu biểu nhất của phong trào yêu nước, cách mạng là không có bất cứ thanh niên nào của đồng bào Cơtu đi lính, đi xâu cho phát xít Nhật và đồng bào không chịu nộp các loại thuế do bọn chúng đặt ra.
Ý nghĩa sâu xa, xuất phát từ truyền thống văn hóa Làng, là đồng bào Cơtu đã nhận diện được kẻ thù, biết bảo vệ mình, bảo vệ Làng mình, khởi nguồn cho truyền thống yêu nước, cách mạng, cùng nhân dân Bến Hiên nói riêng, Quảng Nam nói chung không ngừng lớn mạnh, phát triển trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy hy sinh, gian khổ; nhưng vô cùng hào hùng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

*    *
Trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, nhân dân Việt Nam nói chung, cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng sống trong chế độ thực dân, phong kiến. Thực dân, phong kiến chưa bao giờ thành lập được bộ máy cai trị vùng Bến Hiên và xã Jơ Ngây. Thực dân Pháp đã thi hành một chính sách đầu độc, ngu dân, lừa bịp, khủng bố, đàn áp,.. đồng bào các dân tộc sống trong đói nghèo, lạc hậu, nghi kỵ lẫn nhau. Và, chính các chính sách đó, làm xói mòn truyền thống văn hóa Làng của đồng bào.
Chính quyền thực dân, phong kiến mới chỉ thiết lập được chính sách cai trị bằng cách lập các đồn bốt ở các ngõ nguồn như An Điềm (Đại Lộc) và Bến Hiên (Đông Giang) nhằm thu thuế vận chuyển gỗ và các lâm thổ sản khác, qua đó kiểm soát việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của đồng bào.
Tuy nhiên, trước những chính sách cai trị của thực dân - phong kiến, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng bến Hiên, xã Jơ Ngây luôn phát huy truyền thống cố kết cộng đồng, văn hóa Làng và truyền thống thượng võ, với vũ khí thô sơ, như: nỏ, thò, chông, bẩy, lá ngón,...đã tham gia nhiều phong trào đứng lên chống thực dân - phong kiến, bảo vệ bản làng, mùa màng, đời sống của đồng bào và bảo vệ cách mạng. Đó chính là nền tảng của truyền thống yêu nước, cách mạng, để đồng bào các dân tộc Cơtu hân hoan chào đón Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 và bước vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập