Ca nhạc

Điều kiện tự nhiên

ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Jơ Ngây là một xã của huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam; cách trung tâm huyện 23 km về phía Đông, cách thành phố Đà Nẵng 57 km về phía Tây; cách Thành phố Tam Kỳ- tỉnh lỵ Quảng Nam hơn 130 km. Diện tích tự nhiên của xã là 5.587,96 ha. Có tuyến đường QL14G qua khu vực nên rất thuận lợi cho việc giao thương, đi lại và kết nối với các khu vực xung quanh để phát triển kinh tế - xã hội. 
Ranh giới hành chính xã được xác định:
- Phía Đông, giáp với xã ATing và xã Kà Dăng
- Phía Tây, giáp với xã Sông Kôn và xã Tà Lu 
- Phía Nam, giáp với Kà Dăng và xã Mà Cooih
- Phía Bắc, giáp với xã Sông Kôn và xã ATing
Xã Jơ Ngây có 10 thôn: Sông Voi, Cloò, Kèng, Ngật, Phú Mưa, Brùa, Aram I, Aram II, Zà Há và La Đàng.
Đây là vùng đất lâu đời của đồng bào Cơtu. Dân số xã (cuối năm 2015) là 2.477 người; gồm 573 hộ. Đồng bào Cơtu chiếm 86%, Kinh chiếm 14%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên qua các năm liên tiếp từ 2007 đến 2015 khoảng 1,77%. Mật độ dân số là 39 người/km2.
Dân cư sống tập trung chủ yếu dọc theo các tuyến đường chính của xã: QL 14G, ĐX của xã, số còn lại bố trí theo từng thôn bản, cụm dân cư nhỏ lẻ. Nhà ở quần cư là chủ yếu, tập quán dân cư sinh sống theo quy mô làng bản, tộc họ. Tổng số nhà ở nông thôn trên toàn xã: 477 nhà, trong đó: nhà tạm: 60 nhà, chiếm 12,58 %, nhà bán kiên cố và kiên cố: 417 nhà, chiếm 87,42% tổng số nhà trên toàn xã. 
Chất lượng nguồn lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 5% tổng số lao động; trong đó trình độ sơ cấp là 4% và trung cấp 1%. Khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Trình độ dân trí thấp, có 75% lao động có trình độ tiểu học, 22% có trình độ trung học cơ sở và 3% có trình độ trung học phổ thông. 
Lao động của xã chủ yếu là lao động nông nghiệp, chiếm 70,18%, đây là một trong những thế mạnh chủ yếu của xã. Lao động trong các ngành thương mại - dịch vụ chiếm 8,3% và công nghiệp - TTCN chiếm 21,52%. Tổng số lao động trong độ tuổi là 1.227 lao động, chiếm 56% dân số toàn xã. Lao động nông nghiệp chiếm 70,18%, thương nghiệp và TTCN chiếm 21,52%, lao động khác chiếm  8,3% . Nhiều thanh niên Cơtu đi làm công nhân và theo học các trường chuyên môn, trường nghề - mở ra hướng nâng cao chất lượng nguồn lực lao động.
Địa hình Jơ Ngây phần lớn là núi cao, chiếm khoảng 55% diện tích tự nhiên;  phân bố chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam, ở độ cao trung bình từ 700 m–1.000 m. Thảm thực vật chủ yếu là cây gỗ vừa và cây gỗ lớn (Kiền Kiền, Chò, Dổi …), phần lớn là đất rừng phòng hộ.
Địa hình vùng núi thấp, chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên; phân bố đều khắp trên toàn xã; độ cao trung bình từ 200–500 m. Thảm thực vật chủ yếu là cây bụi xen lẫn các cây gỗ nhỏ. Diện tích này trồng cây lâm nghiệp.
Địa hình tương đối bằng phẳng, chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên;  phân bố không đồng đều ven chân núi, chân đồi và dọc theo Sông Voi, suối Jơ Ngây; suối, khe nhỏ và phân bố rải rác ở các thôn trong xã.
Địa hình Jơ Ngây rất phức tạp, có độ cao trung bình khoảng 800m. Hơn 91,55% diện tích là đồi núi, diện tích còn lại là sông suối xen kẽ với những thung lũng nhỏ hẹp. Địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, khe suối, độ dốc lớn, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đồi gò, đất ruộng, nà thổ rất ít, manh mún và nhỏ lẻ. Cả xã có vài ba khu vực đất tương đối bằng, phân bố tại các thôn, như: Thôn Kèng, Sông Voi, Clòo, Brùa và thôn La Đàng.
Trên địa bàn xã Jơ Ngây có một dòng sông mang tên Sông Kôn, bắt nguồn từ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chảy ngang qua các thôn Brùa, Phú Mưa, Clòo, Sông Voi, Kèng, Ngật và đổ ra sông Vu Gia (Đại Lộc). Hiện nay, trên con sông này đã làm công trình thủy điện. Ngoài sông, Jơ Ngây có rất nhiều suối lớn nhỏ, phân bố dàn trải trên địa bàn xã. Hiện trạng thủy văn như vậy, thường dẫn đến lũ quét vào mùa mưa.
Xã Jơ Ngây chịu ảnh hưởng hai dòng khí hậu Bắc Hải Vân và Nam Hải Vân. Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ vùng núi Bạch Mã và vùng núi Bà Nà nên thời tiết thường rét lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất và điều kiện sinh trưởng phát triển cây trồng, con vật nuôi. Trong mùa khô xuất hiện gió mùa Tây Nam. Vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch, thường hay có những đợt gió khô từ Lào thổi sang. Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa thuộc khu vực Đông Trường Sơn, chia làm hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa. Cụ thể như sau:
- Nhiệt độ trung bình trong năm:23,5ºc; nhiệt độ cao nhất:38ºc; nhiệt độ thấp nhất: 16ºc. 
- Lượng mưa: Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 dương lịch năm sau và mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch. Lượng mưa lớn tập trung vào tháng 10, 11, 12 dương lịch, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình trong năm: 2.650 mm; lượng mưa cao nhất: 3.307 mm; lượng mưa thấp nhất:1.110 mm.
- Độ ẩm trung bình: 86,5%; độ ẩm cao nhất : 97,0%; độ ẩm thấp nhất: 50,0%
- Gió, bão: Hướng gió thường xuất hiện nhất là gió mùa Đông – Bắc và gió Tây – Nam. Bão lũ thường xuyên xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Hiện tượng lũ quét thường xuyên xảy ra mỗi khi có đợt mưa lớn kéo dài từ đầu nguồn đến các khe suối và sông lớn. Sương mù thường xảy ra trong năm khi có hiện tượng không khí lạnh tràn vào, nhất là tháng mùa mưa rét.
Khí hậu xã Jơ Ngây mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Khí hậu nhiệt đới có độ ẩm lớn, tạo điều kiện cây trồng năng suất cao, thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển cây trồng cũng như con vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định như lượng mưa lớn tập trung theo mùa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, đồng thời còn gây sạt lở diện tích đất nông nghiệp ven các triền sông, suối và khe nhỏ làm cho đất bị xói mòn và rửa trôi.
Tài nguyên thiên nhiên hội đủ các yếu tố, nhất là tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng.
Tổng diện tích tự nhiên của xã là 5.587,96 ha, trong đó:
- Đất nông nghiệp: 3.946,54 ha, chiếm 70,63% diện tích tự nhiên, bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp: 384,69 ha; đất lâm nghiệp: 3.558,85 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 3,00 ha; 
- Đất phi nông nghiệp: 212,23 ha, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên. Trong đó đất ở: 13,45 ha; đất chuyên dùng: 16,58 ha; đất nghĩa trang nghĩa địa: 0,7 ha; đất sông suối mặt nước: 181,5 ha.
- Đất chưa sử dụng: 1.429,19 ha, chiếm 25,58% diện tích tự nhiên. Diện tích chưa sử dụng chiếm diện tích khá lớn, chủ yếu là đồi núi.
Trên địa bàn Jơ Ngây có các loại đất chủ yếu là đất vàng đỏ hình thành trên đá Macmaacid (Fa), tầng đất trung bình 45÷60 cm, tỷ lệ đá lẫn tương đối ít, độ PH từ 4 ÷ 5,5, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, keo, chuối, bòn bon. Đất vàng nhạt (Fq) hình thành trên đất sét, đất dốc tụ (D), đất phù sa sông ngòi (Py) tập trung ở ven sông dày 70 cm đến 80 cm ở các dòng suối lớn và một ít các chân đồi thuận lợi cho phát triển lúa nước và các loại cây ngắn ngày khác. Ngoài ra, các loại đất như, đất màu tím (Fe), đất màu vàng nhạt (Hs), đất màu đỏ (Ha), đất xám bạc (Xa),...
Nhóm đất đỏ phân bố ở hầu hết diện tích đất tự nhiên, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, tơi xốp phù hợp với cây công nghiệp hằng năm, cây lâu năm và cây lâm nghiệp.
Nhìn chung, đất đỏ vàng, phần lớn được hình thành trên đá Macmaaxít, đá Granít, đá phiến sa thạch; có hầu hết trên địa bàn xã. Thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, cấu tượng rời, đá lộ đầu nhiều, có nơi có đá lộ đầu tập trung. Đất ít có khả năng phát triển nông nghiệp, chỉ thích hợp cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong quá trình sử dụng chú ý các biện pháp bảo vệ xói mòn, rửa trôi đất. 
Đất dốc tụ chiếm khoảng 2,0% diện tích tự nhiên ở các thung lũng; được hình thành do sự lắng đọng từ trên núi cao mang xuống. Thành phần rất hổn tạp đất chưa phân hóa. Hiện nay, phần lớn đã được khai thác sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao.
Đất phù sa dọc suối có diện tích nhỏ, chiếm khoảng 1,0% diện tích tự nhiên. Tập trung ở địa hình tương đối bằng phẳng và đã được khai thác sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đất trồng cây hàng năm. Đối với cây lâm nghiệp có nhiều khả năng phát triển trên đất đỏ vàng, là thế mạnh trong quá trình phát triển kinh tế theo mô hình nông lâm kết hợp.
Tổng diện tích mặt nước 181,5 ha, chủ yếu là Sông Kôn. Suối Jơ Ngây, bắt nguồn từ thôn Areh, xã Tà Lu qua các thôn La Đàng, Za Há, ARam II, ARam I, Brùa rồi đổ vào Sông Kôn. Ngoài ra, mật độ khe, suối nhỏ tương đối dày thuận lợi nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nguồn nước thay đổi theo mùa, mùa mưa nguồn nước dồi dào.
Nguồn nước ngầm thay đổi theo cấp độ địa hình, trong tương lai khi nguồn nước ngầm được khai thác, địa phương sẽ có nguồn nước dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp.
Rừng tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao, như: Chò, dỗi, xoan đào, kiền kiền và các lâm sản phụ, như: song mây. Tre, nứa dồi dào là nguồn nguyên liệu cho nhóm nghề thủ công đan lát phát triển, phục vụ đời sống nhân dân. Các loại động vật như: Mang, nai, heo rừng và nhiều loại chim muông, thú khác. Có chồn bay được ghi vào sách đỏ Việt Nam.  Rừng nơi đây là nơi chứa nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm có giá trị và ý nghĩa phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Tổng diện tích đất Lâm nghiệp: 3.558,85 ha, trong đó có 1.830,85 ha đất rừng sản xuất; 1.728 ha đất rừng phòng hộ; với tỷ lệ che phủ rừng khoảng 43-45%.
Tài nguyên khoáng sản, như: cát, sỏi, đá, và vàng sa khoáng,.. Tuy nhiên, hiện nay chưa được khai thác và chưa có các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên được đảm bảo an toàn. Đây là tài nguyên rất thuận lợi cho quá trình xây dựng trên địa bàn xã và các vùng phụ cận.


Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập