Ca nhạc

Thời kỳ (1954 - 1975)


LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TIẾN HÀNH CUỘC 
KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC 
(7/1954 – 3/1975)

I. CHUYỂN HƯỚNG HOẠT ĐỘNG, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CĂN CỨ CÁCH MẠNG; ĐẤU TRANH CHỐNG THỦ ĐOẠN “TỐ CỘNG”, “DIỆT CỘNG” VÀ ÂM MƯU THÀNH LẬP CHÍNH QUYỀN TAY SAI MỸ - DIỆM (7/1954 - 6/1959)
1. Chuyển hướng hoạt động, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ căn cứ cách mạng
Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đối với ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo Hiệp định, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc được giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam do đối phương quản lý, sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử đề thống nhất nước nhà.
Cuối tháng 7 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chỉ rõ nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn mới là đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Trong lúc ta nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định về đình chiến, tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực, thì đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ngang nhiên vi phạm. Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân Pháp với mưu đồ biến miền Nam thành căn cứ quân sự khổng lồ chống chủ nghĩa xã hội. Chúng từng bước hậu thuẫn Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập nước “Việt Nam Cộng hòa” do chính Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Ngay sau khi nắm quyền, Ngô Đình Diệm đã gây ra những tội ác vô cùng dã man đối với cán bộ và đồng bào miền Nam. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng thực hiện hàng loạt vụ thảm sát đẫm máu ở Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chiên Đàn, ở Hà Lam - Chợ Được, Sơn - Cẩm - Hà…
Như vậy, sau Hiệp định Giơnevơ, thế và lực của ta trên khắp miền Nam và tỉnh Quảng Nam có sự thay đổi lớn, từ chỗ hoạt động công khai, làm chủ một địa bàn rộng lớn, có cơ sở quần chúng đều khắp, nay buộc phải chuyển sang quyền quản lý của đối phương, dẫn đến những bỡ ngỡ và thắc mắc trong nhân dân. Trong khi đó, thời gian chuyển quân và chuyển giao khu vực cho phía đối phương lại quá ngắn, vùng du kích chỉ có 15 ngày, vùng tự do có 30 ngày. Một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới với nhiệm vụ và phương thức hoạt động phức tạp, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đấu tranh của dân tộc đã đặt ra cho những người lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh Quảng Nam vô vàn những khó khăn và những thử thách cực kỳ to lớn . 
Tháng 5 năm 1956, Mỹ - Diệm phát động chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” trên khắp miền Nam, với nhiều thủ đoạn tàn ác. Hàng ngàn, hàng vạn người yêu nước đã bị bọn mật vụ, cảnh sát đem đi thủ tiêu mà không cần kết án. Song song với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, tháng 4 năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai kế hoạch lập các khu “dinh điền”, khu “trù mật” nhằm làm xáo trộn cơ sở cách mạng, phá vỡ nòng cốt và quản chế những người bị chúng nghi vấn. Đến năm 1959, chúng ban hành Luật 10/59, đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, đồng thời lê máy chém đi khắp miền Nam để khủng bố và uy hiếp tinh thần những người yêu nước.
Ở vùng núi Quảng Nam, từ cuối năm 1954, sau khi cơ bản thiết lập xong bộ máy chính quyền ở vùng đồng bằng, địch đưa quân lên miền núi, trước tiên là ở vùng thấp huyện Bến Hiên nhằm xây dựng bộ máy tề ngụy, đồng thời thực hiện chính sách vừa khủng bố, vừa mua chuộc, dụ dỗ nhân dân và lùng bắt cán bộ ta. Chúng lập ra cái gọi là Nha đại diện hành chính Trung Man, Nha đại diện hành chính Bến Hiên. 
Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, tháng 8 năm 1954, Huyện ủy kịp thời tổ chức hội nghị tại thôn Carung, xã Hiên Đươm (nay là Ka Dăng) quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó trọng tâm là sắp xếp lại các Chi bộ, phân công lại cán bộ phụ trách các xã. Các đồng chí Huyện ủy viên về phụ trách vùng để xây dựng cơ sở và lãnh đạo phong trào quần chúng. Hệ thống chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được giải thể. Chi bộ các xã Đhrêi, Macooih và Hiên Đươm do đồng chí Trịnh Trâm làm Bí thư. Cán bộ, đảng viên tạm thời rút vào hoạt động bí mật, về sống trong dân, hòa nhập với nhân dân, triệt để thực hiện “ba cùng” với nhân dân. Cán bộ người Kinh cùng đóng khố, xâu tai, cà răng, choàng mền, mang gùi, vác dụ vừa để hòa mình vào quần chúng, vừa để che mắt địch, trên cơ sở đó vận động nhân dân ủng hộ cách mạng, lãnh đạo nhân dân dựa vào phong tục tập quán, lệ kiêng cữ để chống địch. Được đồng bào thương yêu, che chở và tạo mọi điều kiện để hoạt động, các đảng viên đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí đấu tranh kiên cường, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, đi đầu trong các phong trào. Từ đó, Đảng ngày càng ăn sâu bám rễ trong nhân dân.
Tháng 9 năm 1954, để phù hợp với tình hình mới, Liên khu ủy 5 quyết định giải thể Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và thành lập Đoàn cán bộ xây dựng miền núi, trực thuộc Tỉnh ủy. Đoàn đã phân công cán bộ về tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bến Hiên. Nhìn chung, nhờ kịp thời kiện toàn cấp ủy, sắp xếp tổ chức bộ máy, phân công Huyện ủy viên phụ trách địa bàn, Chi bộ xã Hiên Đươm cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển hướng phong trào cách mạng trong tình hình mới.
Tuy nhiên, vào đầu năm 1955, Huyện ủy Bến Hiên mất liên lạc với Tỉnh ủy, đến cuối năm mới nối lại liên lạc. Tháng 7 năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt bốn huyện miền núi tại Cà Dy, Nam Giang và thành lập lại Ban Cán sự miền Tây. Sau hội nghị, phong trào cách mạng trong huyện Hiên nói chung, xã Hiên Đươm phát triển mạnh mẽ.
Từ cuối năm 1955, nhất là năm 1956, sau khi đặt được bộ máy chính quyền ở một số xã vùng thấp, địch tiến dần lên vùng trung và vùng cao các huyện miền núi; đồng thời lập ra “Nha công tác miền Thượng”, tổ chức nhiều đoàn “Bình định”, “Quân chính”, “Công dân vụ”. Dưới danh nghĩa hoạt động “xã hội”, “dân ý vụ”..., địch đưa quân tỏa lên vùng trung, vùng cao nhằm truy tìm cán bộ của ta, đẩy cán bộ ra khỏi dân, lập chính quyền, dồn dân, ngăn chặn sự giao lưu giữa miền núi và đồng bằng. Đồng thời, Mỹ - Diệm đưa thêm nhiều tề điệp lên vùng căn cứ của ta, mở các cuộc càn quét vùng giáp ranh. Mục tiêu của chúng là thăm dò lực lượng của ta, tuyên truyền chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.  Chúng đã đóng thêm được các đồn ở Bến Giằng, Trà My và Phước Sơn. Riêng vùng Bến Hiên, chúng đóng thêm các đồn Ca Xăh, Ga lâu, Atép, Pahoó...
Trước tình hình như vậy, Huyện ủy nhận định vị trí các xã vùng thấp ngày càng quan trọng, là nơi cọ xát hàng ngày giữa ta và địch. Đây là địa bàn, nếu không giữ, địch sẽ biến nơi đây thành bàn đạp tiến lên vùng trung và vùng cao. Từ đó, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Chi bộ xã Hiên Đươm tập trung lãnh đạo vận động nhân dân thống nhất ý chí đấu tranh chống Mỹ- Diệm, tổ chức các đại hội đoàn kết; lãnh đạo nhân dân tích cực sản xuất chống đói, nuôi dấu cán bộ ở đồng bằng bị địch khủng bố lánh lên miền núi. Nhờ đó, thế trận căn cứ địa Bến Hiên và tinh thần cách mạng của nhân dân được giữ vững, an toàn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam, trên địa bàn Bến Hiên, các tổ chức Đảng được lệnh rút vào bí mật. Huyện ủy Bến Hiên cũng chủ trương sắp xếp lại tổ chức, Chi bộ lớn ở cấp xã được giải thể và lập ra các Chi bộ nhỏ, đồng thời phân công cấp ủy viên và cán bộ bám dân, bám địa bàn nhằm vận động đồng bào các dân tộc ủng hộ cách mạng, góp phần giữ vững căn cứ địa miền núi. Để lãnh đạo nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, Tỉnh ủy chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bến Hiên gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Phán làm Bí thư; các đồng chí Nguyễn Khả, Dương Đỉnh, Đỗ Nuôi, Trương Hề làm Huyện ủy viên. 
Ngày 6 tháng 7 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước. Trong thư, Người chỉ ra rằng “Cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta hiện nay là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp, song nhất định thắng lợi”, “Thống nhất nước nhà là con đường sống còn của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng”. Chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã Hiên Đươm tổ chức việc học tập thư Bác Hồ trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua học tập, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện lời kêu gọi của Bác, nhận rõ bản chất của kẻ thù, đồng thời thêm vững tin vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống lại kẻ thù mới là đế quốc Mỹ.
Cũng trong năm này, Ban Cán sự miền Tây và Huyện ủy Bến Hiên chủ trương tổ chức dạy tiếng Cơtu cho đồng bào, trong đó có xã Hiên Đươm. Thành công của việc dạy tiếng Cơtu với các kiến thức thông thường về khoa học, về vệ sinh phòng bệnh, về các tác hại của hủ tục,…đã giúp đồng bào thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cho đến năm 1958, toàn xã có 12 đảng viên, sinh hoạt tại 3 Chi bộ  và đã thành lập Xã ủy. Huyện ủy cử đồng chí Lê Xuân về phụ trách địa bàn xã; đồng chí Alăng Pấc (Tờng) được cử làm Bí thư, đồng chí Tri (Pri) làm Chủ tịch xã . Đội ngũ đảng viên này đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với kẻ thù và xây dựng cuộc sống mới ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt.
Tháng 6 năm 1958, Liên Khu ủy V ra nghị quyết về xây dựng căn cứ cách mạng và chỉ thị cho các tỉnh, các địa phương lập danh sách các tên ác ôn khét tiếng, có nhiều nợ máu với nhân dân để tiêu diệt.
Có thể nói, từ sau thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự miền Tây và Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã không ngừng phát triển, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình tại địa phương; xây dựng và bảo vệ thành công căn cứ cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ. Đội ngũ đảng viên của Đhrêi vẫn không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Nhờ sự chở che, giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh của đồng chí, đồng bào Cơtu trong giai đoạn này không có cán bộ nào rơi vào tay địch, không có cơ quan, kho tàng nào của cách mạng bị địch phát hiện, đánh phá. Thái độ bất hợp tác của nhân dân khiến kẻ địch phải thừa nhận “Dân Thượng ở đây có khuynh hướng thân Cộng và thái độ bất hợp tác với ta. Một khi có đơn vị quân sự của ta lên thì hoặc bỏ chạy vào rừng hoặc vẫn ở nhà nhưng không bao giờ chịu giúp ta về mặt tin tức hay chỉ đường” . 
2. Lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch khủng bố, góp phần bảo vệ hành lang chiến lược Bắc – Nam và căn cứ Liên khu ủy 5
Từ năm 1955, cùng với việc mở rộng vùng chiếm đóng dọc tuyến đường từ xã Ba, xã Tư lên xã Hiên Đươm, địch liên tiếp mở các trận càn nhằm đánh vào các vùng căn cứ nhằm truy bắt cán bộ ta. Tháng 8 năm 1955, chúng mở cuộc hành quân cấp trung đoàn, gồm ba cánh quân tiến vào 5 xã vùng thấp của khu B1 . Đầu tháng 9 năm 1955, chúng tiến lên Hiên Đươm. Vừa đặt chân đến, địch đã thẳng tay tiến hành khủng bố nhân dân nhằm truy tìm cán bộ và cơ sở cách mạng của ta. Không khai thác được gì, chúng đã đưa 15 người đi thủ tiêu. Tội ác của kẻ thù càng gây thêm lòng căm phẫn trong nhân dân. 
Ngày 11 tháng 9 năm 1955, tại thôn K8, dưới sự chỉ huy của đồng chí Bnướch Dít, nhân dân trong xã chỉ với vũ khí thô sơ như chông, thò, tên nỏ, dao rựa đã chặn đứng một cánh quân địch, làm chết và bị thương hàng chục tên .
Đầu năm 1956, địch đưa một trung đoàn càn quét vùng Bhơlô Sơn (nay là thôn Sơn, xã Sông Kôn). Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã lãnh đạo nhân dân tiếp tục sử dụng phong tục tập quán để đối phó với địch; lấy cớ chống “giặc mùa” để xây dựng hệ thống chông thò, cạm bẫy một cách công khai, thậm chí còn báo cho địch biết với những dấu hiệu rõ ràng việc đồng bào đã đặt bẫy, gài chông để giữ làng, giữ rẫy và chống lại “giặc mùa” nhằm hạn chế sự lùng sục của địch. Một số tên giẫm phải chông và bị thương nặng khi cố tình lùng sục để truy tìm cán bộ ta, buộc tên chỉ huy phải ra lệnh nếu bọn lính vào rừng hoặc đi đâu phải có dân dẫn đường. Bằng cách này, nhân dân trong xã cùng nhân dân các xã đã chặn đứng cuộc càn quét của địch.
Đến năm 1958, sau khi cơ bản thực hiện xong âm mưu “bình định” ở vùng đồng bằng và đô thị, địch đẩy mạnh chiến dịch “Thượng du vận”, tiến lên miền núi. Vừa mới bước chân lên vùng ta, địch hung hăng tiến hành lùng sục vào các làng nhằm đánh phá vùng căn cứ. Trong các chiến dịch “Thượng du vận” của Mỹ - Diệm, quân đội của chúng đi đến đâu là các đoàn cán bộ hành chính, công dân vụ theo đến đó, sẵn sàng đàn áp, tra tấn nhân dân . Chúng đóng quân tại một số vùng ta có cơ sở mạnh, dùng thủ đoạn vừa khủng bố, vừa mua chuộc dụ dỗ hòng khai thác tình hình. Do được chỉ điểm, chúng đã bắt một số người, như: Conh Đời ở làng Ga rong và Conh Hươi ở làng Pa gừng tra tấn dã man, bất chấp sự phản đối của đồng bào. Để truy tìm cán bộ ta, địch lùng lội, phục kích hoặc bất ngờ đột nhập các làng không kể ngày đêm. Chúng còn dùng nhiều biện pháp như đốt nhà, cướp của để xúc số bà con người Kinh đang sinh sống ở Nà Giếu, xã Ba đang ở về đồng bằng . 
Để thực hiện mưu đồ lâu dài, Mỹ - Diệm dùng tiền lôi kéo thanh niên dân tộc tham gia lực lượng dân vệ, đưa đi học nghề, học quân sự và tăng cường việc lập mới các đồn ở Phú Mưa, Bến Hiên,...Ở các thôn như A Sờ, Pa Ngui, Kèng,...địch bắt nhân dân xé cờ Đảng, treo ảnh Ngô Đình Diệm, nhưng nhân dân kiên quyết phản đối.
Khi Mỹ - Diệm mở rộng cuộc chiến tranh lên miền Tây, với những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, vừa khủng bố, đàn áp vừa mua chuộc, dụ dỗ nhằm áp đặt một bộ máy chính quyền làm tay sai cho chúng. Nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của địch, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã lãnh đạo nhân dân vạch trần âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, khủng bố của địch; dấy lên phong trào chống ăn yên, chống lập Hội đồng hương chính, chống mua chuộc, không nhận muối, rựa của địch. Qua phong trào đấu tranh chính trị đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như Conh Đhă, Cléc ở thôn Pahoó, Gral ở thôn Zà Há... Những đồng chí này đã đi đầu trong việc vận động nhân dân, chỉ cho nhân dân thấy được những thủ đoạn của địch, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù. 
Trong cuộc đấu tranh chống thủ đoạn khủng bố, mua chuộc của địch giai đoạn này nổi lên nhiều tấm gương hy sinh của các đồng chí, như: Mhă (thôn Ổi), Gróc (thôn Zà Há) là những chiến sĩ giao liên làm nhiệm vụ dẫn đường trên đường dây Nam - Thiên đi qua địa bàn Đhrêi, khi bị địch bắt, tra tấn, các đồng chí kiên quyết không khai báo, chấp nhận hy sinh để góp phần bảo vệ an toàn cho cán bộ và bí mật của đường dây giao liên.
Nhằm chống lại chính sách khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng nhiều hành thức, như: không cho địch đóng đồn bốt trên địa bàn, không đi lính và làm tay sai cho địch, chống bọn thương lái tay sai của địch tuyên truyền nói xấu cách mạng, chống các thủ đoạn xâm nhập, khủng bố của địch, tiếp tục sử dụng phong tục tập quán kết hợp với hệ thống cạm bẫy, chông thò để hù dọa, xua đuổi bọn tay sai, chống địch càn quét. Nhân dân vẫn bí mật nuôi giấu và bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. 
Nhờ sự chở che, giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh của đồng chí, đồng bào của xã, trong giai đoạn này không có cán bộ nào rơi vào tay địch, không có cơ quan, kho hàng nào của cách mạng bị địch phát hiện, đánh phá.
Thực hiện chủ trương của Ban Cán sự miền Tây và Huyện ủy Bến Hiên, Chi bộ xã lãnh đạo nhân dân thực hiện phương châm dùng phong tục, tập quán để đấu tranh chống lại địch.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, Trung ương chỉ đạo Liên khu ủy V thành lập ngay Phòng Liên lạc miền Nam, với nhiệm vụ giữ vững đường dây liên lạc thông suốt với Trung ương về Liên khu ủy V và vào Nam Bộ. Tuyến hành lang bộ này chạy dọc theo dãy Trường Sơn nối liền hai tỉnh Thừa Thiên với Quảng Nam – Đà Nẵng, còn được gọi là đường Nam – Thiên. Đây là đoạn đường đi qua địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở, với nhiều sông sâu, núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, là nơi “thiên hiểm” có giá trị lớn về mặt chiến lược nhưng lại là nơi có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Khó khăn lớn nhất trên tuyến đường này là nơi giáp giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam với những ngọn núi cao sừng sững khó có thể vượt qua. Trước tình hình đó, được sự thống nhất của Trung ương Đảng hai nước Việt – Lào, tuyến đường giao liên được “lật cánh” qua đất Lào tại vùng Ađớt (A Lưới – Thừa Thiên) đến đèo Ayên (Tây Giang – Quảng Nam). Đến đây, đường giao liên được chia làm hai nhánh, một nhánh xuống Azứt đi Prao qua Dốc Bút (xã Đhrêi) về Bến Hiên; một nhánh đi Tr’lêê (A tiêng) đến Pơr’ning (Lăng) qua Bến Giằng (Nam Giang) vào Tây Nguyên và Nam Bộ .
Trên địa bàn xã, từ sau năm 1954, nhằm nối liên lạc giữa Liên khu ủy 5 với Tỉnh ủy và các địa phương trong tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Nam đã cho đặt một trạm giao liên tại làng Ngật; đồng thời từ trạm đầu mối Ngật, đường dây liên lạc đi qua các làng Kèng, Bôlô Hiền và làng Bút (đều thuộc xã Đhrêi), nối với tỉnh Thừa Thiên tại trạm Dốc Bút. Liên khu ủy 5 cũng cho đặt tại thôn Bhơlô Sơn một trạm liên lạc  trực thuộc mạng hệ thống liên lạc của Khu, với nhiệm vụ chuyển thư từ, tài liệu từ Khu ủy xuống các tỉnh và đưa đón cán bộ đi lại hoạt động. 
Khi cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn ác liệt, trên địa bàn xã còn có tuyến giao thông vận tải, nối đường Hồ Chí Minh về các chiến trường Quảng Nam và Đà Nẵng (còn có tên gọi là đường Bình Sơn); ngoài ra, địa bàn xã là nơi quân khu và tỉnh đặt nhiều kho tàng, mà đến nay vẫn còn tên thôn (K9 – ký hiệu của kho). Đồng bào Cơtu của xã đã có nhiều hình thức bảo vệ căn cứ của cách mạng
Từ khoảng giữa năm 1955, cơ quan Liên khu ủy 5 chuyển từ Bình Định ra vùng phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế; đến cuối năm 1955 thì chuyển vào tỉnh Quảng Nam. Trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1958, cơ quan Liên khu ủy liên tục di chuyển, từ vùng Lồ Ô (nay thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) lên thôn Vàu, rồi thôn Điềm thuộc xã Tư, sau đó từ thôn Điềm chuyển lên đóng tại làng Bhơlô Hiền, Bhơlô Sơn.
Địa bàn Hiên Đươm cũng như khu vực các xã thuộc huyện Bến Hiên có địa hình hiểm trở với nhiều dãy núi cao thuộc dãy Bạch Mã, lại gần với Đà Nẵng, Đại Lộc và đồng bằng Quảng Nam, thuận lợi trong công tác bố phòng cũng như rút lui, với hệ thống chông, thò dày đặc do nhân dân dựng lên nhằm ngăn chặn sự càn quét của địch. Đồng thời, nơi đây còn thuận lợi trong công tác đảm bảo hậu cần do gần các con đường huyết mạch để vận chuyển người và vũ khí, hàng hóa qua tuyến đường Đông Trường Sơn từ các huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế qua huyện Bến Hiên, rồi từ Bến Hiên phát triển xuống các tỉnh khác của Liên khu 5 và Nam Bộ. 
Đhrêi là nơi sinh sống của đồng bào Cơtu vốn có tinh thần thượng võ. Trước đây, sống dưới chế độ thực dân, phong kiến đồng bào bị chèn ép, khinh rẻ, cuộc sống vô cùng cơ cực, tình trạng đói cơm, lạt muối và ốm đau bệnh tật xảy ra thường xuyên. Kể từ khi được Đảng và Bác Hồ đem đến lại quyền lợi và cuộc sống tự do, đồng bào nguyện một lòng một dạ theo Đảng làm cách mạng để giải phóng quê hương, đất nước. Với lòng trung thành và tinh thần cách mạng của nhân dân, cùng vị trí chiến lược của khu vực, từ sau năm 1954, địa bàn xã đã được Liên khu ủy 5 và Tỉnh ủy, Huyện ủy chọn làm nơi đóng căn cứ để chỉ đạo cuộc kháng chiến; là chỗ dựa vững chắc cho các huyện đồng bằng và cán bộ từ đồng bằng lên hoạt động cách mạng nhằm tránh sự truy bắt của kẻ thù trong những tháng năm đen tối nhất của cách mạng miền Nam, giai đoạn 1954 - 1959 . Đồng bào Cơtu đã nuôi giấu, che chở và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cán bộ người Kinh hoạt động tại địa bàn. Bên cạnh sự bảo vệ, che chở của nhân dân, cán bộ người Kinh đã hòa vào cuộc sống của đồng bào dân tộc, họ cũng để tóc dài, nhuộm răng đen, cà răng, căng tai, tập nói tiếng Cơtu.. để tránh tai mắt của kẻ thù và cũng để tạo niềm tin trong nhân dân. Tiêu biểu cho các cán bộ thời kỳ này là đồng chí Quách Xân (Cónh Axớp), Trịnh Trâm (Aploò)... 
Trong thời gian cơ quan Liên khu ủy 5 đứng chân tại địa bàn xã, nhân dân đã giữ bí mật, đồng thời làm công tác dẫn đường, làm giao liên, đóng góp lương thực thực phẩm và nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, đấu tranh đuổi bọn tề điệp ra khỏi khu vực, góp phần bảo vệ an toàn khu căn cứ và các đồng chí lãnh đạo của Liên khu ủy. Thực tế, với hệ thống chông, thò được bố trí khắp nơi, mặc dù nhiều lần địch tung quân càn quét nhưng không dám đi sâu vào các làng. 
Tháng 10 năm 1956 tại Bhơlô Sơn, Liên khu ủy 5 tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá những hạn chế, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo phong trào cách mạng Liên khu 5 kể từ sau Hiệp định Giơnevơ; đồng thời thảo luận công tác củng cố phong trào cách mạng trên địa bàn Khu trong điều kiện kẻ thù không thi hành Hiệp định. Lúc này, do địch tăng cường đánh phá cơ sở của ta ở đồng bằng và kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, hành lang nối đồng bằng và miền núi, đường dây liên lạc và tiếp tế lương thực thực phẩm từ đồng bằng lên bị tắc; mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với tình cảm dành cho cách mạng, đồng bào vẫn nhiệt tình ủng hộ lương thực, thực phẩm phục vụ các đại biểu về dự Hội nghị.
Từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 6 năm 1959 là giai đoạn đen tối của những năm tháng cách mạng miền Nam dưới chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm. Trên địa bàn xã, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo đồng bào Cơtu một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Theo lời kêu gọi của Đảng, đồng bào đã rời bỏ nhà cửa, bản làng, ruộng vườn để vào rừng sâu, tiếp tục đánh địch và nuôi cách mạng. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn do chính sách bao vây, phong tỏa của địch, đồng bào sẵn sàng ăn rau, củ, ăn lúa lép thay cơm, dành gạo để nấu cháo cho trẻ em và người già, còn lại ngoài phần lúa giống, đóng góp hết cho cách mạng, nuôi cán bộ; nếu lạt muối đồng bào sẵn sàng đốt cỏ tranh ăn, dành muối cho cách mạng, cho thương binh. Trong những năm đen tối ấy, hầu như gia đình nào cũng góp công, góp của để nuôi cán bộ. Nhà ít thì 1 - 2 năm, nhà nhiều thì tới 5 - 6 năm. Nhiều gia đình, như: Bnướch Bhrúc, Alăng Thị Chốp, Bríu Thị Chêr, Ating Thị Lía, Alăng Thị Dâng, Alăng Thị Bhươnh … góp hàng trăm ang lúa, bắp, hàng vạn gốc sắn và cả trâu, bò, heo, gà cho cách mạng. 
Khi đường hành lang Nam - Bắc được nối thông đến các tỉnh, đi qua địa bàn xã thì nhu cầu nhân lực cho công tác vận chuyển ngày càng tăng, đồng bào lại hăng hái tham gia dân công, vận chuyển lương thực, súng đạn cho chiến trường, góp phần không nhỏ trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tình cảm và công sức của đồng bào Cơtu dành cho cách mạng là vô cùng thiêng liêng và sâu nặng. Đánh giá về vai trò của miền núi, của đồng bào các dân tộc thiểu số với cách mạng, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Bí thư Liên khu ủy 5 khẳng định: “Cơ quan Khu ủy luôn ở trong các thôn, xã vùng giáp ranh đồng bằng với sự bảo vệ của nhân dân. Đồng bào có ưu thế về chính trị trong đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với địch hơn người Kinh, mặc dù địch tiến hành đủ kiểu đàn áp, khủng bố, càn quét, nhưng lực lượng đảng viên, phong trào quần chúng vẫn được củng cố và phát triển. Ở đây nhiều vùng rộng lớn không có một tên gián điệp, không có chính quyền của địch, chỉ có nơi gần quận lỵ, thị xã mới có chính quyền của địch nhưng do cốt cán của ta nắm để bảo vệ cách mạng. Bọn ác ôn người Kinh đều bị diệt, lính địch đến đều bị đánh cho nên chúng sợ không dám vào thôn xã. Lúc bình thường thanh niên ở trong làng sản xuất, khi có địch thì lảng ra rừng chống lại...” .
II. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, ĐẤU TRANH GÓP PHẦN LÀM THẤT BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” CỦA MỸ - NGỤY (6/1959 - 3/1965)
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về con đường phát triển của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa dành chính quyền
Tháng 1 năm 1959, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc và dân chủ ở miền Nam”. Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhấn mạnh: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc nhiều, hoặc ít để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và tay sai, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân” . Đây là nghị quyết lịch sử, đã soi sáng con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.
Tháng 5 năm 1959, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Liên Khu ủy V về đến Khu V và triệu tập ngay Hội nghị cán bộ gồm các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, tại huyện Bến Hiên. Tại Hội nghị này, đồng chí Võ Chí Công truyền đạt tinh thần Nghị quyế 15 và nhấn mạnh: “Cách mạng miền Nam nói chung không thể đi ra ngoài chung luật chùng của cách mạng ở các thuộc địa và bán thuộc địa, cho nên con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” .
Tháng 6 năm 1959, tại huyện Bến Giằng, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng nhằm triển khai học tập Nghị quyết 15 của Trung ương. Sau khi đánh giá lại tình hình cách mạng trong tỉnh, Hội nghị đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng, tuyên truyền đường lối của Đảng đến cán bộ, nhân dân, móc nối xây dựng lại cơ sở ở đồng bằng, rút thanh niên lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành diệt ác, phá kìm, khôi phục phong trào đấu tranh của nhân dân...Phương châm đấu tranh là lấy sức mạnh của quần chúng nhân dân là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để lật đổ chính quyên của đế quốc và tay sai, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.
Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Bến Hiên triển khai Nghị quyết 15 với khí thế mới, thì tháng 12 năm 1959, địch mở cuộc hành quân càn quét lên các xã Đhrêi, Zngêi, Za Hung và Macooih. Chúng bắt được đồng chí Alăng Gróc (người thôn Zahá, xã Đhrêi), nhân viên của đường dây Nam - Thiên đang trên đường công tác. Trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, Alăng Gróc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đường dây, bảo vệ cơ quan, để lại niềm tiếc thương trong đồng bào, đồng chí . Từ tấm gương hy sinh của ALăng Groc, Chi bộ xã tuyên truyền trong nhân dân và động viên đồng bào tích cực ủng hộ cách mạng.
Tiếp đó, tháng 1 năm 1960, tại làng Ađhur (nay thuộc xã Arooih, huyện Đông Giang), Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã được tổ chức nhằm đề ra những chủ trương theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đây là Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội đề ra phương hướng chung: “Tạo mọi điều kiện để tấn công hàng ngũ địch, hạ uy thế địch, khôi phục lực lượng, đưa phong trào tiến lên. Hiện nay và sắp đến, ta sẽ ra sức xây dựng miền núi, củng cố chân đứng vững chắc, xây dựng, khôi phục, phát triển phong trào đồng bằng, thành thị và tiến mạnh công tác binh vận...” . 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tháng 8 năm 1960, đối với các huyện miền núi, Tỉnh ủy quyết định sáp nhập các huyện Trà My và Phước Sơn để thành lập huyện Trà Sơn; sáp nhập các huyện Bến Giằng, Bến Hiên, Hải Nam và miền Tây Hòa Vang thành huyện Thống Nhất (Bắc Sơn, mật danh B3). Huyện ủy Thống Nhất được thành lập gồm 17 đồng chí, do đồng chí Huỳnh Trọng Dĩnh làm Bí thư Huyện ủy. 
Để thuận lợi trong chỉ đạo phong trào, Bến Hiên được chia thành các khu, với một Ban Cán sự Đảng. Khu IIB gồm các xã: Kà Dăng, Zngêi và Đhrêi .
Ngay sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương và chủ trương của Đảng bộ các cấp, Chi bộ xã tổ chức học tập Nghị quyết 15 trong toàn thể cán bộ, đảng viên và tuyên truyền tinh thần Nghị quyết trong quần chúng nhân dân; đồng thời tiến hành xây dựng, củng cố lực lượng, chuyển hướng cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm sang một thời kỳ mới. 
Lúc này, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, một phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta đã thổi bùng trên khắp miền Nam - phong trào Đồng khởi, được mở đầu từ tỉnh Bến Tre đầu năm 1960 đã làm chế độ Mỹ - Diệm lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, “thời kỳ tạm ổn của chế độ Mỹ - Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng liên tiếp bắt đầu”, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ “chiến tranh đơn phương” sang “chiến tranh đặc biệt”. Với chiến lược này, đế quốc Mỹ chủ trương dùng quân ngụy làm lực lượng chủ yếu với vũ khí và trang bị hiện đại của Mỹ, do Mỹ vạch kế hoạch và chỉ huy.
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Đại hộ đại biểu nhân dân miền Nam họp và tuyên bố thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là sự kiện hết sức quan trọng của cách mạng miền Nam, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Đông Giang và xã Zngêi nói riêng.
Thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt, từ năm 1961 trên chiến trường miền Nam, Mỹ - Ngụy áp dụng kế hoạch Stalây – Taylo với tham vọng bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, tập trung vào các thủ đoạn: dồn dân lập ấp chiến lược; tăng cường lực lượng quân ngụy, tiến hành các cuộc bao vây, càn quét bằng những chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận”; ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam của ta. Mỹ - Diệm coi việc dồn dân lập ấp chiến lược như là “xương sống”, là “quốc sách” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Thực chất, ấp chiến lược giống như một trại giam trá hình nhằm kìm kẹp, kiểm soát nhân dân, thực hiện “tát nước, bắt cá”, tiến tới tiêu diệt lực lượng cách mạng. 
Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng từng là trọng điểm của chính sách “tố cộng, diệt cộng” trước đây, nay Mỹ - Ngụy tiếp tục chọn làm thí điểm thực hiện “lập ấp, bình định”. 
Đối với vùng núi các huyện Đông Giang và Tây Giang, từ sau năm 1954, Mỹ - Ngụy đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc nhằm mua chuộc, dụ dỗ nhân dân với âm mưu thành lập chính quyền tay sai cho chúng. Tuy nhiên, với niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối vào cách mạng, đồng bào Cơtu vẫn một lòng một dạ với cách mạng, không một ai theo giặc, làm tay sai cho giặc. Thất bại trong các âm mưu mua chuộc, dụ dỗ, địch quay sang sử dụng các thủ đoạn thâm độc và tàn bạo hơn nhằm ngăn chặn sự ủng hộ của nhân dân với cách mạng, cũng như ngăn chặn và đánh bật các lực lượng cách mạng đang đứng chân trên vùng đất Bến Hiên. Thực hiện âm mưu đó, địch đã cho thiết lập một hệ thống đồn bốt như Pahoó, Ga lâu, Bót xít, Éo, A tép…, đồng thời thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét, đánh phá ác liệt vùng căn cứ của ta.
Đầu năm 1959, Chi bộ lãnh đạo thành lập trung đội du kích xã, do đồng chí Alăng Dưng làm Trung đội trưởng. Trung đội du kích thường xuyên tiến hành tuần tra, canh gác nhằm kịp thời phát hiện địch; đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã bạn tổ chức nhiều trận đánh địch, bảo vệ làng xóm, bảo vệ cán bộ và các cơ quan tỉnh, huyện đóng trên địa bàn. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Chi bộ lãnh đạo nhân dân vùng Bhơlô Sơn và toàn xã tiếp tục dùng những kinh nghiệm, những hình thức đánh địch đã được sử dụng trong các giai đoạn trước, đặc biệt sử dụng hệ thống chông thò, cạm bẫy và cả những phong tục, tập quán nhằm hạn chế việc lùng sục, càn quét của địch;  kiên quyết đánh địch bảo vệ thôn làng, bảo vệ căn cứ. Nhân dân vùng Bhơlô Sơn tích cực cắm chông thò dày đặc khắp núi rừng, nương rẫy. 
Ngày 18 tháng 5 năm 1960, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân lớn, đánh lên vùng Bhơlô Sơn (nay là thôn Sơn, xã Sông Kôn) nhằm đánh sâu vào vùng căn cứ, tìm diệt cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam. Chúng huy động vào cuộc hành quân này hơn một trung đoàn bộ binh, với sự hỗ trợ của pháo binh và không quân từ các căn cứ ở đồng bằng.
Thôn Bhơlô Sơn lúc này đang là nơi đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam  và một trạm liên lạc , trực thuộc mạng hệ thống liên lạc từ Khu xuống các tỉnh của Liên khu, với nhiệm vụ chuyển thư từ, tài liệu từ khu xuống các tỉnh và đưa đón cán bộ. Ngoài ra, địa bàn còn là nơi có tuyến hành lang vận chuyển Bắc - Nam đi qua.
Để đối phó với cuộc tấn công của địch lên vùng căn cứ Bhơlô Sơn, kể từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, tại Ađhur và được sự soi sáng của tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy và sự lãnh đạo của Chi bộ, phong trào cách mạng xã Zngêi diễn ra hết sức sôi nổi; nhất là bảo vệ căn cứ cách mạng. 
Ta đã cử Conh Bàn, một quần chúng của ta đang làm việc Mỹ - Diệm, ra biểu diễn cách cắm chông, gài thò cho số chỉ huy địch xem. Hầu hết bọn chúng đều khâm phục nhưng lo sợ, song có tên vẫn chưa tin là đồng bào ta đủ sức để cắm chông, đặt thò khắp núi rừng. Một tên sĩ quan của địch sau khi xem Cónh Bàn biểu diễn dẫn hai tên lính vào khu rừng sau làng đã bị một mũi thò đâm xuyên bụng. Nhiều tên khác, trong khi đi càn quét, truy lùng cán bộ, cơ quan ta, cũng vấp phải chông, thò. Từ đó, binh lính địch không còn ngang nhiên lùng sục trong rừng, trong rẫy. Việc sử dụng chông, thò dưới danh nghĩa chống thú dữ, bảo vệ hoa màu đã hạn chế được các cuộc hành quân cán quét của địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cán bộ, bảo vệ được cơ quan của tỉnh, của Khu đang đóng tại địa phương là một việc làm táo bạo, kiên quyết, mới mẻ trong chỉ đạo ; đồng thời, được cán bộ hướng dẫn, đồng bào kiên quyết đấu tranh không cho địch lấy đất làm đồn bốt, không dẫn đường cho địch, đấu tranh không đi lính, không cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng.
Đến ngày 24 tháng 5 năm 1960, sau hơn một tuần hành quân không thu được kết quả, địch rút khỏi vùng Bhơlô Sơn.
Tiếp đó, ngày 19 tháng 6 năm 1960, địch tổ chức trận càn vào thôn Bút Nhót, với sự tham gia của cả bộ binh và không quân. Trong trận này, dưới sự chỉ huy của đồng chí Alăng Dưng, lực lượng du kích và nhân dân Đhrêi đã chiến đấu dũng cảm, diệt và làm bị thương hàng chục tên, thu 5 khẩu súng, 18 quả lựu đạn cùng nhiều quân trang, quân dụng của địch.
Tháng 6 năm 1960, Khu ủy V thành lập Ban Quân sự, do đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy làm Trưởng ban. Tháng 7 năm 1960, Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập 3 đại đội bộ binh:  H21, H30 và H36. Đại đội H30, do đồng chí Ngô Văn Sanh làm Đại đội trưởng, đồng chí Phan Song làm Chính trị viên, đứng chân tại Phú Mưa, xã Zngêi, huyện Bến Hiên. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân xã Jơ Ngây phát triển, đồng bào Cơtu luôn giúp đỡ, che chở bộ đội . 
Trên chiến trường Bến Hiên, các lực lượng vũ trang của tỉnh, của huyện cũng liên tiếp tổ chức các trận đánh nhằm tiêu hao, tiêu diệt địch, buộc chúng phải co cụm hoặc rút khỏi các đồn bốt. Sáng ngày 15 tháng 10 năm 1960, một đại đội địch ở đồn Bến Hiên chia thành ba tốp đi tăng cường cho các đồn Galâu, Apăl, Atep, Kaxah. Khoảng 9 giờ sáng, trung đội địch đi đầu lọt đúng vào trận địa của ta bố trí tại dốc Gợp (xã Mà Cooih). Đồng chí Bhnướch Ríp lập tức phát tín hiệu mở màn trận đánh. Những mũi tên thuốc độc của ta bắn trúng vào các tên chỉ huy, đồng thời các loại tên thò bằng tre nứa bay thẳng vào đội hình địch khiến chúng hốt hoảng bỏ chạy, tiếp tục đạp phải các hầm chông tre bày sẵn. Kết quả trận đánh: cả trung đội địch bị tiêu diệt, trong đó 8 tên chết vì tên thuốc độc, 22 tên chết vì chông, thò. Hai trung đội đi sau vừa đến, thấy đồng bọn bị tiêu diệt bèn bỏ chạy. Mãi hai ngày sau chúng mới hành quân lên lấy xác đồng bọn.
Chiến thắng Gợp là trận đầu đánh địch bằng vũ khí thô sơ tự tạo được tổ chức trên địa hình đồi núi hiểm trở, thể hiện lòng dũng cảm, mưu trí, bí mật, bất ngờ của bộ đội, du kích ở Bến Hiên, mở đầu phong trào vũ trang đánh địch của đồng bào các dân tộc miền Tây Quảng Nam. Phát huy thắng lợi, quân ta tiếp tục tấn công tiêu diệt các đồn Galâu, Kaxah, những điểm khống chế đoạn hành lang Nam - Bắc của ta qua Bến Hiên. Các trận đánh Gợp, Galâu, Kaxah đã động viên tinh thần vũ trang đánh địch của nhân dân Bến Hiên và góp phần vào thắng lợi chung của phong trào đồng khởi trên địa bàn miền núi Liên khu 5.
Để động viên và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, từ ngày 20 đến 22 tháng 1 năm 1961, tại Ta Pơơ - Bến Giằng, Đại hội đoàn kết các dân tộc huyện Thống Nhất lần thứ Nhất được tổ chức. Đại hội đề ra đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Tăng cường đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh xây dựng căn cứ cách mạng, đảm bảo đời sống nhân dân, xây dựng phong trào chiến tranh du kích, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, sử dụng vũ khí thô sơ, tự tạo nhằm bao vây cô lập các đồn bót địch, buộc chúng phải co cụm trong đồn, đẩy chúng ra khỏi núi rừng” . Nghị quyết thể hiện tinh thần cách mạng tấn công của đồng bào Cơtu.
Tháng 10 năm 1961, du kích Zngêi phối hợp với các lực lượng vũ trang của tỉnh, của huyện chặn đánh địch tại vùng Tâm Cha Đi (nay là thôn Aroó, xã Jơ Ngây). Trong trận này, địch sử dụng khoảng 1 tiểu đoàn lính bảo an, biệt kích có phi pháo yểm trợ càn quét, đánh phá vùng căn cứ của ta, từ vùng xã Ba lên Zngêi. Với quyết tâm đánh bại cuộc càn quét của địch, ngoài lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh và du kích các xã Ba, Tư, Đhrêi, còn có một số cán bộ quân sự mới từ miền Bắc về (gồm các đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Trần Tốc, Đặng Văn Chí, Huỳnh Hồng, Lê Bình, Lại Nam Dương, Nguyễn Thiệu, Lê Minh…) cùng tham gia chiến đấu. Các địa phương, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, dựa vào địa thế, địa hình rừng núi, bản làng, bố trí trận địa chông, mìn, cạm bẫy và lực lượng; phục kích kết hợp vận động tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.
    Không đạt được mục tiêu đề ra là tiêu diệt lực lượng ta, ngày 25 tháng 10 năm 1961, Mỹ - Ngụy điều động thêm 1 đại đội biệt kích từ Đà Nẵng lên tăng viện, đánh chiếm Phú Mưa. Một mũi bí mật thọc sâu vào phía sau trận địa của ta và nổ súng gây thương vong 2 đồng chí trong bộ phận trinh sát, lập tức đồng chí Lại Nam Dương dùng trung liên bắn quyết liệt vào đội hình địch, diệt 15 tên, buộc chúng phải tháo chạy. Để bảo toàn lực lượng, bộ đội, du kích và đồng bào bí mật rút vào rừng sâu, đồng thời bố trí lực lượng ở lại bám đánh địch. Ban ngày phục kích bắn bia, bắn tỉa, ban đêm tập kích, gài chông, mìn, cạm bẫy, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Sau một tháng, do không chịu nổi cách đánh du kích của ta, địch phải rút chạy.
Thực hiện Chỉ thị của Huyện uỷ, phát huy thắng lợi của chiến thắng Bhơlô Sơn, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, từ năm 1962, du kích và nhân dân Zngêi phối hợp với du kích các xã vùng trung và vùng thấp Bến Hiên tích cực bao vây, bức rút các đồn Éo (xã Ba), Pahoó (xã Sông Kôn). Cách đánh của ta vẫn là bao vây, cô lập địch, đánh cả bằng súng, bằng giáo dụ, tên ná và chông, thò. Đêm đêm, các đội du kích áp sát vào các đồn bốt của địch tiến hành quấy rối. Trước thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, địch hoang mang, dao động mạnh. Cho đến cuối năm 1962, địch ở các đồn Éo và Pahoó phải lần lượt rút chạy về đồng bằng. 
Nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh, tháng 2 năm 1962, Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Hội nghị và ra Nghị quyết, nêu rõ: Cần đặt mạnh hơn nữa vấn đề xây dựng căn cứ địa miền núi để ra sức xây dựng, củng cố thật vững chắc, đồng thời nỗ lực giữ vững, nâng cao phong trào nông thôn, đồng bằng, tích cực đưa phong trào thành phố tiến lên một bước nữa . 
Trong những tháng đầu năm 1962, địch dùng chiến thuật “trực thăng bay”, “phượng hoàng bay”, càn quét, gom dân vào ấp chiến lược, bị bộ đội huyện Thống Nhất bám đánh liên tục, buộc chúng phải tháo chạy. Ngày 24 tháng 6 năm 1962, địch cho máy bay khu trục ném bom làng Cha Đó (Làng Mực), đồng chí Pơ Loong Nhập (Nhựt) dùng súng trưởng 3.693 bắn rơi máy bay địch. Pơ Loong Nhập mở đầu cho việc dùng súng trường bắn máy bay ở tỉnh Quảng Nam .
Nhân sự kiện này, Đảng bộ huyện Thống Nhất và Chi bộ xã Đhrêi tuyên dương thành tích của Pơ Loong Nhập, khơi dậy tinh thần yêu nước cho đồng bào Cơtu. Nhờ đó, phong trào phát triển mạnh hơn.
Tháng 11 năm 1962, theo chỉ đạo của Khu ủy 5, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành hai tỉnh: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Quảng Đà. Tháng 01 năm 1963, tại làng Đào (nay là thôn Bhơhôồng 1, xã Sông Kôn), Đảng bộ tỉnh Quảng Đà tổ chức Đại hội lần thứ I . Đây là vinh dự, nhưng cũng đồng thời đặt lên vai Đảng bộ và nhân dân Đhrêi nhiệm vụ đảm bảo bí mật, phòng chống biệt kích, bảo vệ an toàn cho đại biểu và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy.
Số cán bộ lên miền núi càng đông, để giải quyết lương thực, Huyện ủy Thống Nhất và nhân dân Bến Hiên, xã Zngêi hưởng ứng phong trào “Làm rẫy cách mạng, nuôi heo, nuôi gà cách mạng”. Tỉnh ủy đưa giống lúa Ba Trăng về sản xuất. Nhiều rẩy sản xuất mang tên “Rẫy cách mạng”, “Rẫy đoàn kết”, “Rẫy độc lập, “ Rẫy nhớ Bác Hồ”, “Rẫy mong thống nhất”,...
Cũng trong tháng 11 năm 1962, cùng với cánh Nam, nhất là giải phóng vùng Sơn - Cẩm - Hà, quân ta đánh mạnh ở cánh Bắc, buộc địch rút các đồn Ragul, Bhuôr, Pa Giêu, Ca Măng, đồn Hiên,...chạy về đồng bằng. Huyện Bến Hiên sạch bóng quân thù .
Tháng 3 năm 1963, Tỉnh uỷ Quảng Đà quyết định giải thể huyện Thống Nhất để thành lập ba huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Ngày 10 tháng 3 năm 1963, Huyện Đông Giang thành lập trên phần phía Đông sông A Vương của huyện Bến Hiên và khu B1 (miền Tây Hòa Vang), gồm 11 xã: Đhrêi, Hiên Đươm, Ka Dăng, Ta Lu, Ma Cooih, Za Hung, Một, Hai, Ba, Tư và Năm.
Cùng với quyết định thành lập các huyện mới, Tỉnh uỷ Quảng Đà đã chỉ định Huyện ủy Đông Giang gồm 9 đồng chí, do đồng chí Hồ Ngọc làm Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Văn Hồng (Cónh Haroo) - Phó Bí thư Huyện ủy; đồng chí Y Kông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy 
Giữa lúc các phong trào của miền núi Quảng Đà đang diễn ra sôi nổi, tháng 8 năm 1963, địch mở cuộc càn Lam Sơn 7 và Lam Sơn 8 kéo dài hai tháng, đánh vào các địa phương miền núi của Quảng Đà, Quảng Nam.
Trong khí thế thành công của Đại hội đoàn kết các dân tộc và được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 30 tháng 1 năm 1964, Đảng bộ huyện Đông Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III. Đại hội đã đánh giá tình hình huyện Đông Giang kể từ sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, đề ra phương hướng nhiệm vụ, trong đó tập trung lãnh đạo xây dựng hậu cứ, đánh bại mọi cuộc hành quân càn quét của địch, vận động đồng bào tăng gia sản xuất, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 11 đồng chí (9 chính thức và 2 dự khuyết); Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, do đồng chí Hồ Ngọc làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Văn Hồng - Phó Bí thư và đồng chí Y Kông - Ủy viên Ban Thường vụ. .
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ lãnh đạo quân và dân Đhrêi chiến đấu chống lại cuộc càn quét của địch vào thôn Bhơhôồng và hành lang Nam – Bắc với âm mưu giải thoát bọn tề ngụy đang bị tập trung cải tạo tại đây. Mặc dù chỉ với những vũ khí thô sơ, như: chông, thò, súng trường, nhưng với tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ căn cứ, bảo vệ cách mạng, du kích xã, do đồng chí Conh Blai chỉ huy đã anh dũng chiến đấu với 31 máy bay trực thăng của địch. Sau 3 ngày không đổ quân được, buộc chúng phải rút. Sau 62 ngày, trước sức chống trả kiên cường của đồng bào các dân tộc miền núi, địch buộc phải rút về đồng bằng.
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày một phát triển, tháng 7 năm 1962 Khu ủy 5 có Nghị quyết về xây dựng phong trào làm ăn tập thể. Thực hiện chủ trương trên, ngay trong vụ sản xuất Đông Xuân 1962 -1963, Chi bộ Đhrêi đã lãnh đạo đẩy mạnh cuộc vận động làm ăn tập thể kết hợp với cải cách dân chủ. Vấn đề sản xuất được đặt ngang với nhiệm vụ đánh giặc. Khẩu hiệu được nêu ra là "Sản xuất như đánh giặc", "Trồng sắn - ăn sắn thắng Mỹ". Nhờ phong trào hợp tác tương trợ lao động, sản xuất phát triển, nhân dân không những đủ lương thực thực phẩm để ăn mà còn có đóng góp nuôi quân. Nhiều rẫy được làm ven đường để có nguồn lương thực dự trữ cung cấp cho cách mạng. 
Tháng 11 năm 1963, Đại hội sản xuất miền Tây Quảng Đà được tổ chức nhằm đánh giá tình hình sản xuất năm 1963, đề ra nhiệm vụ năm 1964. Đại hội chủ trương chuyển dần phong trào hợp tác tương trợ lao động thành hình thức ghi công, chia sản phẩm sang bình công, chấm điểm, chia hoa lợi theo lao động. Xây dựng hợp tác tương trợ lao động. Đây là những hình thức ban đầu cho phát triển hình thức sản xuất tập thể theo hợp tác,, có ý nghĩa quan trọng trọng sản xuất, tích lũy lương thực phục vụ kháng chiến. 
Lúc này, trên địa bàn xã, Chi bộ xã  lãnh đạo phát triển các hình thức sản xuất mới, thu nhiều kết quả. Tinh thần tương trợ, đoàn kết trong nhân dân tăng lên, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đến ngày 15 tháng 3 năm 1964, xã cử cán bộ tham gia lớp đào tạo cán bộ quản lý xã và tổ hợp tác tương trợ lao động do Ban Cán sự miền Tây Quảng Đà tổ chức. 
Trong các năm 1960 đến 1964, địch liên tiếp mở các trận càn, trong đó đó có những trận càn lớn cấp trung đoàn đánh vào địa bàn xã, là vùng hậu cứ, nơi đứng chân của các cơ quan, kho hàng và hành lang vận chuyển chiến lược của ta. 
3. Lãnh đạo đẩy mạnh phong trào học văn hoá, xây dựng đời sống mới, chuẩn bị các điều kiện va nguồn cán bộ cho công việc lâu dài của cách mạng 
Ngay sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam tập trung lực lượng ra sức xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng vững chắc về mọi mặt. Nhưng muốn xây dựng căn cứ địa miền núi phải có cán bộ người địa phương có trình độ nhằm thuận lợi trong việc tiếp thu các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như vận dụng vào thực tế cách mạng. Từ thực tế đó và nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam đặt vấn đề xây dựng chữ viết dân tộc.
Sau khi Mỹ - Diệm phản bội, không thi hành Hiệp định Giơnevơ và không chịu thực hiện cuộc Tổng tuyển cử nhằm thống nhất đất nước, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận định cuộc đấu tranh chống kẻ thù sẽ phải chuyển sang tình thế mới nên đã lựa chọn vùng núi phía Tây để lập căn cứ địa, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ. Thời gian này, Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Bến Giằng giao cho đồng chí Lê Hồng Mao (Cónh Ta Lăng), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Quách Xân (Cónh Axớơp), nghiên cứu xây dựng bộ vần Cơtu và mở lớp dạy thử tại khe A Vua với 12 học sinh theo học lớp đầu tiên. Sau khi hoàn chỉnh bộ vần, Ban Cán sự và Huyện ủy Bến Giằng tổ chức một lớp học tại khe Zhương (huyện Bến Giằng). Sau 4 tháng học tập, 82 trong tổng số 84 học sinh đã biết đọc, biết viết chữ Cơtu. Phong trào học chữ Cơtu từ đó dấy lên ở nhiều nơi. 
Các lớp học vần Cơtu ở Đông Giang thành công đã làm tăng thêm lòng tin tưởng và niềm tự hào chính đáng đối với đồng bào Cơtu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ người Cơtu. Cùng với thành công của việc nghiên cứu và giảng dạy bộ chữ Cơtu, sự ra đời của tờ báo Gungdur (Vùng lên) bằng chữ viết Cơtu đã đem đến cho đồng bào Cơtu những thông tin thiết thực bằng chính chữ viết của dân tộc mình, qua đó đẩy mạnh phong trào sản xuất, bảo vệ căn cứ, đóng góp sức người sức của cho cách mạng và đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Sau gần 10 năm thử nghiệm, đến năm 1965, tại trường học Apăng, thuộc xã, hệ thống chữ Cơtu đã cơ bản hoàn chỉnh và được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Trên địa bàn Bến Hiên, Huyện ủy chủ trương mở hai trường dạy chữ Cơtu tại làng Gố (xã Za Hung) và Tơghêi của xã. Tháng 6 năm 1967, Ban Cán sự miền Tây cử đồng chí Lê Hồng Mao và Lê Xuân Yêm (Cónh Yêm) cùng 4 học sinh giỏi mới tốt nghiệp trường Zhương tổ chức khai giảng khóa học đầu tiên. Trường Tơghêi bao gồm 68 học sinh (có 6 học sinh của tỉnh Thừa Thiên gửi học), do đồng chí Lê Xuân Yêm phụ trách. Chi bộ Đhrêi đã vận động một số thanh niên tham gia lớp học tại Tơghêi. Khóa học kéo dài 4 tháng. Mãn khóa, Chi bộ phối hợp cùng nhà trường tổ chức trọng thể lễ bế giảng, có mời đông đảo nhân dân tham dự. Đồng chí Phạm Tứ (tức Mười Khôi), Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Hữu Phán, Bí thư Huyện ủy cùng đến dự.
Những lớp thanh niên của xã tham dự lớp học, được coi là những hạt nhân đầu tiên, như đồng chí Mahă, đồng chí Rương, đồng chí Nhăn, đồng chí Alăng Tin..., sau khi tốt nghiệp trường Tơghêi đã về tổ chức các lớp học, mỗi lớp khoảng 15 học sinh. 
Năm 1964, Chi bộ xã phát động phong trào “bình dân học vụ” học chữ phổ thông trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lớp dạy chữ phổ thông được tổ chức tại thôn Bút, do thầy Ngô Tấn Vũ phụ trách, với khoảng 40 học sinh là con em đồng bào Cơtu trong xã theo học. Từ các lớp học này đã đào tạo tại chỗ được nhiều cán bộ địa phương, sau này đảm nhận các nhiệm vụ của xã, của thôn.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt, để đào tạo nguồn cán bộ phục vụ công cuộc xây dựng quê hương về lâu dài và để tránh tổn thất, Huyện ủy Đông Giang chủ trương đưa các em thiếu niên, nhi đồng ra miền Bắc học tập. Tháng 8 tháng 1968, huyện Đông Giang tiếp tục đưa một đoàn 68 em ra Bắc, trong đó có khoảng 20 em của xã . Sau 3 tháng lội bộ trên đường Hồ Chí Minh, Đoàn ra đến miền Bắc. Được sự quan tâm của hậu phương lớn, với ý thức học tập để sau này về phục vụ quê hương, các em đã tích cực học tập, rèn luyện và nhiều em sau ngày giải phóng đã trở thành những cán bộ chủ chốt, có nhiều đóng góp cho địa phương .
Phong trào văn nghệ chống Mỹ, cứu nước với khẩu hiệu "Tiếng hát át tiếng bom" được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Đội văn nghệ của xã gồm 20 người, do đồng chí Alăng Bơ phụ trách chung, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân, phục vụ các đợt sản xuất, công tác, góp phần động viên, cổ vũ phong trào cách mạng trên địa bàn xã.
Phong trào xây dựng con người mới, nếp sống mới gắn với xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu có hại cho sản xuất, cho chiến đấu được phát động và được đồng bào hưởng ứng, như cắt tóc ngắn, không ngủ duông..... Ngoài ra, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ lãnh đạo nhân dân, mỗi người trồng 1500 gốc sắn, vót 150 cây chông thò, góp lúa gạo và muối mỗi năm để ổn định đời sống và tham gia đóng góp cho cách mạng.
Nhờ đó, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn xã ngày càng được củng cố vững chắc, sản xuất, chăn nuôi phát triển, tạo ra sức mạnh để nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
III. PHÁT HUY THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN, GÓP PHẦN LÀM THẤT BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (3/1965 - 12/1968)
Bước sang năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam leo thang lên một bước mới. Trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặt biệt”, Mỹ trực tiếp đưa quân Mỹ vào tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” với mục tiêu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng, điểm mở đầu là Quảng Đà và Quảng Nam. Để đạt được mục tiêu này, quân viễn chinh Mỹ được sử dụng làm lực lượng nòng cốt, lực lượng cơ động chủ yếu để “tìm diệt” chủ lực của ta, bên cạnh lực lượng quân ngụy vẫn giữ vai trò chiến lược, làm công cụ chủ yếu để “bình định” và kìm kẹp nhân dân.
Biện pháp chủ yếu của chiến lược mới của Mỹ ở miền Nam là “tìm và diệt”, sau đó “tìm diệt và bình định”, được xem như chiến lược hai gọng kìm; mở các cuộc tấn công “tìm diệt” lớn nhằm vào chủ lực ta ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Đây được coi là cố gắng quân sự lớn nhất, bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. 
Từ đây, đánh Mỹ và thắng Mỹ trở thành khẩu hiệu hành động của Đảng bộ và nhân dân của xã.  
Trước tình hình Mỹ đem quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam và dùng không quân, hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc, tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 11 (khóa III). Hội nghị xác định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ cả nước có chiến tranh, miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn; nhưng hậu phương ấy cũng đang có chiến tranh hạn chế và đang trực tiếp chiến đấu. Ban Chấp hành Trung ương quyết định chuyển hướng nền kinh tế và mọi mặt của đời sống miền Bắc sang thời chiến.
Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người nhấn mạnh: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” .
Triển khai chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, với điểm mở đầu là hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam. Lúc này, đánh Mỹ và thắng Mỹ đã trở thành khẩu hiệu hành động của quân và dân miền Nam nói chung và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà nói riêng. Để động viên các tầng lớp nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Đà phát động cao trào kháng chiến chống Mỹ và nêu quyết tâm: "Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh" .
Trong tình hình đó, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy, tháng 11 năm 1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ IV, họp tại N.2. Sau khi đánh giá tình hình, Đại hội nêu ra phương hướng cho cả Đảng bộ là đẩy mạnh phong trào hợp tác tương trợ trong sản xuất nhằm cải thiện đời sống nhân dân và huy động nhân tài, vật lực phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ đối đầu trực tiếp với quân xâm lược Mỹ.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm các đồng chí: Nguyễn Nhĩ - Bí thư; Y Kông - Phó Bí thư; Nguyễn Văn Y, Alăng Thị Bhứ, Alăng Mơhăh, Arâl Chơrơ, Lê Xuân, Trương Phương, Nguyễn Văn Líp, Ông Ích Liễn, Mạc Văn Tơ, Lê Văn Nhoóp, Nguyễn Văn Hơn, Lê Khanh (Troong), Alăng Nho - Huyện ủy viên . 
Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ Đông Giang là Đại hội phát động phong trào toàn dân quyết tâm đánh Mỹ, đánh bại “Chiến tranh cục bộ: của đề quốc Mỹ. Ngay sau Đại hội, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, Chi bộ xã lãnh đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 1965 - 1966 với khẩu hiệu: “Địch đánh một, ta làm hai, ba; còn người, còn sức thì quyết đưa vụ Đông Xuân thành vụ chính” và phát triển phong trào “Toàn dân vi bình” lên một bước mới. 
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, giữa năm 1966, Chi bộ xã tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập tình hình, nhiệm vụ mới trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra phạm vi cả nước; trong đó địa bàn huyện Đông Giang cũng như xã Đhrêi là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nhằm phá hủy các kho tàng của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam thông qua đường hành lang Nam - Bắc. Việc học tập nhằm quán triệt tư tưởng không sợ địch; đồng thời phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của Mỹ. Sau học tập, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữ vững tư tưởng tấn công, dám đánh và quyết đánh kẻ thù.
Các phong trào “Tiếng hát át tiêng bom”, xỏa bỏ hủ tục “đầu tôi”,...luôn được Chi bộ xã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, đạt nhiều kết quả. Công tác triển khai cuộc vận động “Chi bộ 4 tôt”, “Đảng viên 4 tốt”, phong trào thanh niên “Năm xung phong”,... được triển khai sâu rộng trong toàn đảng viên của Chi bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng, phong trào tiếp tục phát triển.
Nhằm thực hiện “ngăn chặn” và “tìm diệt” các cơ quan, kho tàng của ta, đồng thời ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam thông qua các trục giao thông, từ năm 1965 đến năm 1968, địch thường xuyên cho máy bay, kể cả máy bay B52, ném xuống mảnh đất Đhrêi hàng ngàn tấn bom đạn và chất độc hóa học. Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng lực lượng biệt kích hòng thăm dò, phát hiện các cơ quan, kho tàng của ta. Trước tình hình địch tăng cường đánh phá, Chi bộ xã đã lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân giữ vững niềm tin vào Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, tiếp tục tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. 
Tiếp nối những chiến công giành được, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, với sức mạnh của núi rừng và lòng dân. Trong không khí thực hiện cao trào kháng chiến chống Mỹ, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, Chi bộ xã tổ chức học Thư Đảng (Thư của Trung ương Cục miền Nam gửi cho nông dân) đến toàn thể nhân dân trong xã, qua đó đã khơi dậy truyền thống cách mạng của nhân dân, phân rõ ta, bạn, thù. Từ đó, tinh thần “Không sợ Mỹ vào đông, chỉ sợ không có Mỹ mà đánh” phát triển mạnh mẽ, dấy lên phong trào sâu rộng trong Đảng bộ và nhân dân của xã.
Cùng với việc mở rộng chiến tranh trên chiến trường miền Nam trong mùa khô 1966 - 1967, quân Mỹ tăng cường các đợt đánh phá và tung biệt kích trên địa bàn miền núi Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện có tuyến hành lang chiến lược - đường Hồ Chí Minh đi qua. Trong mùa khô 1967, địch mở chiến dịch Lam Sơn, đánh phá trên toàn chiến trường Quảng Đà. Chúng huy động một lực lượng lớn máy bay đánh phá, rải chất độc hóa học xuống vùng căn cứ và hành lang vận chuyển của ta tại các huyện Đông Giang, Tây Giang; đồng thời tung biệt kích, gián điệp nhằm phát hiện và phá hoại các cơ quan, kho tàng của ta. Chỉ riêng năm 1967, địch tung 59 lần biệt kích vào địa bàn huyện Đông Giang, trong đó 6 lần vào xã Đhrêi. Các loại máy bay, kể cả máy bay chiến lược B52 thường xuyên quần đảo ném bom, bắn phá dọc tuyến hành lang và nương rẫy của đồng bào Đhrêi và các xã dọc tuyến, như: Tà Lu, Mà Cooih .... 
Khoảng 16 giờ ngày 26 tháng 7 năm 1967, địch cho máy bay thả khói mù đồng thời thả biệt kích xuống thôn Bhơlô Sơn với âm mưu thăm dò đường hành lang của đoàn Bình Sơn. Ngay sau khi phát hiện địch thả biệt kích, xã đã báo cáo Huyện đội Đông Giang, đồng thời chỉ đạo đội du kích gồm các đồng chí Rương, Pâấc, Tan và đồng chí Alăng Bia tiến hành trinh sát nhằm phát hiện dấu vết địch theo hướng Bắc thôn Sơn. Trong khi truy tìm dấu vết biệt kịch, đồng chí Alăng Bia hy sinh.
Mờ sáng hôm sau, vào khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ ngày 27 tháng 7 năm 1967 , địch dùng hai lượt máy bay B52 ném bom xuống thôn Bhơlô Sơn làm sập hầm trú ẩn, giết hại một lúc 42 người, trong đó 18 trẻ em . Đồng chí ALăng Ấu – Chủ tịch xã, ALăng Chinh – cán bộ phụ nữ xã và đồng chí Alăng Duôch – Thôn đội trưởng hy sinh. Du kích Đhrêi phối hợp với du kích các xã và bộ đội đoàn Bình Sơn truy kích và tiêu diệt 2 tên; số còn lại địch cho trực thăng bí mật bốc về. 
Nhằm đánh bại các âm mưu, thủ đoạn mới của địch, góp phần bảo vệ vững chắc vùng căn cứ của ta, Huyện ủy Đông Giang chủ trương củng cố lực lượng vũ trang huyện và các xã. Đhrêi được coi là một trong những trọng điểm đánh phá của địch do nằm gần đường hành lang, nơi bố trí các kho tàng của Quân khu, của tỉnh do đó huyện chủ trương thành lập lực lượng du kích tập trung, gồm khoảng 15 đồng chí với nòng cốt là các đảng viên, đoàn viên do đồng chí Alăng Đhít (Xã đội trưởng) chỉ huy; từ cuối năm 1968, đồng chí Alăng Bồ thay đồng chí Alăng Đhít làm Xã đội trưởng và chỉ huy đội du kích tập trung, đồng chí Alăng Plế làm Chính trị viên. Bên cạnh lực lượng du kích tập trung của xã, mỗi thôn đều tổ chức một tổ du kích, sẵn sàng phối hợp đánh địch.
Tháng 9 năm 1967, địch cho trực thăng đổ hàng trăm tên xuống vùng Nà Bền, Nà Hiên, Nà Đào và Nà Ổi. Phối hợp với các lực lượng của huyện, của Đoàn Bình Sơn và du kích các xã bạn, quân và dân của xã đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng tiêu diệt 58 tên (bao gồm cả lính Mỹ), bắt sống 5 tên, bắn rơi 2 máy bay, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, năm 1967, Chi bộ xã tổ chức Đại hội và bầu cấp ủy khóa mới, gồm các đồng chí Arâl Thơới (Cónh Sinh), Bí thư Chi bộ; đồng chí Alăng Dưng, Phó Bí thư Chi bộ; đồng chí Alăng Pri (Tri), Chi ủy viên kiêm Chủ tịch UBND xã và đồng chí Alăng Gắt, Chi ủy viên kiêm Xã đội trưởng. Thành lập Hội đồng nhân dân xã. Cuối năm 1968, đồng chí Arâl Chơrơ được cử làm Bí thư Chi bộ thay đồng chí Arâl Thơới; đồng chí Alăng Bồ được cử làm Xã đội trưởng; đồng chí Alăng Plế được cử làm Trưởng Ban an ninh kiêm Chính trị viên Xã đội.
Trên chiến trường miền Nam, liên tiếp 2 mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, quân và dân ta giáng cho Mỹ - Ngụy những đòn nặng nề. Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp và quyết định: “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình chung cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Từ kết luận trên, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trên khắp miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968.
 Tại Quảng Nam và Quảng Đà, quân và dân ta tấn công vào Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ và nhiều quận lỵ khác, gây thiệt hại nặng nề cho địch.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, từ tháng 11 năm 1967 đến tháng 2 năm 1968, nhân dân Đhrêi đã tham gia đợt cao điểm phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968. Đồng bào Cơtu từ các thôn, xóm đều hăng hái tham gia mở đường chiến lược từ A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến A Rớt và các đường chiến dịch nối với đồng bằng, chủ yếu bằng sức người để đảm bảo bí mật. Hầu hết nhân lực, từ già đến trẻ đều tham gia vận chuyển. Thời kỳ cao điểm, trung bình mỗi gia đình có từ 1 - 2 người tham gia; có người tham gia 2 - 3 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 15 - 20 ngày, thậm chí có người tham gia dân công vận chuyển đến hơn 3 tháng liền không nghỉ. Nhiều người 10 năm liền tham gia công tác dân công, vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua hoặc kiện tướng gùi hàng. Có những đồng chí, như đồng chí Zơrâm Thanh Cao, thường xuyên cõng từ rất nhiều hàng, có những lần cõng từ khoảng 80 - 100 kg hàng.
Trong đợt cao điểm động viên nhân lực cho chiến dịch, nhân dân Đhrêi đã tham gia hàng ngàn ngày công vận chuyển, đóng góp hàng trăm ang lúa, bắp cùng trâu, bò, heo cho cách mạng. Những đóng góp, hy sinh của xã Đhrêi góp phần cùng quân và dân miền Nam đồng loạt tổ chức tổng tấn công và nổi dậy, làm phá sản “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy.
Do tập trung hầu hết nhân lực cho công tác vận chuyển phục vụ chiến dịch nên việc sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn xã có phần bị đình trệ, nạn đói có nguy cơ xảy ra. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang về khẩn trương đẩy mạnh sản xuất toàn diện, kịp thời, tiếp tục cứu đói trước mắt và chống đói lâu dài để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất đông xuân 1967 – 1968, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân tích cực sản xuất để vừa đáp ứng nhu cầu lương thực cho bản thân, vừa đóng góp cho cách mạng. Trên mặt trận này, đã nổi lên nhiều điển hình như Conh Brây, Conh Anhơơr, Conh Yên.... Nhiều mẹ, nhiều chị đạt danh hiệu nuôi quân, nuôi cán bộ giỏi, trong đó tiêu biểu như các mẹ Căn Hí ở thôn Pacôi, mẹ Căn Ơi ở thôn Bút, mẹ Căn Yên ở thôn Zahá, .... Đặc biệt, có những gia đình như Conh Yên ở thôn Zahá, Conh Xìa ở thôn La Đàng đã đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Các thôn như Bút Nga, Bút Đhưa, Mờ hoó, La Đàng, Kèn, Brùa, Cloò, Bhơhôồng... đã đóng góp nhiều tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội hoặc nuôi cán bộ, với tinh thần “Đảng cần bao nhiêu, nhân dân đóng góp bấy nhiêu” . Đồng bào Cơtu đã nhường cơm, xẻ áo, gom góp từng hạt muối cho cách mạng. Đó cũng là suy nghĩ và hành động của nhân dân trong xã những tháng năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Không những đóng góp vật chất để nuôi quân, nuôi cán bộ, đồng bào còn động viên con em trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thanh niên của xã đến tuổi đều hăng hái vào bộ đội, hoặc thoát ly tham gia du kích, thanh niên xung phong. Hàng trăm thanh niên đã tham gia đội hình chiến đấu của các đơn vị vận tải chiến lược đứng chân trên địa bàn huyện Đông Giang, như: Bình Sơn, Đông Sơn, Lam Sơn ...
Phối hợp với các mặt trận, ngày 30 tháng 8 năm 1968 tại thôn Đrèn, lực lượng du kích xã do đồng chí Alăng Gắt, Xã đội trưởng chỉ huy đã chặn đánh một mũi tấn công của địch, diệt 17 tên và làm bị thương 15 tên, thu nhiều vũ khí.
Từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9 năm 1968, Ban Cán sự miền Tây tổ chức quán triệt Nghị quyết của Đặc Khu ủy Quảng Đà về xây dựng miền núi thành căn cứ cách mạng. Từ tình hình đó, Khu ủy V quyết định thành lập và xây dựng Khu A (huyện miền Tây Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi và huyện Đắk Glei- Kon Tum) thành căn cứ địa vững chắc về mọi mặt. Trong đó, phụ nữ xã Đhrêi tiêu biểu cho phong trào “Bốn đảm đang”, “Bốn xây, bốn chống”. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục được củng cố, trở thành một trong những xã tiêu biểu của Đông Giang.
IV. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH GÓP PHẦN LÀM THẤT BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1/1969 - 12/1972)
Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, báo hiệu quá trình đi xuống về chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, đồng thời tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ về nước.
Thực chất của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” là âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, hay “thay màu da trên xác chết” bằng tiền bạc, vũ khí của Mỹ và do người Mỹ chỉ huy. Nội dung chủ yếu của chiến lược chiến tranh này là tăng cường xây dựng lực lượng quân đội ngụy cả về quân số và trang bị vũ khí để từng bước chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu cho đội quân đánh thuê, thay thế quân viễn chinh Mỹ và chư hầu sẽ rút dần về nước. Đây là mưu đồ hết sức thâm độc của Mỹ nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược nước ta với giá rẻ cả về sinh mạng và tiền của, đồng thời xoa dịu phong trào phản chiến đang sôi sục khắp nơi trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ. Thực hiện chiến lược chiến tranh mới này, chúng triển khai những kế hoạch “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt” và coi đây là quốc sách hàng đầu, là biện pháp then chốt quyết định thành bại của cuộc chiến tranh; mở hàng loạt những cuộc càn quét với quy mô lớn trên khắp miền Nam nhằm “bình định” và lấn chiếm đất đai, giành dân, tiêu diệt lực lượng cách mạng, đánh bật lực lượng chủ lực của ta ra khỏi nông thôn.
Mỹ - Ngụy rơi vào thế bị động, chuyển từ thủ đoạn “tìm và diệt” sang “quét và giữ”. Tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà được coi là những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch “bình định nông thôn” của Mỹ - Ngụy. Tại đây, địch tập trung tới 14 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 6 tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn American, 4 tiểu đoàn Nam Triều Tiên, 3 tiểu đoàn thiết giáp Mỹ, hàng trăm khẩu pháo và máy bay các loại. Với lực lượng hùng hậu, được trang bị các loại vũ khí tối tân, ngay từ đầu năm 1969, chúng liên tục càn quét, đánh phá dai dẳng khắp vùng nông thôn và miền núi Quảng Nam và Quảng Đà; chà đi sát lại từng khu vực rồi “bình định”, kẹp dân tại chỗ sau đó dồn dân vào các khu tập trung; tăng cường hệ thống phòng thủ nhiều tầng, từ xa với các lực lượng của Mỹ, ngụy và chư hầu xen kẽ. Đối với các vùng không kiểm soát được, chúng dùng B52, bom tọa độ, xe tăng, các loại pháo, xe ủi đất chà đi xát lại, phát quang, san bằng, tạo thành những vành đai trắng xung quanh các căn cứ, đồn bốt của chúng.
Trên các tuyến hành lang của ta, chúng huy động hàng trăm lượt máy bay B52 tăng cường đánh phá kết hợp với tung biệt kích lùng sục nhằm phát hiện các chân hàng và tuyến vận chuyển. Chúng còn dùng chất độc hóa học nhằm hủy diệt môi trường sống. Chỉ riêng 9 xã thuộc huyện Đông Giang, trong năm 1969, máy bay Mỹ đã rải trên 100 lượt chất độc, làm cho cây cối, hoa màu chết khô. Kết hợp với đánh phá, địch tiến hành phong tỏa các cửa khẩu thu mua, tiếp tế lương thực, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ mọi cửa ngõ ra vào vùng ta – địch, khiến nhiều nơi đồng bào không sản xuất được, đời sống khó khăn, có nơi thiếu đói nghiêm trọng. 
Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch, trong hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 1969 tại thôn Phú Mưa (xã Zngêi), Đảng bộ huyện Đông Giang tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V. Đại hội tập trung kiểm điểm các mặt công tác từ sau Hội nghị củng cố Huyện ủy tháng 7 năm 1967, nêu bật thành tích trong việc động viên sức người, sức của cho tiền tuyến, nhất là phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; đánh được địch, đẩy mạnh được sản xuất, hạn chế được diện đói, diện đau. Tuy nhiên, phong trào vẫn còn khuyết điểm là sản xuất không ổn định, công tác cứu đói, cứu đau không kịp thời; một số tập tục có hại cho sản xuất và đời sống phục hồi ở một số nơi; công tác giáo dục chính trị tư tưởng không thường xuyên; công tác xây dựng tổ chức không kịp thời; một số đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí. 
Trên cơ sở đánh giá tình hình, Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ với các nội dung: Đẩy mạnh phong trào sản xuất vượt mức chỉ tiêu, nỗ lực phấn đấu không để có người đói, động viên sức người sức của cho tiền tuyến; đẩy mạnh phong trào nhân dân du kích chiến tranh vững mạnh, kiên quyết bắn hạ máy bay để bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ hành lang, căn cứ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo cán bộ; chú trọng đẩy mạnh phong trào hợp tác lao động.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 11 đồng chí, trong đó có hai ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tứ  được bầu làm Bí thư, đồng chí Lê Đức Trọng bầu làm Phó Bí thư.
Để đảm đương những nhiệm vụ trong tình hình mới, trong năm 1969, Chi bộ xã đã tiến hành củng cố, bổ sung những đồng chí có đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ, gồm các đồng chí: Arâl Chơrơ - Bí thư Chi bộ; đồng chí Arâl Thơới - Chủ tịch xã; đồng chí Alăng Dưng - Phó Chủ tịch xã; đồng chí Alăng Bồ - Xã đội trưởng; đồng chí Alăng Plế - Trưởng Ban an ninh kiêm Chính trị viên Xã đội… Tháng 10 năm 1973, đồng chí Alăng Chương được cử làm Trưởng Ban an ninh xã.
Trước tình hình địch tăng cường đánh phá, kết hợp với rải chất độc khiến mùa màng bị thiệt hại nặng nề và không thể sản xuất được, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Giang, Chi bộ xã đã vận động và đưa một bộ phận nhân dân sơ tán lên các xã vùng cao, đồng thời đưa đồng bào đang sinh sống sát hành lang ra xa nhằm đảm bảo an toàn, ổn định đời sống và sản xuất, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây là vấn đề hết sức phức tạp bởi nó động chạm đến tình cảm và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, đến cuối năm 1969, hàng trăm người đã được sơ tán lên các xã Arooi, Atiêng... thuộc huyện Tây Giang. Tại đây, được sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân các xã, đồng bào đã dần ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất và tham gia phục vụ kháng chiến. 
Những người ở lại bám trụ, vượt qua sự tàn phá của bom đạn, của chất độc hóa học, với khẩu hiệu “Bộ đội không tiếc máu xương, đồng bào không tiếc lúa gạo”, “Tất cả cho tiền tuyến”, đã đóng góp không tiếc một thứ gì cho cách mạng, đồng thời hăng hái tham gia dân công, vận chuyển lương thực, vũ khí và đạn dược trên các tuyến hành lang chiến lược. 
Phối hợp với các xã trên địa bàn huyện, trong các năm từ 1969 đến 1972, lực lượng vũ trang và nhân dân Đhrêi liên tục chặn đánh, truy lùng các toán biệt kích xâm nhập với âm mưu chỉ điểm cho máy bay ném bom đánh phá các tuyến hành lang vận chuyển cũng như kho tàng của ta. Ngày 25 tháng 8 năm 1969 tại thôn Bền, quân và dân trong xã đã chặn đánh đợt tiến quân của địch từ hướng xã Ba lên bằng bộ binh và cơ giới, diệt 21 tên và làm bị thương 20 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.
Bước sang các năm 1970 - 1971, mức độ đánh phá của địch còn ác liệt hơn. Kết hợp với ném bom và rải chất độc, từ ngày 12 tháng 6 đến ngày 21 tháng 8 năm 1970, chúng tung quân càn quét vào xã Đhrêi và các xã vùng giáp ranh nhằm phá kho tàng, nơi ăn ở, ruộng rẫy của các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Bên cạnh đó, chúng còn tăng cường bắn pháo, rải truyền đơn nhằm đánh phá các hành lang của ta và gây hoang mang trong cán bộ, bộ đội và nhân dân. 
Để đẩy mạnh phong trào xây dựng căn cứ địa, từ ngày 20 đến 22 tháng 11 năm 1971, Đảng bộ Đông Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI tại Chagor, Za Hung. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí, trong đó có hai dự khuyết. Đồng chí Lê Đức Trọng được bầu làm Bí thư.
Sau Đại hội, Chi bộ xã Đhrêi lãnh đạo triển khai nghị quyết với nhiều biện pháp cụ thể, tập trung cho chống đói, lạt muối và xây dựng căn cứ địa của cách mạng. Nhìn chung, giai đoạn 1969 - 1972, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn ác liệt do địch đánh phá, xây dựng nhiều phong trào vững mạnh, bảo vệ căn cứ cách mạng, lập nhiều thành tích quan trọng, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng Đảng, ổn đinhh đời sống nhân dân, đóng góp hiệu quả cho chiến trường.
V. TÍCH CỰC CHI VIỆN CHO TIỀN TUYẾN, GÓP PHẦN VÀO CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1/1973 - 3/1975)
Bị thất bại trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 27 tháng 1 năm 1973, đề quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân ra khỏ miền Nam. Đây là thất bại lớn của Mỹ và là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta.
Tuy nhiên, Mỹ - Ngụy vẫn nuôi hy vọng chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" thắng lợi bằng sức mạnh của một triệu quân ngụy được nuôi dưỡng bằng vũ khí, trang bị và đôla Mỹ. Trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực, chúng gấp rút tăng cường viện trợ quân sự, bao gồm nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại cho quân ngụy. Dựa vào viện trợ và dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ráo riết thực hiện bắt lính, đồng thời tăng cường các cuộc càn quét hòng xóa thế da báo, lấn chiếm các vùng giải phóng của ta, phá hoại Hiệp định vừa mới được ký kết.
Trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, địch có 5 tiểu đoàn chủ lực, 1 tiểu đoàn biên phòng 79 và tiểu đoàn 21 biệt động quân; 10 tiểu đoàn và 16 đại đội bảo an; 4 đại đội cảnh sát; 1 chi  đoàn thiết giáp (24 xe); 4 tiểu đoàn pháo binh (72 khẩu); 3 không đoàn máy bay chiến thuật gồm 96 máy bay chiến đấu; 6 phi đoàn máy bay trực thăng 192 chiếc. Ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, địch huy động một số lượng lớn quân tiến hành lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở khắp các huyện, từ Đại Lộc, Điện Bàn đến Tiên Phước, Tam Kỳ. Ở nhiều nơi, chúng sử dụng trực thăng, tàu rọ đánh sâu vào các vùng giải phóng, vùng du kích nhằm bắt người của ta. Tình thế trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng thời điểm sau Hiệp định Pari diễn ra rất quyết liệt. Các lực lượng của ta kiên cường bám trụ, đánh địch lấn chiếm, giữ vững trận địa với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thậm chí còn có biểu hiện ảo tưởng hòa bình, buông lỏng tiến công trong một số cán bộ, chiến sĩ, đến tháng 6 năm 1973, địch đã thực hiện được âm mưu xóa bỏ tình trạng “da báo” trên chiến trường, đẩy lực lượng ta ra khỏi dân, đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng và hạn chế phong trào chiến tranh du kích trong vùng chúng kiểm soát . 
Trên địa bàn Đông Giang, lúc này, địch tung lực lượng thám bảo cải trang, biệt kích, trinh sát bằng máy bay địa bàn xã và các xã giáp ranh, như Ka Dăng, xã Ba, xã Tư,...Chúng xuyên tạc Hiệp định Paris, gây tâm lý chiến, dao động nhân dân. 
Trước những chuyển biến mới của phong trào cách mạng, tháng 7 năm 1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 21. Sau khi phê phán những biểu hiện “lừng khừng”, “hữu khuynh” trong việc đối phó với địch, Hội nghị khẳng định con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, xác định phương châm của cách mạng miền Nam là đánh địch phá hoại Hiệp định Pari, không những chỉ đánh trả mà còn phải phản công lại, tấn công cả vào sào huyệt và căn cứ của chúng . 
Trong các ngày từ 4 đến 9 tháng 10 năm 1973, Đảng bộ Đặc khu ủy Quảng Đà tiến hành Đại hội. Trên cơ sở đánh giá tình hình địch - ta, những khó khăn, thuận lợi và tổng kết chặng đường 18 năm đánh Mỹ, Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là ra sức đánh bại thủ đoạn lấn chiếm, bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực ta; đề ra công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng xây dựng các Đảng bộ, Chi bộ xã, thôn vững mạnh cả về chính trị và tư tưởng.
Tiếp đó, trong các ngày từ 21 đến 23 tháng 10 năm 1973 tại xã Đhrêi, Đảng bộ huyện Đông Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII. Đại hội đã tổng kết 18 năm chống Mỹ, cứu nước, khẳng định trong quá trình đó quân và dân trong huyện đã nêu cao tinh thần cách mạng, chiến đấu cực kỳ anh dũng, bảo vệ căn cứ, cùng với các huyện đồng bằng giữ gìn được bàn đạp và làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa đối với tiền tuyến. Sau khi chỉ ra những nguyên nhân thắng lợi và các bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ trong 18 năm đánh Mỹ, Đại hội đề ra phương hướng và quyết tâm mới:
- Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững phương châm, phương hướng xây dựng căn cứ, ra sức xây dựng Đảng vững mạnh cả về tư tưởng và tổ chức, củng cố phong trào hợp tác, khẩn trương xây dựng khu định canh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác.
- Giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên phát huy truyền thống trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành quyết tâm xây dựng căn cứ mạnh vượt bậc.
- Đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa đảm bảo tốt yêu cầu của cách mạng.
- Củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu phá hoại của địch trong mọi tình huống.
- Giữ vững nền nếp sinh hoạt, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình để bồi dưỡng lập trường giai cấp, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ đủ khả năng lãnh đạo phong trào .
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 11 ủy viên chính thức và hai ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí, do đồng chí Lê Đức Trọng làm Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Bình làm Phó Bí thư Huyện ủy; đồng chí Arâl Chơrơ, Bí thư Chi bộ xã được bầu làm Huyện ủy viên dự khuyết.
Sau Đại hội, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, xã Đhrêi được đổi tên thành Sông Kôn . Chi bộ Sông Kôn lúc này có khoảng 20 đảng viên, do đồng chí Arâl Chơrơ làm Bí thư. Nhằm lãnh đạo quân và dân Sông Kôn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, Chi bộ xác định nhiệm vụ trong tâm là: ra sức xây dựng Đảng vững mạnh cả về tư tưởng và tổ chức; động viên nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và những thắng lợi đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh trả mọi âm mưu phá hoại của địch.
Đối với địa bàn miền núi, nhất là các vùng giáp ranh như Sông Kôn, địch dùng nhiều hình thức như tung lực lượng thám báo cải trang, biệt kích, trinh sát bằng máy bay, hoặc dùng tàu gáo, tào rọ bắn phá một số chốt điểm của ta ở Éo, Xuồng (Dốc Rùa), dùng trực thăng rải truyền đơn tuyên truyền xuyên tạc nội dung Hiệp định Pari, gây tâm lý chiến tranh trong nhân dân.
 Ngày 01 tháng 5 năm 1974, địch dùng máy bay trực thăng đổ bộ một toán biệt kích xuống Ma Cooih. Ngày 20 tháng 5, chúng lại cho một toán biệt kích đổ quân xuống đồi Pazong, xã Sông Kôn. Du kích địa phương nhanh chóng bao vây bắn chết một tên và bắt gọn bốn tên còn lại, thu tất cả vũ khí, điện đài.
Bốn ngày sau, ngày 24 tháng 5, một toán biệt kích nhảy xuống đồi Nây. Quân và dân Sông Kôn bao vây bắt sống bốn tên. Tiếp đến, ngày 12 tháng 7 năm 1974, địch dùng hai trực thăng tung biệt kích xuống thôn Đhauy, xã Ba. Bộ đội địa phương và du kích xã Ba đã bắt sống 4 tên, diệt 1 tên, thu toàn bộ vũ khí và quân trang.
Với những thành tích trên, quân và dân Sông Kôn đã cùng với nhân dân các xã trên địa bàn huyện Đông Giang góp phần làm thất bại âm mưu sử dụng biệt kích của địch, giữ vững vùng căn cứ địa, tạo cơ sở cho quân ta mở những trận đánh lớn ở đồng bằng, vùng tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi.
Đầu năm 1974, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định mở đợt hoạt động quân sự lớn trên địa bàn nhằm tiêu diệt các cứ điểm địch còn đóng chốt nhằm đánh bại một bước kế hoạch “bình định, lấn chiếm” của địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế cho quần chúng nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chính trị gây rối loạn trong hậu phương địch, nhất là các đô thị. Xuân - Hè 1974, các lực lượng vũ trang của Quân khu đã tiêu diệt và bức rút hàng trăm cứ điểm của địch. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Hè, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Thu nhằm tấn công tiêu diệt một số cứ điểm chi khu quận lỵ, đánh vỡ từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh đồng bằng, hoàn chỉnh vùng căn cứ miền núi phía Bắc quân khu, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công và nổi dậy, phá vỡ một bộ phận hệ thống kèm kẹp của địch ở vùng nông thôn các huyện, thành phố đồng bằng. Khu vực tác chiến của chủ lực được xác định là vùng Nông Sơn, Thượng Đức của tỉnh Quảng Đà. Trong đó, căn cứ chi khu quận lỵ Thượng Đức (Đại Lộc) có vị trí quan trọng đặc biệt án ngữ phía tây thành phố Đà Nẵng, được địch tổ chức phòng thủ rất kiên cố với cơ quan chỉ huy, trung tâm thông tin và các kho tàng dự trữ nằm sâu dưới lòng đất. 
Là hậu phương trực tiếp, nơi tập trung binh lực, hậu cần của ta phục vụ cho cuộc tiến công vào Thượng Đức, Huyện ủy Đông Giang đã giao nhiệm vụ cho các xã huy động cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ chiến dịch, nhất là mở đường, vận chuyển vũ khí vào khu vực tập kết tại Khe Hoa (Đại Lộc), đồng thời làm lán trại, đưa đón đồng bào trong khu vực chi khu Thượng Đức lên sơ tán, đưa một bộ phận du kích tham gia chiến đấu.
Phối hợp với chiến trường trong hoạt động quân sự, trong các ngày 20 và 24 tháng 5 năm 1974, du kích Sông Kôn chặn đánh các toán biệt kích ngụy được trực thăng đổ xuống khu vực đồi Pazong và đồi Nây, tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên, thu tất cả vũ khí, điện đài, góp phần giữ vững vùng căn cứ địa, tạo hành lang an toàn cho công tác vận chuyển phục vụ các chiến dịch, nhất là chiến dịch Thượng Đức. 
Thực hiện chủ trương của cấp trên, cấp ủy và chính quyền Jơ Ngây đã vận động một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, đóng góp hàng trăm ngày công tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược từ các kho và từ đường Hồ Chí Minh về các điểm tập kết. Đồng thời, tham gia mở đường giao thông phục vụ chiến dịch từ dốc Bền đi Khe Hoa; trong đó đoạn đường đi Khe Hoa, Thượng Đức phải qua dốc Ngật, là một con dốc hiểm trở có độ dốc cao, đi cả ngày trời mới qua hết và rất khó mở. Chi bộ xã đã cử người thông thạo địa hình, cùng với các cán bộ của Ban Giao vận Quảng Đà băng rừng, lội suối, định hướng chọn địa hình, mở các lối thuận lợi cho xe kéo pháo có thể vượt qua. Đội mở đường phải chờ khi chiều xuống, sương mù tràn đến phủ đỉnh núi Ngật mới ra quân bạt cây, phá đá nhằm giữ bí mật con đường cho đến khi trận đánh mở màn vào ngày 29 tháng 7 năm 1974. 
Sau thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức (07 tháng 8 năm 1974), Chi bộ lãnh đạo nhân dân tiếp tục tham gia mở đường Prao - Bến Hiên, Prao - Dốc Kiền và Sông Kôn - Ngật xuống các xã thuộc huyện Đại Lộc nhằm chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 17 tháng 11 năm 1974, Ban Thường vụ Đặc khu uỷ Quảng Đà ra Quyết nghị số 15-QĐ/TV về việc hợp nhất hai huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Đông - Tây Giang. Căn cứ Quyết nghị trên, Hội nghị hợp nhất được tổ chức vào tháng 12 năm 1974 tại xã Ma Cooih, bên dòng sông A Vương. Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đông - Tây Giang gồm: 25 đồng chí, do đồng chí Lê Đức Trọng làm Bí thư; các đồng chí Bhríu Prăm, Dương Chứa làm Phó Bí thư; các đồng chí Nguyễn Đình Hoàng, Alăng Nho, Pơloong Poonh (Cónh Đu), Đặng Văn Trân làm Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Arâl Chơrơ - Bí thư Chi bộ xã được bầu làm Huyện ủy viên dự khuyết.
Những chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam cuối năm 1974, đầu năm 1975 làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam. Tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị quyết định chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Trong hội nghị tiếp theo, họp từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị chỉ rõ thêm: nếu thời cơ đến sớm thì giành thắng lợi trong năm 1975.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột. Cùng thời gian này, trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, quân ta tấn công và giải phóng chi khu Phước Lâm và quận lỵ Tiên Phước. Ngày 24 tháng 3 năm 1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng. Ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta tấn công và giải phóng thành phố Đà Nẵng. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Sài Gòn được giải phóng, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Góp phần vào trận đánh cuối cùng này, Đảng và nhân dân xã Sông Kôn đã đóng góp hàng trăm lượt người tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược từ các kho của hậu cần Quân khu tại làng Đào và các kho của tỉnh Quảng Đà đặt tại Đông Giang đến các chiến trường.
*
* *

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và xóa bỏ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. 
21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ Bến Hiên, Thống Nhất và Đông Giang, cán bộ và nhân dân xã Zngêi/Đhrêi/Sông Kôn đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh và mất mát to lớn để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của dân tộc, của Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, Quảng Nam ngày nay. Với truyền thống yêu nước, thượng võ của mình, Đảng bộ xã đã lãnh đạo đồng bào Cơtu lập nên những chiến công xuất sắc: đánh 462 trận lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu trên 400 tên địch, trong đó bắt sống 13 tên; bắn rơi 9 máy bay các loại của địch; làm hơn 2000 bẫy thò, hàng chục vạn cây chông; đào đắp 3400m giao thông hào, hơn 200 hầm trú ẩn; đóng góp hàng trăm con trâu, bò, heo và 250 tấn lương thực cho cách mạng . Đồng bào còn góp hàng vạn ngày công tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí trên tuyến hành lang chiến lược – đường Hồ Chí Minh. Đã có 170 thanh niên trong xã gia nhập quân đội, hàng trăm người tham gia du kích đánh giặc bảo vệ thôn làng. Hàng trăm con em Cơtu đã anh dũng ngã xuống, trong đó 31 người được công nhận là liệt sĩ, hàng trăm thương bệnh binh.
Trong những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Cơtu đã kiên định bám bản, giữ làng để xây dựng Khu căn cứ địa cách mạng của Khu ủy V, của tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huyện ủy; nuôi dấu cán bộ như chính người thân của mình. Những lon gạo của “’Rẫy mong thống nhất”, “Rẫy nhớ Bác Hồ”...và cả những tấm áo thổ cẩm truyền thống, đồng bào Cơtu đều dành cho cán bộ của Bác Hồ. Nhừng âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn, chất độc hóa học,...của đế quốc Mỹ và tay sai không làm đồng bào Cơtu sợ, nhụt chí. Đồng bào Cơtu của xã luôn đặt niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, Đảng, với Bác Hồ đã không ngừng được vun đắp, sáng ngời hơn.
Những năm tháng chiến tranh khốc liệt làm cho mối tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Cơtu không ngừng được vun đắp, trở thành sức mạnh vô song chiến thắng quân thù. Bước qua chiến tranh, sẽ có những đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi, nhưng đồng bào Cơtu của xã luôn phát huy truyền thống dân tộc mình, thực hiện lời Bác Hồ dặn: ra sức xây dựng quê hương sau ngày giải phóng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.


Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập