LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC KINH TẾ, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
(4/1975 - 9/1986)
I. LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, KHÔI PHỤC SẢN XUẤT, TỪNG BƯỚC ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (4/1975 - 6/1979)
Với chiến dịch mùa Xuân năm 1975 thắng lợi, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước và bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độ lập dân tộc; quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng giống như nhiều xã miền núi khác của huyện Đông Giang, bước vào thời kỳ xây dựng quê hương, xã Sông Kôn trong kháng chiến về cơ bản là vùng giải phóng, tổ chức Đảng và chính quyền cách mạng cấp xã, thôn được xây dựng và thử thách qua các cuộc chiến tranh, do đó sau ngày đất nước thống nhất, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều thuận lợi. Đồng bào Cơtu một lòng theo Đảng, Bác Hồ, lại cần cù, chịu thương, chịu khó.
Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, núi rừng bị bom đạn cày xới, chất độc hóa học tàn phá làng, bản; nhiều thôn bị trắng dân. Nhiều người bị thương tật, gia đình hy sinh, mất mát; nạn mù chữ, đói luôn đe dọa ổn định cuộc sống của đồng bào. Trình độ dân trí thấp, tập quán, hủ tục còn lạc hậu; sản xuất còn mang nặng hình thức tự cung, tự cấp, chủ yếu là làm nương rẫy. Đồng bào có tâm lý ỷ lại, trông chờ. Giao thông đi lại khó khăn, cách trở giữa các thôn, bản. Hầu hết nhà cửa, ruộng vườn của đồng bào bị phá hủy. Cuộc sống của đồng bào trước đây do Mỹ - Ngụy bắn phá, rải chất độc, đình trệ sản xuất, nên thường xuyên thiếu đói khoảng 3 – 4 tháng mỗi năm. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên mặc dù trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, có lập trường kiên định chưa quen trong quản lý xã hội.
Bước ra từ cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, với nhiều khó khăn, thách thức của thời kỳ hậu chiến, đã đặt Đảng bộ và nhân dân Jơ Ngây đứng trước những thử thách mới, nhiệm vụ mới.
Được sự giúp đỡ và chỉ đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà, Ban Cán sự Khu Lam Sơn, mà trực tiếp của Huyện ủy Hiên, sau năm 1975, đồng bào một số xã vùng cao như Atiêng, Ating, Anông…chuyển xuống Sông Kôn lúc bấy giờ, cùng đồng bào Kinh từ dưới xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên được tăng cường cho địa phương, nâng tổng số đảng viên của của Chi bộ xã lên 30 đồng chí. Huyện ủy quyết định thành lập Đảng bộ xã vào đầu năm 1976
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân thời gian này nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ bom mìn còn sót lại; khai hoang phục hóa, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và xây dựng lại quê hương. Ngoài ra, Đảng bộ và chính quyền phải lo giải quyết và ổn định cho hàng trăm người bị thiếu đói, đau cho các đối tượng chính sách, cán bộ, bộ đội phục viên.
Cùng với các xã, Đảng bộ lãnh đạo tổ chức mit - ting mừng thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ra mắt chính quyền nhân dân; liên tục phát động các phong trào cách mạng, động viên nhân dân phấn khởi, thi đua xây dựng cuộc sống mới.
Chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20 tháng 9 năm 1975 của Bộ Chính trị về bỏ khu, hợp nhất tỉnh; ngày 4 tháng 10 năm 1975, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời khu Trung Trung Bộ ra quyết định số 119/QĐ về hợp nhất Đặc Khu ủy Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 36 đồng chí, do đồng chí Hồ Nghinh- nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà làm Bí thư.
Tháng 11 năm 1975, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TV về việc thảo gỡ, quét sạch bom, mìn và các chất nổ khác nhằm phục vụ việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của quần chúng nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của việc ổn định sản xuất. Các chế độ chính sách thực hiện như thời chiến và triển khai sâu rộng đến tận xã trong toàn tỉnh. Lúc này, Đảng bộ xã triển khai mạnh mẽ, cử người đi tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, với quan điểm chỉ đạo: kiên trì, kiên quyết và triệt để trong thời gian nhất định. Việc triển khai có trọn điểm, tập trung những nơi giao thông, vườn cũ, đất sản xuất,…
Đồng thời với việc tháo gỡ bom, mìn, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã tăng cường lãnh đạo về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, coi trọng định cư, phát triên chăn nuôi, kinh tế vườn - rừng,…Đẩy mạnh khai hoang, phục hóa nhằm có đất để sản xuất, dựa vào sông suối để phát triển thủy lợi. Phát triển thương nghiệp, phục vụ các mặt hành thiết yếu cho nhân dân. Tiến hành xây dựng giao thông, nhất là giao thông liên thôn, liên xã bằng sự đóng góp của nhân dân. Chăm lo phát triển giáo dục, xây dựng phong trào “Ánh sáng văn hóa” sâu rộng trong đồng bào Cơtu. Tổ chức mạng lưới y tế phục vụ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Thành lập, củng cố Ban An ninh xã, Ban An ninh thôn.
Hoạt động của các đoàn thể của xã được kiện toàn, có nhiều phong trào sôi nổi. Thanh niên gương mẫu làm ruộng lúa nước. Phụ nữ phát động chị em cày bừa, ăn ở vệ sinh,…Công tác Đảng không ngừng phát triển, Đảng bộ xã cử cán bộ tham gia đào tạo quản lý theo chủ trương của Huyện ủy Hiên.
Tháng 8 năm 1975, khi nhân dân hai miền đang tập trung sức lực khắc phục hậu quả của chiến tranh, ổn định tình hình tiến tới thống nhất đất nước về mặt nhà nước, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 24 của Đảng đã họp để quyết định những nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là Hội nghị chuẩn bị về mặt tư tưởng, tổ chức cho việc thống nhất nước nhà. Ngoài thống nhất đất nước về mặt nhà nước, Hội nghị còn khẳng định quyết tâm đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện chủ trương trên, Hội nghị hiệp th¬ương chính trị của Đoàn đại biểu miền Bắc và Đoàn đại biểu miền Nam đã họp tại Sài Gòn từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975. Thông cáo của hội nghị khẳng định nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một; nước nhà cần đư¬ợc sớm thống nhất về mặt nhà n¬ước; cần tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc theo nguyên tắc dân chủ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bầu ra Quốc hội chung cho cả n¬ước.
Bước sang năm 1976, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo củng cố chính quyền cách mạng.
Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1976, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là lần đầu tiên sau giải phóng, nhân dân thực hiện quyền giới thiệu và bầu đại biểu vào cơ quan quyền lực của địa phương. Đối với xã Sông Kôn hoàn thành bầu cử vào ngày 22 tháng 2 năm 1976. Đồng chí Alăng Tri (Pri) được bầu làm Chủ tịch.
Qua đợt bầu cử này, bộ máy chính quyền cách mạng được hoàn thiện. Đây là dịp để cán bộ, đảng viên được hiểu rõ và ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Ngày 3 tháng 1 năm 1976, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước và giao trách nhiệm cho các cấp uỷ lãnh đạo cuộc bầu cử. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, cử tri cả nước đã phấn khởi đi bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 98,77% (miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,39%). 492 đại biểu đã đư¬ợc bầu vào Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo.
Cũng trong ngày 25 tháng 4 năm 1976, cùng với cử tri cả nước, cử tri xã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khóa VI). Huyện Hiên thuộc Khu vực II của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Kết quả, cử tri toàn huyện và của xã, cùng chung với Khu vực II bầu ra tám đại biểu Quốc hội . Vinh dự cho đồng bào Cơtu huyện Hiên nói chung, xã Sông Kôn nói riêng, đồng chí Bríu Prăm- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, học viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Quốc hội lần này.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả n¬ước biểu thị ý chí của toàn dân ta xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, là thắng lợi của lòng quyết tâm phấn đấu thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Ngày 8 tháng 6 năm 1976, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 40-CT/TV về phát động quần chúng nhân dân phát hiện và thu hồi triệt đê vũ khí, bom mìn và chất nổ, giao nộp cho chính quyền để giao cho tỉnh . Cũng trong thời gian cuối năm 1976, Tỉnh ủy liên tiếp ban hành nhiều Chỉ thị về bảo vệ rừng, thành lập Hội Nông dân lao động miền núi, sản xuất lương thực và rau màu chống đói, chia ruộng đất cho dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng trường cho năm học mới, phòng chống lụt bão, công tác kế hoạch hóa gia đình, đăng ký hộ khẩu, mở đợt giáo dục chính trị cho nhân dân,…
Tất cả các chủ trương này được Đảng bộ xã tổ chức quán triệt sâu rộng trong nhân dân, mang lại hiệu quả rõ rệt, như: bảo vệ rừng, xây trường học cho con em đến trường, chống đói, đăng ký hộ khẩu,…
Sau hơn một năm khắc phục hậu quả chiến tranh và ổn định đời sống nhân dân nhằm tạo đà cho bước phát triển của địa phương trong những năm tiếp theo, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy về tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện và cấp cơ sở, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên, tháng 7 năm 1976 tại thôn Sơn, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 1976 – 1979 . Tham dự Đại hội có 30 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Dự và chỉ đạo Đại hội có đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy và các Ban Xây dựng Đảng của Huyện ủy Hiên.
Như vậy, kể từ khi Chi bộ Hiển Đươm được thành lập, tháng 2 năm 1950, đến Đại hội Đảng bộ Sông Kôn lần này đã trải qua 26 năm. Trong 26 năm ấy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Bến Hiên, Thống Nhất và Đông Giang, Đảng bộ Sông Kôn đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh trực diện với kẻ thù, đồng thời tích cực tham gia công cuộc kháng chiến, ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Từ trong những gian khổ của cuộc chiến tranh, Chi bộ/Đảng bộ xã không ngừng lớn mạnh. Với 4 đảng viên lúc mới ra đời, đến năm 1976 cùng với một số cán bộ, đảng viên từ các xã vùng cao Atiêng, Ating, Anông… tăng cường, đưa tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 30 đồng chí.
Thời gian này, do chiến tranh và sự thay đổi cán bộ đảng viên liên tục phục vụ cho kháng chiến, nên Chi bộ chỉ tiến hành các lần Hội nghị để tăng cường công tác lãnh đạo.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I, nhiệm kỳ 1976 – 1979, gồm 5 đồng chí; đồng chí Arâl Chơrơ, Huyện ủy viên dự khuyết, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Bríu Rương, Phó Bí thư Đảng ủy; đồng chí Alăng Tri (Pri), Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã và hai đảng ủy viên: đồng chí Zơrâm Bh'lam và đồng chí Bríu Lương.
Để phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở cho phép của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân bỏ làm ăn tập thể, vốn đã hình thành trong kháng chiến, để quay lại làm ăn tự do, nhằm đẩy nhanh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau ngày giải phóng. Hình thức sản xuất này phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của đồng bào, nên có nhiều ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn xã.
Ngày 28 tháng 4 năm 1976, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị về tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện và cấp cơ sở. Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, ngày 02 tháng 11 năm 1976, tại Hội trường UBND huyện - thôn KàĐéh, xã Tà Lu, Đảng bộ huyện Hiên tổ chức Đại hội lần thứ VIII, nhiềm kỳ 1976 - 1979. Đây là Đại hội đâu tiên của Đảng bộ sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Đồng chí Võ Văn Đặng - Phó Bí thư Tỉnh ủy tham dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã tổng kết 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân huyện nhà và hơn một năm khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong tâm cho năm 1977 và 1978, trong đó trọng tâm là vận động nhân dân thực hiện định canh định cư, đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao đời sống, tiếp tục thực hiện mục tiêu “ba đủ, bốn có” (đủ ăn, đủ mặc và đủ nghĩa vụ đối với nhà nước; có nhà ở, có đường đi, có sức khỏe và có học hành).
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 18 đồng chí, trong đó có hai ủy viên dự khuyết (có bổ sung). Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thu (Tấn Lạc) được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Ngày 12 tháng 5 năm 1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định bổ sung đồng chí Đặng Hồng Vân giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Nguyễn Thu.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 1976 1979 và Nghị quyết Đảng bộ huyện Hiên lần thứ VIII, trong hai năm 1977 và 1978, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân đạt được một số thành tựu quan trọng:
Thực hiện công tác định canh định cư:
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này là lãnh đạo thực hiện công tác định canh, định cư. Đây là một chính sách lớn chủ trương của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự kiên trì thực hiện trong một thời gian dài nhằm vận động đồng bào Cơtu dần từ bỏ tập quán du canh du cư vốn ăn sâu bám rễ trong đời sống. Thực hiện chủ trương của huyện về sắp xếp lại dân cư nhằm khai thác tiềm năng về đất và lao động của địa phương, trong đó chuyển một bộ phận dân cư vùng cao xuống định cư ở vùng thấp; đồng thời đưa trở lại làng cũ một bộ phận nhân dân vùng thấp sơ tán lên vùng cao trong những năm chiến tranh. Theo đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân của xã sơ tán lên các xã thuộc huyện Tây Giang trước đây, như: Arooi, Atiêng đã trở về lại quê hương; đồng thời một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã như A Vương, Anông, Atiêng được chuyển xuống địa bàn xã Sông Kôn.
Giữa năm 1977, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng bộ xã Sông Kôn tiến hành tổng kết hai năm thực hiện công tác tháo gỡ bom mìn, không để xảy ra trường hợp thương tâm nào, tuyệt đối an toàn, giải phóng nhiều vùng đất phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào.
Lãnh đạo cứu đói, tổ chức sản xuất ổn định đời sống nhân dân:
Để nhân dân ổn định cuộc sống và an tâm sản xuất, xã đã đề nghị huyện hỗ trợ ban đầu lương thực, dụng cụ lao động… cho đồng bào. Được sự chi viện của huyện về lương thực, xã đã tổ chức các đợt cứu đói cho nhân dân, đi đôi với chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, giai đoạn 1976 – 1978, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo công tác giáo dục, trong đó trọng tâm thực hiện chiến dịch xóa mù chữ. Cán bộ, giáo viên được cử đến từng thôn làng vận động nhân dân tham gia các lớp học. Đến tháng 2 năm 1978, về cơ bản, nhân dân xã hoàn thành công tác xóa mù chữ, với 87% số người biết đọc, biết viết. Với thành tích nêu trên, xã Sông Kôn được UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tặng Bằng khen và Ty Giáo dục tặng Giấy khen; nhiều cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu Chiến sĩ diệt dốt.
Lãnh đạo xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng:
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền cách mạng cấp xã và cấp thôn được củng cố về nhân sự. Các tổ chức quần chúng, như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… được thành lập trong kháng chiến, nay tiếp tục được củng cố nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày 15 tháng 5 năm 1977, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền, cử tri xã hăng hái tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có bầu cử Hội đồng nhân dân xã khóa I. Đây là lần bầu cử Hội đồng nhân dân được quy định thống nhất ngày bầu cử trong cả nước . Cứ tri toàn xã đi bầu đạt tỷ lệ 90%. Sau bầu cử, Hội đồng nhân dân họp và bầu ra Ủy ban nhân dân xã, gồm 05 thành viên, đồng chí Alăng Tri (Pri) tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 12 tháng 11 năm 1997, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TV về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng miền núi, nêu rõ: nắm vững bốn ngành quan trọng là: giao thông, thương nghiệp, y tế và giáo dục. Đưa đồng bào Kinh lên xây dựng miền núi nhằm tăng sức lao động, tăng căn cứ. Có thể nói đây là nghị quyết cách mạng, đột phá để phát triển miền núi Quảng Nam sau ngày giải phóng.
Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ xã triển khai với các nhiệm vụ cụ thể, như: giải quyết tố vấn đề lượng thực, xây dựng cuộc sống định canh, định cư kết hợp với tiếp nhận đồng bào Kinh lên xây dựng kinh tế. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết lương thực tại chỗ. Các thôn có điều kiện dọc tuyến đường Quốc lộ 14G và vùng có thủy lợi phát triển mạnh mẽ nhất.
Ngày 25 tháng 7 năm 1978, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 133-BT về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; trong đó xã Sông Kôn, huyện Hiên được chia thành 2 xã: Sông Kôn và Ating. Lúc này, địa phận xã Jơ Ngây cũng chính là địa phận xã Sông Kôn.
Cũng trong năm 1978, hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã đã tổ chức lễ mit - ting phát động phong trào toàn dân đánh giặc, động viên con em xã nhà lên đường nhập ngũ khi chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc nổ ra.
Cuối năm 1978, huyện Hiên khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Dốc Kiền đi Prao- con đường đi ngang địa bàn xã; cùng với việc vận động nhân dân hàng ngàn ngày công làm đương liên xã, liên thôn, đã tạo điều kiện cho giao thương, đi lại của nhân dân. Đây là tuyến đường huyết mạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của huyện và của xã.
Ngày 22 tháng 12 năm 1978, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, UBMTTQVN huyện Hiên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Hiên, do Chủ tịch nước phong tặng . Đây cũng là vinh dự, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của đồng bào Cơtu xã vào thành tích chung của huyện.
Nhìn chung, từ sau ngày giải phóng đến hết năm 1978, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cơ bản được nhiệm vụ chính trị của giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng giải phóng dân tộc lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Qua 3 năm, chính quyền cách mạng đã cơ bản được củng cố; đời sống nhân dân nhân dân dần đi vào ổn định; an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững và bước đầu thực hiện được một số nhiệm vụ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; tạo ra những tiền đề thuận lợi để bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
II. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1979 - 1986)
Thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 14 tháng 10 năm 1978 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 9 tháng 01 năm 1979 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về tổ chức Đại hội Đảng các cấp; tháng 4 năm 1979 tại thôn Bhơhôồng, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 1979 - 1982. Tham dự Đại hội có 47 đảng viên của 5 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ. Đại diện Ban Thường vụ và các Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy Hiên tham dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1976 – 1979; đồng thời, trên cơ sở phân tích tình hình của xã, Đại hội đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1979 – 1982, gồm 9 đồng chí . Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, đồng chí Arâl Chơrơ được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Bríu Rương, Phó Bí thư Đảng ủy và đồng chí Alăng Chương, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã.
Ngày 12 tháng 5 năm 1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định bổ sung đồng chí Đặng Hồng Vân giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Nguyễn Thu.
Ngày 20 tháng 5 năm 1979, cùng với cử tri trong huyện, cử tri xã Jơ Ngây tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân xã khóa II. Tại kỳ họp thứ nhất, tháng 8 năm 1979, Hội đồng nhân dân xã đã bầu ra Ủy ban nhân dân xã, do đồng chí Alăng Chương- Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy được bầu làm Chủ tịch; các Ủy viên Ủy ban nhân dân: Alăng Là, Alăng Plế, Zơrâm Bhlam, Zơrâm Bhlưa…
Ngày 28 tháng 6 năm 1979, tại Hội trường UBND huyện, thôn KàĐéh, xã Tà Lu, Đảng bộ huyện Hiên tiến hành Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 1979 - 1982. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 27 đồng chí, sau này bổ sung thành 28 đồng chí. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 8 đồng chí, đồng chí Đặng Hồng Vân được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội này, đồng chí Zơrâm Thanh Cao được bầu làm Huyện ủy viên.
Cũng trong năm 1979, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã Jơ Ngây tổ chức thực hiện Chỉ thị số 72-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác phát triển Đảng, kiện toàn củng cố tổ chức Đảng”, Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng”. Qua đợt học tập các nghị quyết Trung ương và chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ xã tiến bộ rõ nét, chất lượng sinh hoạt các Đảng bộ và chất lượng đảng viên được nâng cao….
Năm 1979, cũng là năm đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng. Phong trào diễn ra sôi nổi, khắp các thôn, bản trên địa bàn xã Sông Kôn.
Năm 1980 là năm có nhiều ngày lễ lớn. Đây là dịp để Đảng bộ xã lãnh đạo đẩy mạnh công tác tư tưởng chính trị, truyền thống yêu nước trong nhân dân. Đặc biệt, cùng với toàn huyện, toàn tỉnh, tổ chức Lễ rước đuốc Bác Hồ về địa phương và đưa về từng gia đình. Đồng bào Cơtu phấn khởi, dấy lên phong trào lao động sản xuất mạnh mẽ.
Ngày 11 tháng 5 năm 1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phát động phong trào “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Trên địa bàn xã, Đảng ủy lãnh đạo nhân dân trồng cây mạnh mẽ, nhất là những vùng do chiến tranh tàn phá, trồng cây ven đường, nơi công cộng,…Đồng bào Cơtu trong xã hướng về Kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/1980).
Ngày 20 tháng 8 năm 1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng ra Quyết định số 69-QĐ/TV về bổ sung cán bộ, theo đó: đồng chí Lê Đức Trọng- nguyên Tỉnh ủy viên, học lớp lý luận chính trị trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương về vào Ban Chấp hành huyện Đảng bộ Hiên và chỉ định giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy từ ngày 25 tháng 8 thay cho đồng chí Đặng Hồng Vân về công tác tại Tỉnh ủy
Đầu Quý II năm 1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Nghị quyết số 16-NQ/TV, ngày 8 tháng 4 năm 1981 về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền núi trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985). Nghị quyết nêu rõ: “Ra sức phát huy truyền thống đoàn kết và năng lực sáng tạo của các dân tộc anh em, tổ chức lại sản xuất theo hướng nông - lâm kết hợp, nhằm giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, tạo thê đẩy mạnh phát triển toàn diện về lâm nghiệp,…từng bước cải tạo xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, ra sức phát triển giao thông vận tải, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, phát động mạnh mẽ cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới, tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Đảng bộ vững mạnh trong sạch”. Đây là Nghị quyết tạo bước đột phá toàn diện trên miền núi, là cơ sở để Đảng bộ huyện Hiên nói chung và Đảng bộ xã nói riêng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, Huyện ủy Hiện ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện. Đảng ủy xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tập trung công tác định canh, định cư, giao thông, y tế, giáo dục,…
Ngày 26 tháng 4 năm 1981, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân tham gia bầu cử thành công Quốc hội khóa VII và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II. . Đồng chí Bríu Prăm tiếp tục được bầu là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh khóa II.
Tháng 10 năm 1981, đồng chí Arâl Chơrơ - Bí thư Đảng ủy nghỉ công tác, Hội nghị Đảng bộ xã đã bầu đồng chí ALăng Chương làm Bí thư Đảng ủy.
Tiếp đó, ngày 15 tháng 11 năm 1981, cử tri toàn xã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cấp xã, khóa III. Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân xã đã bầu ra các thành viên Ủy ban nhân dân xã, do đồng chí Zơrâm Bôi làm Chủ tịch; đồng chí Alăng Là làm Phó Chủ tịch; các Ủy viên Ủy ban nhân dân: Ra Pát Nhân, Zơrâm Bhlam, Zơrâm Bhlưa, Alăng Mức…
Đảng bộ và nhân dân Jơ Ngây bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ II trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội của xã và đời sống của nhân dân lao động nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ lãnh đạo, động viên tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, đã thực hiện có hiệu quả những mục tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Hiên, tháng 8 năm 1982 tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 1982 - 1986. Tham dự Đại hội có 53 đảng viên của 7 Chi bộ trực thuộc.
Đại hội đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1979 – 1982; đồng thời, trên cơ sở phân tích tình hình của xã, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 1982 – 1986, gồm 11 đồng chí . Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí; đồng chí Alăng Chương được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Bríu Rương, Phó Bí thư kiêm Chánh Văn phòng Đảng ủy và đồng chí Zơrâm Bôi, Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Zơrâm Bhlam, Đảng ủy viên, Chủ tịch UBND xã
Ngày 13 tháng 9 năm 1982, tại thôn KàĐéh, xã Tà Lu, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiên khóa X, nhiệm kỳ 1982 - 1986. Đại hội bầu Ban Chấp hành 34 đồng chí (có bổ sung). Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 8 đồng chí, đồng chí Lê Đức Trọng được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Hiên khóa X, nhiệm kỳ 1982 - 1986, đồng chí Zơrâm Bôi được bầu làm Huyện ủy viên; đồng chí Zơrâm Thanh Cao được bầu làm Huyện ủy viên dự khuyết. Tháng 8 năm 1983, đồng chí Zơrâm Bôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Zơrâm Bhlam tiếp tục làm Chủ tịch.
Năm 1982 đến đầu năm 1983, Đảng bộ và nhân dân trong xã thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIII (đợt II) vào tháng 2 năm 1983. Đại hội bầu Ban Chấp hành 49 đồng chí, trong đớ có 4 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí, đồng chí Hoàng Minh Thắng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.
Trước đó, ngày 1 tháng 8 năm 1983, Tỉnh ủy triển khai Đề án cụ thể về phát triển miền núi theo tinh thần Nghị quyết 16 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, giai đoạn (1981 - 1985). Đảng ủy xã lãnh đạo nhân dân triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Đề án trên địa bàn xã.
Ngày 20 tháng 5 năm 1984, 100% cử tri toàn xã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cấp xã (khóa IV). Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được thực hiện theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân xã khóa IV đã bầu ra các thành viên Ủy ban nhân dân xã, do đồng chí Alăng Chương, Đảng ủy viên được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Zơrâm Bhlưa- Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an, đồng chí Rapát Nhân - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế; đồng chí Alăng Mức làm Xã đội trưởng .
Cuối năm 1984, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng bộ xã triển khai quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TV, ngày 24 tháng 9 năm 1984 của Tỉnh ủy về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Trong đó, chú trọng chống quan liêu của bộ máy chính quyền, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng, tiến hành thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh công tác lấy ý kiến quần chúng tham gia xây dựng Đảng,…Lãnh đạo khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế gia đình theo Chỉ thị 58/CT-TV, tháng 12 năm 1984 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Từ năm 1985, đồng chí Zơrâm Thanh Cao được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã.
Ngày 21 tháng 4 năm 1985, tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III. Huyện Hiên là một đơn vị bầu cử. Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân tham gia bầu cử với tỷ lệ gần 100%. Trong tổng số 120 đại biểu HĐND tỉnh khóa III, có 3 đại biểu của huyện Hiên là: Bríu Prăm, Pơ Loong Bil và Mai Thị Bình.
Tháng 8 năm 1985, thực hiện chủ trương tổng kết 10 năm xây dựng miền núi (1975 - 1985), tình hình khôi phục phát triển kinh tế - xã hội tuy có tiến bộ, nhưng về cơ bản về mọi mặt phát triển quá chậm, không đồng đều. Trên cơ sở đó, Đảng bộ xã tập trung cho công tác chỉ đạo sử dụng và phát huy hiệu quả lực lượng lao động tại chỗ, thiết lập quan hệ sản xuất mới, xây dựng Đảng, mà trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới và đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương.
Ngày 22 tháng 11 năm 1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 79/CT-TU về điều động cán bộ tăng cường cho các xã thuộc 4 huyện miền núi. Trong tổng số 45 cán bộ đi lên miền núi, có 3 đồng chí: Đặng Hồng Quang, Huỳnh Tấn Hoàng và Nguyễn Ngọc Lân được tăng cường về hoạt động tại địa bàn xã và có nhiều đóng góp quan trọng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày 22 tháng 12 năm 1985, Đảng ủy chỉ đạo tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương, Huy chương của Đảng và Nhà nước khen tặng về những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân xã Jơ Ngây đã cùng với nhân dân các xã trên địa bàn huyện Hiên kề vai sát cánh, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hiên, giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những thắng lợi đó, được xem là những mốc son trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, là niềm tự hào của các thế hệ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa, căm thù giặc sâu sắc; tinh thần thượng võ, bất khuất trước kẻ thù của đồng bào Cơtu cảu xã luôn được gìn giữ, phát huy. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh của Đảng bộ và nhân dân xã nhà trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể, cá nhân, gồm: 129 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 141 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 92 Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 287 Huy chương Kháng chiến các loại; 176 Bằng khen.
Bước sang năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sau khi đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, UBMTTQVN xã tham dự Hội nghị do Tỉnh ủy tổ chức, Đảng ủy xã tổ chức triển khai quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 25/NQ-TU, ngày 14 tháng 8 năm 1985 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về “Xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội miền núi 1986 - 1989”. Trong đó, tập trung lãnh đạo công tác định canh, sản xuất lương thực, giao thông, công tác xây dựng Đảng và cán bộ trong tình hình mới.
Nổi bật là trong văn hóa – xã hội, tập trung các lĩnh vực sau:
- Giáo dục: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của Đảng bộ là triển khai chiến dịch “Ánh sáng văn hóa” trong toàn thể cán bộ, đảng viên và thanh niên ưu tú theo tinh thần Chỉ thị số 157/CT-BBT, ngày 07 tháng 9 năm 1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc nhanh chóng nâng cao trình độ văn hóa tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông trung học cho đội ngũ cán bộ các cấp từ 45 tuổi trở xuống và thanh niên ưu tú. Huyện ủy hiên ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HU về việc triển khai chiến dịch “Ánh sáng văn hóa” trên địa bàn huyện. Về mặt nhân sự, Phòng Giáo dục thành phố Đà Nẵng điều động 12 cán bộ, giáo viên tham gia chiến dịch.
Ngày 03 tháng 3 năm 1986, Lễ tổng khai giảng các lớp học đã được tổ chức. Kết thúc chiến dịch, về cơ bản 100% cán bộ, thanh niên ưu tú hoàn thành chương trình phổ cập cấp I.
Mặc dù các cấp và bản thân ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống, cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, đời sống của đại bộ phận đội ngũ giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, thực hiện Quyết định số 167/QĐ-HĐBT, ngày 30 tháng 10 năm 1986 của Hội đồng Bộ trưởng, sự chỉ đạo của UBND huyện Hiên, Đảng ủy lãnh đạo tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam năm 1986 với nhiều hoạt động nhằm ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo và đội ngũ những người làm công tác giáo dục trên địa bàn xã.
Bước chuyển căn bản trên lĩnh vực văn hóa – xã hội là đồng bào đã ý thức được tác hại của nạn “đầu tôi” và dần loại bỏ các phong tục tập quán lạc hậu như gả con nhỏ, đòi của trong hôn nhân, đẻ ngoài rừng, cúng bái khi ốm đau, thay vào đó là ý thức ăn sạch, ở sạch, phòng bệnh, biết cách sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, đến Trạm xá và uống thuốc khi ốm đau, sinh đẻ …
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa Cơtu, nhất là bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Năm 1986, tại thôn Bhơhôồng, huyện tổ chức Lễ đâm trâu đầu tiên sau hơn 10 năm kể từ ngày giải phóng. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa Cơtu như biểu diễn cồng chiêng, nói lý, hát lý, múa tân tung da dá... cũng được phục hồi và phát huy, được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia.
Cùng với Huyện ủy, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo đợt sinh tự phê bình và phê bình nhân Đại hội lần thứ VI- Đại hội đổi mới của Đảng và Đại hội Đảng các cấp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, như tạo ra bước nhảy về xây dựng Đảng, chuẩn bị cho bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Thực hiện Chỉ thị số 80 - CT/TW, ngày 11 tháng 3 năm 1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngày 31 tháng 5 năm 1986, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1989. Tham dự Đại hội có 38 đại biểu chính thức. Dự và chỉ đạo Đại hội có đại diện Thường vụ Huyện ủy và các Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy Hiên.
Đại hội đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ 1982 – 1986; đồng thời, trên cơ sở phân tích tình hình của xã, chủ trương, đường lối của Đảng các cấp, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 1986 – 1989: động viên các cấp ủy Đảng và toàn dân phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để giữ vững ổn định chính trị; tập trung giải quyết vấn đề lương thực – thực phẩm, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác trồng rừng, định canh định cư.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 – 1989, gồm 9 đồng chí . Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 4 đồng chí. Đồng chí Zơrâm Bôi, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy; đồng chí Đặng Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Zơrâm Thanh Cao, Phó Bí thư Đảng ủy và đồng chí ALăng Chương, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã.
Đại hội bầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiên lần thứ XI, gồm 11 đồng chí: Zơrâm Bhlưa, Bríu Rương, Alăng Chơrơ, Alăng Chương, Rapát Nhân, Bríu Abu (Bríu Brây), Zơrâm Thanh Cao, Zơrâm Bôi, Bríu Giên (Danh) cùng hai đại biểu do huyện gửi ứng cử ở xã là Nguyễn Quang Nga và Phạm Thành Lũy.
Thực hiện Chỉ thị số 79-CT/TW, ngày 11 tháng 3 năm 1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tổ chức đợt tự phê bình và phê bình chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI”, Chỉ thị số 80-CT/TW về Đại hội Đảng các cấp và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 9 năm 1986, tại Hội trường cơ quan Huyện ủy Hiên, thôn Kà Đéh, xã Tà lu, Đại hội Đảng bộ huyện Hiên khóa XI, nhiệm kỳ 1986 - 1988 được tiến hành.
Đây là Đại hội của đổi mới, mở ra thời kỳ phát triển mới. Đại hội bầu Ban Chấp hành (có bổ sung): 37 đồng chí; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ: 11 đồng chí. Đồng chí Bríu Prăm- Tỉnh ủy viên được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiên lần thứ XI, nhiệm kỳ 1986 - 1988, đồng chí Bríu Danh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hiên.
Từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 10 năm 1986, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIV. Đồng chí Võ Chí Công- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham dự. Đại hội bầu 45 ủy viên chính thức, 7 ủy viên dự khuyết vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Bríu Prăm - Bí thư huyện ủy Hiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Cuối năm 1986, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Chi bộ Đảng thực hiện việc kiểm tra, phân loại đối với đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng theo tinh thần Chỉ thị 79 và Chỉ thị 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua phân loại đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng năm 1986, trong tổng số 56 đảng viên của toàn Đảng bộ (53 đảng viên chính thức và 03 đảng viên dự bị), có 16 đồng chí đạt loại 1; 34 đồng chí đạt loại 2; 02 đồng chí đạt loại 3 và 01 đồng chí đạt loại 4. Đảng bộ được xếp loại Khá.
Sau 4 năm (1982-1986) lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ III và các Nghị quyết của cấp trên trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của huyện nói chung và của xã nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy Hiên, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã giành được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần hạn chế những tiêu cực xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn xã. Nhất là năm cuối nhiệm kỳ, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI.
*
* *
Nhìn lại hơn 10 năm sau ngày giải phóng (1975 - 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, đồng bào Cơtu trong xã đã từng bước vượt qua chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, kiên trì phấn đấu để ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, bước đầu phát triển trên mọi mặt từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Công tác định canh, định cư là ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng ủy xã. Ổn định và phát huy nghề truyền thống, bước đầu phát triển dịch vụ mau bán, trao đổi. Huyện đầu tư phát triển khu vực kinh tế Bền, tạo điều kiện cho kinh tế, kết cấu hạ tầng trong xã phát triển. Giáo dục, y tế phát triển nhanh; phong trào “dạy tốt, học tốt”, chăm sóc sức khỏe nhân dân thu nhiều kết quả, nằm trong nhóm dẫn đầu huyện. Mục tiêu của giai đoạn là lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn đinh đời sống nhân dân, từng bược xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội, đã được Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công.
Qua thực tiễn lãnh đạo trong thời bình, mặc dù chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã không ngừng lớn mạnh, hiểu rõ hơn đặc thù, thế mạnh của địa phương để tổ chức nhân dân cách làm mới, hiệu quả hơn. Quá trình đó cũng chính là quá trình xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, đáp ứng yêu cầu của cách mạng; xây dựng các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, đóng vai trò tập hợp sức mạnh của nhân dân, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước.
Những thành công, hạn chế của 10 năm (1975 - 1985) và năm 1986 là nguồn động viên, khích lệ nhân dân tiếp tục phát tiển; là những bài học về kinh nghiệm lãnh đạo, về phương thức lãnh đạo để Đảng bộ xã củng cố, phát huy những tiền đề ban đầu, lãnh đạo nhân dân bước vào thời kỳ đổi mới, chủ động, năng động, sáng tạo trong xây dựng và phát triển quê hương trong thời kỳ đổi mới.