LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI
ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG, TÁI LẬP XÃ JƠ NGÂY
(9/1986 - 1999)
I. LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986 - 1991)
Sau khi Đại hội Đảng bộ các cấp hoàn thành, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đây là Đại hội sau hơn 10 năm giải phóng (1975 - 1985), xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội nhận định: Nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong cả nước đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh khá, nhiều đơn vị chiến đấu giỏi; một số địa phương và ngành, với tính năng động, sáng tạo, đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi.
Đồng thời với quan điểm nhìn thẳng sự thật, Đại hội nhận rõ tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt: sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng. Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Đại hội nghiêm khắc chỉ ra rằng: Nguyên nhân chủ quan của tình hình trên đây là những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, dẫn đến việc đánh giá tình hình cụ thể của đất nước, trong việc xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa sát thực. Trên thực tế, chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp. Còn chủ quan nóng vội và bảo thủ trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, lại phạm những sai lầm mới, nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối, lưu thông. Đã buông lỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế, xã hội, trong đấu tranh tư tưởng, văn hoá, trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại thâm độc của kẻ thù. Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện.
Từ thực tiễn những năm qua, Đại hội rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu: Một, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Hai, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Ba, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn, phải chăm lo xây dựng đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Về mục tiêu thời gian tới, Đại hội khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đề ra ba chương trình kinh tế lớn là: sản xuất lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu nhằm từng bước đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và tiếp tục đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội lần thứ VI có ý nghĩa lịch sử trọng đại, mở đầu thời kỳ đổi mới con đường đi lên chũ nghĩa xã hội nước ta. Đại hội đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của nước ta lúc bấy giờ. Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng như luồng sinh khí mới, là tiền đề quan trọng để cả nước bước vào công cuộc đổi mới, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới.
Sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội VI, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm và xác định quy mô, phương hướng, bước đi thích hợp trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị..
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã đã tập trung tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quá triệt cụ thể quan điểm của Đảng ta về đường lối đổi mới. Từ đó, có nhận thức đúng, nắm rõ tình hình đặc điểm địa phương, không duy ý chí, kiên quyết xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, lối mòn; nắm bắt cái mới phục vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân.
Hòa chung khí thế cả nước, trong các ngày 19 tháng 4 và ngày 3 tháng 5 năm 1987, cử tri trong toán xã hăng hái đi bầu cử Quốc hội khóa VIII, Hội đồng nhân dân huyện và Hội đồng nhân dân xã khóa V. Về đại biểu Quốc hội, Huyện Hiên cùng với Giằng, Phước Sơn, Đại Lộc, Hòa Vang thành một đơn vị bầu cử; kết quả trúng 3 đại biểu , trong đó có đồng chí Bríu Prăm - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hiên.
Đảng bộ lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã khóa V, nhiệm kỳ 1987 – 1989. Ngày 10 tháng 5 năm 1987, Hội đồng nhân dân xã họp phiên thứ Nhất, đã bầu các chức danh Ủy ban nhân dân xã, như sau: Ông Rapát Nhân được bầu làm Chủ tịch UBND xã; Ông Huỳnh Tấn Hoàng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã; Ông Nguyễn Ngọc Lân làm Ủy viên Thư ký; các ông ALăng Pao, ALăng Chốp, Coor Linh, Lê Quang Mư và ALăng Hoan làm Ủy viên Ủy ban nhân dân xã.
Đồng thời với lãnh đạo công tác bầu cử, Đảng ủy quan tâm mạnh đến vụ Đông - Xuân 1986 - 1987. Đây là vụ nhằm khắc phục sản xuất năm 1986 gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi và việc chỉ đạo sản xuất chưa thực sự chủ động; việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi chưa được triển khai đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu đói xảy ra trong một bộ phận nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện Hiên, Đảng ủy lãnh đạo tập trung chỉ đạo vụ sản xuất Đông Xuân 1986 - 1987 đạt thắng lợi nhằm ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực kéo dài. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ. Vụ Đông - Xuân được coi là vụ sản xuất chính trong năm. Kết quả của vụ sản xuất này sẽ quyết định đến việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong năm của nhân dân. Thực tế cho thấy, nếu năm nào công tác chỉ đạo sâu sát, thời tiết thuận lợi thì sản xuất lương thực cơ bản giải quyết được nhu cầu tại chỗ của nhân dân. Ngược lại, dễ xảy ra tình trạng thiếu đói và phải trông chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước.
Các Chỉ thị, Nghị quyết của Huyện ủy và UBND huyện được triển khai đến tận các Chi bộ, các thôn và từng gia đình, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể; chỉ phát tỉa trên những nương rẫy cũ, đi đôi với khai hoang và luân canh trên các diện tích nà, thổ; xử lý nghiêm việc thả rông gia súc phá hoại hoa màu. Đồng thời, để tập trung nguồn lực cho sản xuất, nghiêm cấm việc tổ chức hội hè, đình đám, thăm chơi làm lãng phí thời gian và lao động trong việc triển khai chiến dịch sản xuất vụ Đông – Xuân. Bên cạnh sản xuất lương thực, Đảng ủy chỉ đạo trồng thêm các loại cây rau, màu và tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện đời sống nhân dân.
Kết quả của vụ sản xuất Đông – Xuân 1986 - 1987, toàn xã đã gieo tỉa được 183,3 ha lúa rẫy; 6,3 ha lúa nước; 31 ha bắp; trồng mới 66 ha sắn. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 230 tấn. Về chăn nuôi: tổng đàn trâu bò là 592 con, trong đó đàn bò có 444 con; đàn heo có hơn 1.100 con. Đây là những kết quả rất quan trọng trong ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Đồng thời, công tác định canh, định cư, giao thông, y tế, văn hóa,...phát triển đáng khích lệ. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, xóa bỏ cơ bản hủ tục lạc hậu. Tình đoàn kết Kinh - Cơtu không ngừng củng cố.
Tháng 7 năm 1987, tại Hội nghị Đảng bộ xã, đồng chí ZơRâm Bôi nghỉ công tác, đồng chí Bríu Danh - Huyện ủy viên được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Tháng 11 năm 1987, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên có quyết định điều động đồng chí Đặng Hồng Quang, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Tháng 10 năm 1987, đồng chí Jơđêl Bốc được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ.
Cũng trong tháng 7 năm 1987, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TV, ngày 22 tháng 7 năm 1987 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức kiểm điểm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng. Cùng với huyện Hiên, chính sách của Đảng đối với đồng bào dân tộc Cơtu của xã luôn được quan tâm. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hơn 10 năm đất nước thống nhất, đồng bào Cơtu luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. Đồng bào luôn phát huy đoàn kết, thương yêu nhau và đoàn kết Kinh - Cơtu luôn được vun đắp, củng cố và phát huy.
Chính nhờ thực hiện chính sách của Đảng về dân tộc, mà đồng bào luôn chăm lo phát triển quê hương, bản, làng. Từ sản xuất tự cung, tự cấp đã phát triển sản xuất hàng hóa, giao thương được đẩy mạnh. Nơi ăn, chốn ở của đồng bào ngày càng ổn định. Giáo dục, y tế có nhiều kết quả ban đầu. Từ việc băng rừng lội suối, đồng bào đã có đường giao thông đi lại. Các hủ tục, phong tục lạc hậu dần dần được xóa bỏ, đồng bào tiếp cận thông tin, kiến thức kỹ thuật ngày càng nhiều hơn. Giá trị văn hóa của đồng bào luôn được Đảng quan tâm gìn giữ, phát huy.
Về công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ người Cơtu dần dần được đào tạo, tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý xã hội. Sự hợp tác, giúp đỡ của cán bộ người Kinh lên tăng cường và cán bộ Cơtu tại địa phương ngày càng gắn bó, hỗ trợ, tạo điều kiện vì mục tiêu phát triển quê hương. Đảng bộ xã là một trong 5 Đảng bộ dẫn đầu toàn huyện về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng mạnh về tư tưởng, tổ chức và năng lực.
Những thành công trải qua 40 năm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là vô cùng to lớn, quyết định đến sự phát triển trong giai đoạn đẩy mạnh CNH,HĐH của địa phương.
Bước sang năm 1988, một sự kiện quan trọng đối vơi đồng bào Cơtu là vào các ngày từ 18 đến 19 tháng 5 năm 1988, tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chi- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự và trao cờ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các huyện Trà My, Phước Sơn, Hiên, Giằng đã có nhiều thành tích trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng quê hương với dòng chữ: “Kiên trung bất khuất, đoàn kết theo Đảng tiến lên” . Đây cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã nhà.
Ngày 1 tháng 8 năm 1988. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32/CT-TU về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm 1990.
Trong không khí cả nước, tỉnh và huyện đang triển khai các phong trào thi đua lao động sản xuất và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 31/CT-TU, ngày 26 tháng 7 năm 1988 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về tổ chức Đại hội Đảng bộ (Chi bộ) cơ sở, Đảng bộ huyện, thị, thành và tương đương, tháng 01 năm 1989, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã, Đảng bộ xã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 1989 – 1992. Tham dự Đại hội có 61 đại biểu trong toàn Đảng bộ.
Trên tinh thần đổi mới, Đại hội đã kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 – 1989. Đây là nhiệm kỳ khởi đầu việc lãnh đạo địa phương theo quan điểm và chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và huyện về nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Nhiệm kỳ qua, Đại hội đánh giá: Tình hình sản xuất ổn định. Công tác định cư, định canh có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, dần dần đi vào chất lượng. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, y tế và giáo dục. Tinh thần đoàn kết của đồng bào tiếp tục được tăng cường và phát huy. Các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được đảm bảo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ không ngừng phát triển. Công tác xây dựng Đảng luôn chăm lo, được Huyện ủy tuyên dương.
Trên cơ sở đánh giá những yếu kém và xuất phát từ thực tế, địa phương; Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới, trong đó chú trọng: Chăm lo công tác giải quyêt nhu cầu lương thực của nhân dân và các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Xây dựng và phát triển kinh tế vườn - rừng; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Công tác định canh, định cư phải gắn với sắp xếp dân tộc, phát triển hạ tầng,...Xây dựng nếp sống văn minh trên cơ sở bảo tồn giá trị văn hóa Cơtu. Đẩy mạnh phát triển đảng viên, đánh giá chất lượng đảng viên.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 1989 – 1992 gồm 9 đồng chí . Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, đồng chí Bríu Danh, Huyện ủy viên được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Zơrâm Thanh Cao, Phó Bí thư Đảng ủy và đồng chí Rapát Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã; đồng chí JơĐêl Bốc- Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã
Từ ngày 25 đến 27 tháng 4 năm 1989, tại Hội trường cơ quan Huyện ủy Hiên, thôn Kà Đéh, xã Tà Lu, Đảng bộ huyện Hiên tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 1989 - 1992. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 30 đồng chí, trong đó có một dự khuyết. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí; đồng chí Bhríu Prăm- Tỉnh ủy viên được bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Bríu Danh - Bí thư Đảng bộ xã tiếp tục được bầu làm Huyện ủy viên.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V và Đại hội Đảng bộ huyện Hiên lần thứ XII, nhiệm kỳ 1989 - 1992 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, dẫn đến tan rả. Tình hình trong nước mới thực hiện đổi mới, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các thế lực thù địch nhân khủng hoảng các nước xã hội chủ nghĩa đã tăng cường tấn công, hòng phá công cuộc đổi mới của ta. Một khó khăn nữa là tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động.
Được sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Hiên, Đảng bộ xã đã giữ vững lập trường, sáng suốt lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; góp phần thực hiện các mục tiêu của đường lối đổi mới trên quê hương.
Về Kinh tế
Diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 450 ha, đạt 82,5% so với kế hoạch đề ra, trong đó diện tích lúa ba trăng và lúa nhe, mùa đạt gần 385 ha; lúa nước đạt 15 ha, tăng 8 ha so với đầu nhiệm kỳ; diện tích sắn trồng mới trong năm 1990 là 30 ha; bắp trồng được 30 ha. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 511,3 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 183kg/người/năm. Trong 3 năm, đã trồng được trên 90.000 cây các loại, chủ yếu là bạch đàn và quế. Tổng đàn trâu, bò tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, với 520 con. Cửa hàng thương nghiệp huyện đóng trên địa bàn xã được duy trì, đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hoạt động thương nghiệp của tư thương tại các điểm dân cư bước đầu phát triển. Trong xây dựng cơ bản, giai đoạn 1989 - 1992 đã ưu tiên cho các công trình phúc lợi xã hội, bao gồm 1 trường liên thôn bán kiên cố; tu sửa Trạm xá khu vực; làm 4 km đường giao thông liên thôn Sông Voi – Ngật và xây dựng Trụ sở làm việc xã.
Về văn hóa - xã hội
- Giáo dục: Chất lượng giáo dục được nâng lên nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp các ngành và sự cố gắng, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất của đội ngũ giáo viên. Năm học 1989 – 1990, vận động được 118 em trong độ tuổi ra lớp. Ngoài giờ dạy trên lớp, các thầy cô giáo còn tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để bồi dưỡng thêm cho các học sinh yếu. Tổng kết năm học 1989 - 1990 có 36,3% học sinh đạt loại khá trở lên. Đảng ủy, chính quyền đã kịp thời khen thưởng, động viên những thành tích nêu trên của thầy và trò nhà trường.
- Y tế: Công tác y tế có nhiều nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Với sự hỗ trợ của Phòng Y tế huyện, việc tiêu độc khử trùng phòng ngừa bệnh sốt rét được thực hiện hàng năm, góp phần ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Một trong những điểm sáng của công tác y tế là đã vận động đồng bào thực hiện ăn chín, uống sôi, ốm đau đến bệnh viện và sử dụng thuốc, không cúng bái; công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi được thực hiện có hiệu quả, hạn chế tỉ lệ mắc các bệnh nguy hiểm ở trẻ.
- Văn hóa thông tin: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vẫn được duy trì. Với sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, đã tổ chức một số buổi chiếu phim và văn nghệ phục vụ nhân dân.
Đảng ủy chỉ đạo các ngành, đoàn thể liên quan giải quyết dứt điểm hồ sơ, chế độ chính sách cho các đối tượng có công. Đến hết năm 1990, đã đề nghị các cấp, các ngành giải quyết hồ sơ cho 123 đối tượng trong diện chính sách, trong đó 72 cán bộ thuộc diện hưu trí, 51 thương bệnh binh.
Công tác định canh, định cư được Đảng ủy, chính quyền và các Hội, đoàn thể quan tâm vào cuộc; được Bộ Lâm nghiệp tặng Bằng khen.
Về công tác quốc phòng, an ninh
Được duy trì thường xuyên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được đảm bảo. Qua đấu tranh, đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Riêng năm 1990 xử lý 18 vụ với 35 đối tượng, chủ yếu là các hành vi trộm cắp, uống rượu say gây rối trật tự công cộng. Công tác huấn luyện và giao quân hàng năm đều đạt chất lượng và chỉ tiêu trên giao.
Về công tác chính quyền, Mặt trận, đoàn thể
Được quan tâm, gắn với củng cố, kiện toàn bộ máy, bao gồm bố trí, sắp xếp các đồng chí đủ năng lực về chuyên môn để có thể đảm nhận nhiệm vụ. Qua củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ được nâng lên, bước đầu đảm đương nhiệm vụ được giao.
Ngày 9 tháng 11 năm 1989, thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng và chỉ đạo cảu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng ủy đã lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân xã khóa VI. Có 99,63% cử tri trong toàn xã tham gia bầu cư. Đây cũng là lần đầu tiên nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân xã có thời gian 5 năm.
Sau bầu cử, cuối tháng 11 năm 1989, Hội đồng nhân dân xã họp phiên đầu tiên đã bầu đồng chí Bríu Danh - Bí thư Đảng bộ làm Chủ tịch Hội đồng; bầu các chức danh Ủy ban nhân dân do đồng chí Rapát Nhân làm Chủ tịch, đồng chí Jơđêl Bốc làm Phó Chủ tịch, các đồng chí Huỳnh Tấn Hoàng, Zơrâm Bôi, Blinh Bloó, Zơrâm Bhlừa… làm Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Tháng 01 năm 1990, đồng chí Ating Yên được bầu bổ sung Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và được Hội đồng Nhân dân xã bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Lúc này, đồng chí Rapát Nhân làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Về công tác xây dựng Đảng:
Trong lãnh đạo, Đảng ủy đặc biệt chú trọng công tác chính trị, tư tưởng. Đảng ủy đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nhằm phổ biến thông tin thời sự, quán triệt nhanh các Nghị quyết của Trung ương về tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. Thông qua các đợt sinh hoạt, cán bộ, đảng viên và nhân dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo.
Cùng với công tác chính trị tư tưởng, Đảng ủy đã kịp thời triển khai cuộc vận động làm trong sạch bộ máy cơ quan Đảng và chính quyền, đoàn thể theo tinh thần Chỉ thị 52 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về củng cố Đảng. Qua theo dõi, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kỷ luật 6 đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển đảng viên mới được quan tâm. Trong nhiệm kỳ, đã gửi đạo tạo ngắn hạn 6 đồng chí và đạo tạo dài hạn 1 đồng chí; kết nạp được 8 đảng viên mới, đa số là đảng viên trẻ và có trình độ.
Đội ngũ cán bộ được Tỉnh ủy điều về công tác tại địa phương, qua thực tế đã trưởng thành, thám gia lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương. Điều đó, chứng minh chủ trương tăng cường cán bộ lên miền núi là sáng tạo, kịp thời và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Năm 1990, trên địa bàn huyện và xã đã diễn ra các hoạt động sôi nổi Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Viêt Nam (3/2/1930 - 3/2/1990), 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990), 45 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 1990), 15 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1990) và 15 năm giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/1990).
Tháng 3 và tháng 4 năm 1990, Đảng ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp xã tổ chức thực hiện Chỉ thị sô 47/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm 5 năm quá trình thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TU, ngày 14 tháng 8 năm 1985 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Tình hình thực hiện Nghị quyết 25 trên địa bàn xã có nhiều tiến bộ, nhất là giao thông nông thôn, định canh định cư, điều kiện đi lại, học hành, khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, các hạng mục cơ bản về thủy lợi trên địa bàn xã đã hoàn thành, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.
Tháng 5 năm 1990, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên địa bàn xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đoàn văn nghệ của xã đã tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng do Huyện tổ chức, với các tiết mục về văn hóa truyền thống, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới,...tạo ra không khí phấn khởi, động viên đồng bào Cơtu trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công tác vận động quần chúng được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội của xã hoạt động có hiệu quả, theo chương trình công tác của huyện, trong đó nổi bật là thành lập Hội Cựu Chiến binh của xã.
II. NHỮNG BƯỚC CHUYỂN CĂN BẢN TRÊN CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG 10 NĂM THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1992 - 1996)
Thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW, ngày 22 tháng 5 năm 1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Chỉ thị số 54-CT/TV, ngày 23 tháng 7 năm 1990 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở Đại hội Đảng bộ các cấp (vòng 1) để tiến tới, từ ngày 21 đến 22 tháng 3 năm 1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hiên được tiến hành. Đại hội tập trung tổng hợp và thông qua góp ý của các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc vào các văn kiện trình Đại hội lần thứ VII của Đảng.
Từ ngày 17 đến 27 tháng 6 năm 1991, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tổ chức. Đại hội khẳng định tính sáng tạo, đúng đắn của đường lối đổi mới do Đại hội VI của Đảng khởi xướng và đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.
Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ huyện ủy Hiên, Đảng bộ xã tập trung quán triệt và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, như: Nghị quyết số Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận thống nhất; Nghị quyết số 04-NQ/TW về công tác phụ nữ, Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đáng khóa VII về công tác thanh niên, Nghị quyết 05-NQ/HNTW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân;…
Và, tiếp đến từ ngày 28 đến 29 tháng 2 năm 1992, Đại hội Đảng bộ huyện Hiên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1992 - 1996 (vòng 2) được tổ chức. Đại hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 31 đồng chí . Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Lê Đức Trọng- Tỉnh ủy viên, được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đồng chí Bríu Danh - Bí thư Đảng bộ xã được bầu tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hiên.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên, ngày 15 tháng 4 năm 1992, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 1992 - 1994 được tổ chức. Tham dự Đại hội có 58 đại biểu của 5 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ. Về dự và chỉ đạo Đại hội có đại diện Ban Thường vụ Huyện ủy và đại diện các Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy Hiên.
Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 1992 – 1994 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện và sụp đổ. Lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh chống phá Đảng, chống phá cách mạng nước ta. Tuy đạt được một số thành tựu trên các mặt nhưng nhìn chung đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, năng lực điều hành của Đảng bộ vẫn còn nhiều hạn chế.
Đại hội đánh giá: Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 1989 - 1992, mặc dù gặp nhiều bất lợi do những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế; hậu quả của các cơn bão trong các năm 1988 và 1989 gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến những khó khăn trong đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tích cực của Huyện ủy Hiên, sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn xã đều có những bước tiến nhất định: bước đầu đã hình thành nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường; công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm; việc giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách được thực hiện triệt để; thực hiện tốt công tác định canh định cư; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được coi trọng.
Những hạn chế, yếu kém: Diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra tại Nghị quyết Đại hội V, thậm chí còn giảm, dẫn đến tình trạng thiếu ăn còn xảy ra trong một bộ phận nhân dân. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo sản xuất, thâm canh tăng vụ và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn yếu; chưa có các công trình thủy lợi kiên cố, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích lúa nước hiện có; phương thức sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết; cây công nghiệp ngắn ngày chưa được chú trọng; việc kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt còn yếu, chưa xác định được các loại cây, con có giá trị kinh tế cao để tập trung sản xuất; nhân dân chưa nhận thức được những tác hại của việc thả rông gia súc trong chăn nuôi….
Trong lâm nghiệp, mặc dù bước đầu đã tổ chức khai thác có hiệu quả nhưng công tác quản lý và bảo vệ rừng vẫn bị coi nhẹ; chưa tổ chức tốt công tác phòng, chống cháy rừng và chăm sóc diện tích rừng trồng; việc giao đất giao rừng còn có những hạn chế, dẫn đến xảy ra tranh chấp đất đai trong nhân dân.
Chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình giao thông nông thôn chưa cao; một số thôn chưa có đường thồ vào trung tâm, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất.
Việc đầu tư cho công tác định canh định cư chưa đảm bảo; chưa gắn việc tách hộ làm vườn với phát triển kinh tế gia đình theo hướng vườn nhà - vườn rừng; việc bố trí các điểm dân cư còn nặng tính tập tục (nhà chung, tập trung) dẫn đến có nhà nhưng không có vườn hoặc ngược lại. Đời sống của nhân dân, kể cả đội ngũ cán bộ hưởng lương và các đối tượng chính sách gặp nhiều khó khăn. Các nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội như ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh, đi lại và hưởng thụ văn hóa chỉ mới đáp ứng được một phần. Nạn đói còn xảy ra trong các thời kỳ giáp hạt.
Tình trạng xuống cấp của mạng lưới trường lớp từ xã xuống thôn, nhất là các điểm trường xảy ra từ lâu nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp. Đội ngũ giáo viên cũng như trang thiết bị dạy và học thiếu trầm trọng. Nếu như năm 1986, xã được phân bổ chỉ tiêu là 36 giáo viên thì đến năm 1992 chỉ còn 6, bao gồm cả Ban Giám hiệu, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học cao; số học sinh ra lớp hầu hết đã quá độ tuổi, thậm chí 10 – 11 tuổi mới vào học lớp 1; chỉ tiêu 6 người dân có 1 người đi học không đạt. Các dịch bệnh như sốt rét, tiêu chảy…còn xảy ra hàng năm; ý thức phòng bệnh trong một bộ phận nhân dân còn thấp, khi có bệnh vẫn lấy cúng bái chứ chưa quan tâm đến việc dùng thuốc.
Các tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, nhất là các hủ tục về ma chay, cưới gả. Nạn tảo hôn, đòi của trong hôn nhân chưa được loại trừ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; chưa tổ chức được đội văn nghệ lưu động của xã.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hình sự…. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa đi vào chiều sâu. Công tác quản lý tạm trú tạm vắng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ chưa chặt chẽ. Việc săn bắn động thực vật hoang dã, khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn biến phức tạp. Tình trạng rượu chè say sưa gây mất trật tự, mất đoàn kết còn xảy ra và chưa được giải quyết dứt điểm.
Hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Phần lớn số cán bộ chưa qua các lớp đào tạo nghiệp vụ, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Tình trạng cán bộ vừa thừa lại vừa thiếu; cán bộ có trình độ, có năng lực chuyên môn, dám nghĩ dám làm thì thiếu và ngược lại. Việc bố trí cán bộ còn mang tính đánh đồng, bố trí nhiều khi chỉ dựa vào uy tín mà không chú ý đến trình độ chuyên môn để đảm nhận nhiệm vụ, nhất là đội ngũ cán bộ thôn. Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ do vướng bận việc gia đình nên mặc dù được bố trí đi học nhưng lại không đi; trong khi đó cán bộ đương chức lại phần lớn thuộc diện hưu trí, tuổi đã cao, không phù hợp với cho đi đào tạo.
Việc quán triệt và vận dụng các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của cấp trên chưa nghiêm túc, kịp thời. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thiếu tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, ngại khó, ngại khổ hoặc mắc bệnh công thần, không phê bình thì làm sai, phê bình thì tự ái, bỏ việc; lời nói với việc làm không đi đôi; coi nhẹ việc công, nặng việc riêng. Bên cạnh đó, tư tưởng chủ quan, nóng vội, bảo thủ trì trệ, cục bộ bè phái và các hiện tượng buông lỏng kỷ cương, kỷ luật, theo đuôi quần chúng vẫn còn xảy ra. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy đã thi hành kỷ luật đối với 6 đảng viên, trong đó khiển trách 5 và cách chức 1.
Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương và trên tinh thần Nghị quyết Đại hộ Đảng bộ cấp trên, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 1992 – 1994 đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới, như sau: Phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, Đảng bộ và nhân dân toàn xã phấn đấu vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp gắn với công tác định canh định cư; phát triển kinh tế theo hướng vườn – ao – chuồng – ruộng - rừng; từng bước chuyển dịch sản xuất, từ tự cung tự cấp là chủ yếu sang sản xuất hàng hóa với từng loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh; chú trọng khâu tiêu thụ nhằm tăng giá trị vật nuôi, cây trồng để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực; từng bước loại trừ các phong tục tập quán có hại cho sản xuất và đời sống. Từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị và tư tưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể:
- Tập trung giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, phấn đấu đến năm 1994 cơ bản ổn định và từng bước phát triển đời sống của nhân dân. Trong nhiệm kỳ, cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác khai hoang, mở rộng diện tích gieo cấy ở những nơi có điều kiện, nhất là đối với diện tích lúa nước; tận dụng diện tích đất nà, đất ruộng hiện có, phấn đấu duy trì diện tích gieo trồng hàng năm từ 585 đến 590 ha; từng bước ứng dụng các biện pháp kỹ thuật và thực hiện thâm canh tăng năng suất; vận động nhân dân trồng các loại rau màu để vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa có nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
- Phát triển mạnh chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo đến năm 1994, tổng đàn trâu bò có 550 con, trong đó đàn trâu là 50 con; đàn heo có từ 2500 con đến 3000 con. Trong chăn nuôi, cần ngăn chặn việc thả rông đàn trâu, bò gây thiệt hại cho các loại cây trồng.
- Từng bước phát triển việc trồng gắn với công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Hàng năm trồng từ 10.000 đến 15.000 cây phân tán. Đề nghị cấp trên cho khai thác tiểu khu rừng 120 nhằm tạo nguồn thu hàng năm để đầu tư xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn xã, góp phần hạn chế việc phá rừng làm rẫy cũng như gắn trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc rừng của nhân dân.
- Về xây dựng hạ tầng: ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông liên thôn và các công trình trường, trạm trên địa bàn xã, trong đó xây dựng Đài truyền thanh xã trong năm 1992; xây dựng đường liên thôn Bền - Bút Tưa và Bền - La Đàng.
- Duy trì và vận động số trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 50% đến năm 1994; giảm tình trạng bỏ học quá nhiều như thời gian vừa qua; tích cực thực hiện công tác xóa mù chữ.
- Tăng cường mạng lưới y tế; đẩy mạnh cuộc vận động giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, phấn đấu giảm tỉ lệ sinh xuống dưới 3%/năm.
- Đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn với xây dựng nếp sống mới trong nhân dân, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, có hại cho sản xuất và đời sống.
- Tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phấn đấu đạt chỉ tiêu trên giao; thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn.
- Ổn định đời sống của các hộ thuộc diện định canh định cư, đảm bảo mỗi hộ có 1 con bò và làm 0,5 ha vườn.
- Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm; kiên quyết đấu tranh và kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, xâm hại đến an ninh, trật tự xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sống và làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật, ý thức cảnh giác trước các âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch; củng cố lực lượng công an và quân sự đủ mạnh để đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm lo đời sống của lực lượng đang làm nhiệm vụ; đảm bảo các chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự hàng năm.
- Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh về mọi mặt nhằm đảm bảo sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
- Tập trung nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp lãnh đạo, phát huy dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và chấn chỉnh tổ chức cơ sở Đảng. Đối với những đảng viên không còn tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí chiến đấu hoặc có biểu hiện thoái hóa, biến chất thì phải cương quyết khai trừ khỏi Đảng. Công tác phát triển đảng viên mới trong nhiệm kỳ tới cần chú trọng đến chất lượng, chống chạy theo số lượng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa VI, nhiệm kỳ 1992 – 1994, gồm 9 đồng chí. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí, đồng chí Bríu Danh, Huyện ủy viên, được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Jơđêl Bốc, Phó Bí thư Đảng ủy, phụ trách công tác thường xuyên của Đảng ủy và công tác kiểm tra Đảng. Đồng chí Ating Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã. Đồng chí Zơrâm Bhlưa, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã. Đồng chí Zơrâm Bôi, Đảng ủy viên, Trưởng ban Thương bình và xã hội xã. Đồng chí Bling Bloó, Đảng ủy viên, Xã đội trưởng. Đồng chí ALăng Chương, Đảng ủy viên, Chủ tịch UBMTTQVN xã. Đồng chí ALăng Mư, Đảng ủy viên, Bí thư Xã đoàn. Và, đồng chí Zơrâm Thanh Cao, đảng ủy viên.
Ngày 19 tháng 7 năm 1992, Đảng ủy xã lãnh đạo nhân dân xã cùng nhân dân toàn huyện tham gia bầu cử Quốc hội khóa IX. Huyện Hiên cùng các huyện Giằng, Phước Sơn, Đại hội và Hòa Vang thành một đơn vị bầu cử. Kết quả, trúng ba đại biểu Quốc hội khóa IX
Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 1992 – 1994, Đảng ủy đã lãnh đạo thực hiện các mặt công tác, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã đạt được những kết quả quan trọng:
Về kinh tế
Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, song nhờ sự giúp đỡ của các cấp các ngành, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 350 tấn, bằng 86% chỉ tiêu đề ra; bình quân lương thực đầu người đạt 165kg/người/năm. Nhân dân các thôn đã nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ hàng trăm ha rừng; trong đó diện tích rừng trồng trong các năm là 345 ha.
Chăn nuôi có bước phát triển khá, tổng đàn trâu bò trong toàn xã là 815 con, tăng 48,2%, trong đó đàn bò có 755 con; đàn heo có trên 3200 con. Tuy nhiên, trong chăn nuôi, vẫn chưa khắc phục tình trạng thả rông trâu bò, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Về văn hóa – xã hội
Giáo dục: Số trẻ trong độ tuổi ra lớp tăng so với năm 1992, cụ thể ở từng cấp học:
Mẫu giáo: năm học 1993 – 1994 có 75 trẻ, tăng 38,9% trẻ so với năm học 1992 – 1993.
Tiểu học: năm học 1993 – 1994 có 336 học sinh, tăng 41,2% so với năm học trước; tỉ lệ học sinh bỏ học giảm từ 16,6% năm học 1991 – 1992 xuống còn 2,7% trong năm học 1993 – 1994.
Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn chưa đạt so với mục tiêu đề ra: có 6/20 thôn không triển khai công tác giáo dục; chất lượng giáo dục còn thấp, tỉ lệ học sinh yếu, kém chiếm tới 27%; công tác xóa mù chữ được triển khai nhưng chưa thường xuyên; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi không ra lớp chiếm tới trên 55%.
Công tác văn hóa – thông tin: Có nhiều tiến bộ, nhất là trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, chính quyền và các đoàn thể vận động đồng bào tích cực tiếp thu các kiến thức liên quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xã liên tục cử vận động viên tham gia các giải thi đấu thể dục thể thao do huyện tổ chức và đều đạt thành tích tốt. Tuy nhiên, công tác văn hóa - thông tin còn có một số hạn chế như chưa tổ chức được các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân; các phong tục tập quán lạc hậu vẫn ăn sâu bám rễ trong đời sống của đồng bào, trong đó phổ biến là nạn tảo hôn, đòi của trong hôn nhân.
Công tác thương binh – xã hội được quan tâm, các ngành, các cấp thường xuyên động viên, thăm hỏi các gia đình chính sách, kịp thời cứu trợ cho các hộ đói, vận động nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo cho 53 trong tổng số 308 hộ nghèo của xã. Hàng năm, nhân dân tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa đạt chỉ tiêu trên giao.
Về quốc phòng - an ninh
Đảng ủy thường xuyên quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các Chỉ thị, Nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới; tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; thường xuyên kiểm tra và kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Đảng ủy đã lãnh đạo tổ chức cuộc họp với các già làng có uy tín trong nhân dân, thông qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ Đảng, Nhà nước; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các chỉ tiêu về gọi thanh niên nhập ngũ, huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu trên giao.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự và công an chưa thực sự chặt chẽ; một số mâu thuẫn trong nội bộ chậm được giải quyết đã gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung. Đảng ủy đã kịp thời chấn chỉnh, đồng thời nghiêm túc phê phán những biểu hiện tiêu cực.
Về công tác chính quyền, Mặt trận, đoàn thể
Hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; công tác điều hành, quản lý nhà nước trong nhiệm kỳ 1992 – 1994 có nhiều tiến bộ, phong cách làm việc từng bước được cải tiến, phương thức chỉ đạo, điều hành về quản lý kinh tế - xã hội bước đầu đạt hiệu quả; công tác quần chúng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, cán bộ, đảng viên tăng cường đi sâu, đi sát vào quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua việc tiếp xúc thường xuyên với nhân dân; việc giám sát của Hội đồng nhân dân được tăng cường.
Ngày 20 tháng 11 năm 1994, hòa chung trong không khí ngày hội của cử tri cả nước, cử tri xã hăng hái tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 1994 – 1999. Kết quả, đã bầu 21 vị vào Hội đồng nhân dân xã khóa VIII. Sau bầu cử, Hội đồng nhân dân xã đã bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, do đồng chí Bríu Danh - Bí thư Đảng ủy làm Chủ tịch; bầu các chức danh Ủy ban nhân dân xã, do đồng chí Jơđêl Bốc - Phó Bí thư Đảng ủy làm Chủ tịch.
Công tác Mặt trận, đoàn thể nhân dân được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VI. Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đúng quy định; bổ sung kịp thời cán bộ chủ chốt, góp phần tạo chuyển biến về chất trong hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.
Về công tác xây dựng Đảng
Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới đã có tác động đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy đã tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị theo tinh thần Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết 5, 7, 8 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là sau sự kiện Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Thông qua các đợt sinh hoạt đã nâng cao sức chiến đấu trong đội ngũ đảng viên và các tổ chức Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng.
Đảng bộ chỉ đạo các Chi ủy, Chi bộ tổ chức quán triệt đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, VII của Đảng và tinh thần các Nghị quyết liên quan của Trung ương, qua đó trang bị cho mỗi cán bộ, đảng viên những kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối để có những nhận thức đúng đắn về công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ đã tổ chức 2 Hội nghị và đề ra 2 Nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục và công tác quốc phòng an ninh.
Đối với công tác cán bộ, Đảng ủy chú trọng bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với năng lực, nhất là cán bộ trẻ có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để đảm đương công việc của địa phương. Trong giai đoạn 1992 – 1994, đã đề bạt mới 5 đồng chí vào vị trí trưởng, phó các ngành; 11 đồng chí vào vị trí trưởng thôn; cử đi đào tạo Trung cấp chính trị 2 đồng chí và quản lý Nhà nước ngắn hạn 4 đồng chí.
Đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ có 58 đảng viên; trong nhiệm kỳ đã kết nạp mới 6 đảng viên, đồng thời kỷ luật khai trừ 1 đảng viên do vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Đảng ủy tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII của Đảng về: nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và chương trình công tác thanh niên trong thời kỳ mới.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên, ngày 15 tháng 8 năm 1994, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 1994 - 1996 được tổ chức. Tham dự Đại hội có 57 đảng viên của 6 Chi bộ trong Đảng bộ. Về dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Huy Nhiệt, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và các Ban xây dựng Đảng của huyện Hiên.
Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 1992 – 1994; đánh giá những ưu, khuyết điểm trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cũng như các chỉ tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới:
Về ưu điểm: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã có bước tăng trưởng đáng kể; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm, trong đó chú trọng công tác bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, chuyên môn.
Những hạn chế, yếu kém cũng đã được Đại hội nêu ra: Tốc độ phát triển kinh tế còn chậm, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đói vẫn còn xảy ra; chưa ngăn chặn được nạn thả rông gia súc phá hoại sản xuất và nạn chặt phá rừng đầu nguồn. Những phong tục tập quán lạc hậu, có hại cho đời sống và sản xuất vẫn còn tồn tại, trong đó nạn tảo hôn và đòi của trong hôn nhân chưa được giải quyết dứt điểm; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vẫn chưa tạo thành phong trào và thu hút đông đảo nhân dân tham gia; việc vận động trẻ ra lớp chưa đạt yêu cầu; số trẻ trong độ tuổi không đến trường còn chiếm tỉ lệ cao; ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong cộng đồng chưa cao. Mặc dù an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, nhưng việc triển khai công tác đảm bảo trật tự xã hội vẫn chưa triệt để và thường xuyên; tình trạng say rượu, cờ bạc, gây rối trật tự còn xảy ra. Công tác xây dựng Đảng và kết nạp đảng viên mới chưa được các Chi bộ chú trọng; chưa xây dựng được các Chi bộ trong sạch vững mạnh; cán bộ cấp ủy có đồng chí còn nặng việc riêng mà chưa chú ý đến nhiệm vụ chung, chậm đổi mới trong công tác lãnh chỉ đạo, thậm chí có biểu hiện lơ là công tác, bảo thủ, nóng vội, lời nói không đi đôi với việc làm.
Các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu đến năm 1996:
- Tổng sản lương thực quy thóc đạt 462,38 tấn/năm; bình quân lương thực đầu người từ 275 – 290 kg/người/năm; thu nhập bình quân 400.000 đồng – 600.000 đồng/người/năm.
- Trồng mới 60 ha rừng tập trung và phân tán; thực hiện khoanh nuôi và bảo vệ diện tích rừng hiện có; ngăn chặn việc phá rừng làm rẫy.
- Tích cực vận động con em trong độ tuổi ra lớp; phấn đấu 6 người dân có 1 người đi học; thực hiện phổ cập giáo dục cấp I cho 40% dân số.
- Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; vận động không đẻ dày, giảm tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên xuống dưới 2,5%/năm.
- Phấn đấu giảm hộ nghèo trong toàn xã xuống dưới 30%.
- Thực hiện công tác định canh định cư, trong đó tập trung ổn định đời sống của 160 hộ dân tái định cư tại 6 thôn; đảm bảo các hộ tái định cư có nhà, có ruộng và có vườn.
- Hoàn thành công tác quân sự địa phương và 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ hàng năm.
Để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu trên, Đại hội tập trung thảo luận và đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tính tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VII, nhiệm kỳ 1994 - 1996 gồm 09 đồng chí . Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 3 đồng chí; đồng chí Bríu Danh, Huyện ủy viên, tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Zơrâm Bôi, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm công tác kiểm tra của Đảng ủy. Đồng chí Jơđêl Bốc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã.
Đại hội bầu đoàn đại biểu Đảng bộ xã tham dự Đại hội đại biểu huyện Hiên lần thứ XIV, gồm 5 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết. Đại biểu chính thực gồm: Jơđêl Bốc, Zơrâm Bôi, Bríu Prăm, ALăng Mư, Zơrâm Thanh Cao và ALăng Chương (dự khuyết).
Sau Đại hội, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng bộ cấp trên. Đến cuối nhiệm kỳ, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, nhiệm kỳ 1994 – 1996, đạt được những thành tựu quan trọng:
Về phát triển kinh tế
Nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng niên vụ 1995 – 1996 đạt 419 ha, trong đó 9 ha lúa nước mới được khai hoang và giao cho các hộ dân ở các thôn Kloò 1, Kloò 2, Đào, Bút Nhót, Brùa, A ram1 và Phú Mưa đưa vào sản xuất từ năm 1994; bắp gieo tỉa là 116 ang. Tổng sản lượng lương thực trong năm 1995 đạt 76.260 ang, trong đó:
Lúa ba trăng và nhe mùa thu được hơn 49.100 ang.
Lúa nước thu được hơn 8.300 ang.
Lúa cạn thu 2.560 ang.
Bắp thu được hơn 16.300 ang.
Để phát triển kinh tế hộ gia đình, Đảng ủy tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình VAC, kết hợp giữa công tác định canh định cư với tách hộ lập vườn. Trong năm 1994 – 1995, đã vận động được 30 gia đình ở các thôn Brùa và Bhơhôồng làm nhà tách hộ.
Chăn nuôi: Nhìn chung, chăn nuôi có bước phát triển so với trước, trung bình mỗi hộ có 1-2 con bò, trong đó bao gồm bò từ nguồn vay vốn xóa đói giảm nghèo và của Dự án 327; 120 con trâu; đàn heo đạt 2-3 con/hộ. Phong trào đào ao thả cá đã thu hút được 35 hộ gia đình tham gia, với diện tích ao thả nuôi trên 1000m2, cải thiện đáng kể cho bữa ăn hàng ngày của các gia đình trong xã.
Lâm nghiệp: Công tác trồng, bảo vệ và quản lý rừng được triển khai đều khắp các thôn, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. 168 hộ dân tại các thôn K8, K9, Bhơhôồng, Bút Nga, La Đàng và Bút Nhót đã nhận quản lý và bảo vệ 2973 ha rừng. Trong năm 1995, 40 hộ dân của các thôn Clò 2, Brùa, Clò 1 và Bhơhôồng đã trồng mới 106,6 ha rừng, trong đó chủ yếu là cây quế, vượt chỉ tiêu 40,6 ha.
- Công tác xây dựng cơ bản: Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy lãnh đạo đẩy mạnh công tác phát triển giao thông trên địa bàn các thôn và liên thôn; vận động nhân dân góp công phát dọn đường ĐT 104 từ cầu Sông Voi đến thôn K9; mở mới 4 km đường giao thông nông thôn từ thôn Bền đến thôn Zahá từ nguồn vốn hỗ trợ 20.000.000đ của Lâm trường Sông Kôn, nhân dân đóng góp gần 1000 ngày công. Cũng từ nguồn vốn đầu tư của Lâm trường, đã xây dựng 3 giếng nước ở các thôn Bhơhôồng, Sơn và Prăm với tổng kinh phí 6.000.000đ, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân.
Về xây dựng văn hóa và công tác xã hội
Lĩnh vực văn hóa – thông tin: Vẫn chưa tổ chức được các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong khi đó, các phong tục tập quán lạc hậu như nạn tảo hôn và đòi của (thách cưới) trong hôn nhân còn phổ biến trong đời sống của đồng bào Cơtu.
Trước thực trạng trên, tháng 10 năm 1995, kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân xã khóa VIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xóa bỏ phong tục gả con nhỏ và đòi của trong hôn nhân trên địa bàn xã. Nghị quyết nêu rõ, việc cưới xin trước đây theo phong tục tập quán của đồng bào thì từ nay, thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình, nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được phép kết hôn. Mục tiêu đến năm 2000 phải xóa bỏ nạn tảo hôn, đòi của.
Lĩnh vực y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được coi trọng. Được sự quan tâm của Trung tâm y tế huyện, năm 1995 Trạm y tế xã được nâng cấp; các chương trình như tiêm chủng mở rộng và phòng, chống các loại dịch bệnh được triển khai rộng khắp trong cộng đồng; một số bệnh như sốt rét, bướu cổ bước đầu được thanh toán; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được đông đảo người dân hưởng ứng, hàng năm có từ 50 - 60 người sử dụng các biện pháp tránh thai. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhất là đối với một xã miền núi có số dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong xã còn cao, với 160 em, chiếm gần 30%.
Lĩnh vực giáo dục: Trong năm học 1995 – 1996, đã huy động được trên 550 học sinh trong độ tuổi đến trường. Được sự quan tâm của các cấp các ngành và của Lâm trường, trường học nội trú với 10 phòng kiên cố đã được xây dựng tại trung tâm xã; một điểm trường mới khác cũng được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ việc học tập của học sinh các thôn Aram II, Zà Há và La Đàng; Trong các dịp hè, ngành giáo dục đã phối hợp với các ban, ngành liên quan của xã phát động phong trào xóa nạn mù chữ tại 6 thôn, huy động được 116 người tham gia. Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp mới chỉ đạt 60% (trong tổng số 904 em trong độ tuổi, chỉ có 553 em ra lớp); tình trạng bỏ học vẫn xảy ra phổ biến; công tác phổ cập giáo dục cấp I triển khai chậm và chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thương binh – xã hội: Tính đến tháng 12 năm 1995, đã cơ bản hoàn thành hồ sơ của các đối tượng chính sách, những người có công trong các cuộc kháng chiến đề nghị cấp trên xem xét, giải quyết.
Về quốc phòng – an ninh
Nhằm ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại công cuộc đổi mới đất nước của các thế lực thù địch, Đảng bộ xã thường xuyên quán triệt các Nghị quyết về công tác quốc phòng, an ninh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Trong năm 1995, các lực lượng chức năng đã tiến hành truy quét 6 đợt, xử lý 17 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Công tác quân sự địa phương và gọi thanh niên nhập ngũ luôn đạt 100% chỉ tiêu.
Hạn chế trong công tác an ninh, quân sự: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã vẫn có những diễn biến phức tạp. Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, rượu chè bê tha dẫn đến xô xát, đánh nhau gây mất trật tự, thậm chí gây thương tích vẫn thường xuyên xảy ra, với 16 vụ. Bên cạnh đó là nạn phá rừng, tranh chấp đất đai trong nhân dân vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số vụ việc khiếu nại của nhân dân chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận. Việc quản lý và thu hồi trang bị vũ khí chưa chặt chẽ, cấp phát chưa đúng đối tượng.
Lãnh đạo công tác chính quyền, Mặt trận, đoàn thể
So với nhiệm kỳ trước, hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; công tác điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của các cơ quan chức năng từng bước đi vào nề nếp; các kỳ họp của HĐND được tổ chức đúng định kỳ; việc lắng nghe và giải quyết các kiến nghị của cử tri được các ngành chú trọng.
Mặt trận và các đoàn thể phát huy tốt vai trò trong việc thúc đẩy các phong trào quần chúng; thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII.
Bên cạnh đó, một số Hội, đoàn thể còn hoạt động chưa hiệu quả như Đoàn thanh niên; công tác phát triển đoàn viên mới chưa được coi trọng, thậm chí còn bị xem nhẹ; chưa tập hợp được một bộ phận thanh niên tham gia tổ chức Đoàn, dẫn đến tình trạng rượu chè bê tha, gây mất trật tự ngày càng phổ biến.
Công tác xây dựng Đảng
Nhằm ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí trước đây từng giữ các chức vụ chủ chốt trong xã, nay về hưu nhưng các chế độ, phụ cấp quá thấp, việc giải quyết lại chưa công bằng đã dẫn đến sự bất mãn, thiếu nhiệt tình trong các công tác xã hội, Đảng bộ đã chỉ đạo các Chi bộ thường xuyên nắm bắt, đồng thời kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, cũng như đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực. Qua góp ý, phê bình, một số đảng viên đã nhận rõ khuyết điểm và phấn đấu khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Đảng ủy đã kiên quyết xử lý các đảng viên có sai phạm trong sinh hoạt cũng như vi phạm về phẩm chất đạo đức. Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức khai trừ Đảng đối với 2 đảng viên.
Về công tác tổ chức: Đã kiện toàn các Chi ủy và Chi bộ. Tách Chi bộ 1 thành 2 Chi bộ, đưa tổng số Chi bộ trong toàn Đảng bộ lên 6 với 57 đảng viên, trong đó có 3 đồng chí mới được kết nạp.
Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 1994 – 1996 mặc dù còn có những hạn chế, nhưng nó là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa 1996 – 2010.
III. NHƯNG THÀNH TỰU ĐỔI MỚI, TẠO BƯỚC CĂN BẢN TRONG THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1996 - 2000)
Căn cứ Chỉ thị 51- CT/TW, ngày 9 tháng 3 năm 1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổ chức Đại hội đại biểu các cấp; Chỉ thị số 02 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng và Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên về tổ chức Đại hội, ngày 20 tháng 1 năm 1996, tại Hội trường UBND xã, Đảng bộ xã tiến hành tổ chức Đại hội đảng viên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1996 – 2000. Tham dự Đại hội có 48 đảng viên thuộc 6 Chi bộ trong toàn Đảng bộ. Đại diện Ban Thường vụ và các Ban xây dựng Đảng của Huyện ủy Hiên về thăm dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội Đảng bộ xã lần này có nhiệm vụ kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 1994 -1999; lãnh đạo triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ huyện Hiên. Đại hội diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII, Quyết định số 72-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết 22-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng về phát triển kinh tế -xã hội đối với miền núi 1986 - 1989.
Trên cơ sở đánh giá kết quả, yếu kém và nguyên nhân, Đại hội đúc kết bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo nhiệm kỳ 1996 - 2000; bầu Ban Chấp hành khóa mới và bầu đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV.
Trong nhiệm kỳ 1994 - 1996, Đảng bộ xã đã lãnh đạo ổn định đời sống nhân dân, từng bước phát triển cây trồng, chăn nuôi. Tuy nhiên, do xã miền núi quá nghèo, xuất phát gần như không có gì, nên tình tình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng gần như chưa đầu tư. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa phát triển, còn mang tính tự phát, không xác định giống chủ lực, có hiệu quả kinh tế. Sản xuất chủ yếu còn dựa vào tự nhiên, năng suất bấp bênh. Một bộ phận nhân dân vẫn còn tình trạng thiếu ăn. Tỷ lệ đói nghèo chiếm khá cao. Các hủ tục và nếp sống lạc hậu còn phổ biến trong đời sống nhân dân,…
Đứng trước tình hình và thực trạng của địa phương, dưới sự chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp trên, Đại hội đã mạnh dạn và quyết tâm đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 1996– 2000 trên tinh thần đổi mới căn bản: “Tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhằm khắc phục khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng”.
Có thể đánh giá, đó là một mục tiêu có tính chất cách mạng, tạo bước nhận thức sâu rộng, huy động sức mạnh toàn dân trong giai đoạn mới. Đề thực hiện mục tiêu đó, cần các nhiệm vụ và chỉ tiêu trọng tâm sau:
- Triển khai các dự án về giao đất giao rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Hoàn thành giao đất giao rừng gắn với bảo vệ rừng; trồng mới 320 ha rừng tập trung và phân tán. Vận động nhân dân không phá rừng bừa bãi, không phát rừng đầu nguồn làm rẫy.
- Tích cực khai hoang diện tích trồng lúa nước tại những vùng có điều kiện, nhằm mở rộng diện tích gieo trồng. Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích lập vườn rừng, vườn nhà và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu lương thực bình quân đầu người đạt 280 - 300 kg/người/năm.
- Phấn đấu mỗi hộ nuôi từ 1-2 con bò và từ 2 - 4 con heo, nâng tổng đàn bò lên 700 – 800 con, đàn heo lên 1.500 con. Trong chăn nuôi, phải chú ý xây dựng chuồng trại và hạn chế việc thả rông gia súc; kịp thời phòng chống các loại dịch bệnh. Thực hiện công tác định canh định cư gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Thực hiện tốt chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, phấn đấu giảm tỉ lệ gia tăng dân số xuống dưới 2,1%/năm.
- Tích cực vận động con em trong độ tuổi ra lớp, Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đối với 70 – 80% trẻ trong độ tuổi và xóa nạn mù chữ cho 55 – 60% tổng số dân. Đề nghị tỉnh, huyện đầu tư xây dựng bếp ăn tập thể cho trường nội trú của xã và xây dựng các trường học liên thôn tại các thôn Kèn và Ngật.
- Từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu khỏi đời sống của đồng bào.
- Thực hiện xóa đói giảm nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người lên 1 - 1,2 triệu đồng/người/năm.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, từng bước tạo nhận thức và thói quen sống và làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật trong nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ hàng năm; tham gia huấn luyện dân quân tự vệ đầy đủ và đạt chất lượng. Các ngành công an, quân sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội, làm trong sạch địa bàn.
- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan giám sát; cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng một cách thường xuyên, kịp thời và đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Mặt trận và các đoàn thể tổ chức hoạt động với những nội dung thiết thực nhằm thu hút đông đảo quần chúng tham gia; vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đồng thời lãnh đạo triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến với đảng viên, cán bộ và nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lấy đó làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng, phân loại đảng viên hàng năm.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VIII, nhiệm kỳ 1996 - 2000, gồm 11 đồng chí. Trong phiên họp thứ Nhất, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 03 đồng chí; đồng chí Bríu Danh - Huyện ủy viên, được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Zơrâm Bôi, Phó Bí thư Đảng ủy và đồng chí Jơđêl Bốc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch UBND xã.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Hiên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996 - 2000 tổ chức vào các ngày từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 3 năm 1996, đồng chí Bríu Danh - Bí thư Đảng ủy xã được bầu lại vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hiên khóa XIV.
Tháng 7 năm 1996, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đánh giá 10 năm đổi mới (1986 - 1996) với những thành tựu cơ bản, cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sau thành công của Đại hội VIII của Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng và Huyện ủy huyện Hiên tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội. Đảng bộ và nhân dân xã Jơ Ngây vui mừng với thành công của Đại hội và tin tưởng vào đường lối đổi mới do Đảng ta lãnh đạo.
Ngày 1 tháng 1 năm 1997, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chính thuộc Trung ương: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Lúc này, Đảng bộ xã thuộc huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam. Nhân dân các dân tộc trong xã vui mừng, phấn khởi.
Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 2 tháng 4 năm 1997 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 268/TTg, ngày 26 tháng 4 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về bầu cử Quốc hội khóa X và bầu bổ sung đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1994 - 1999, từ ngày 17 đến 20 tháng 7 năm 1997, tiến hành bầu cử. Huyện Hiên cùng với Điện Bàn, Đại Lộc, Giằng, Phước Sơn thành Tổ bầu cử số 1. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam, huyện Hiên, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân tổ chức tham gia bầu cử, góp phần thành công, kết quả bầu được hai đại biểu Quốc hội khóa X .
Ngày 29 tháng 7 năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi do Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ban hành.
Ngày 18 tháng 8 năm 1997, Đảng bộ huyện Hiên tổ chức Đại hội tiến tói Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVII. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh sau khi tái lập tỉnh.
Trong hai năm 1997 - 1998, Đảng ủy tổ chức triển khai thực hiện nhiều Nghị quyết của Đảng cấp trên, như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Trung ương khóa VIII về chiến lược cán bộ trong thời kỳ CNH,HĐH; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh; Quyết định 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn vùng núi, vùng sâu, xa. Chỉ thị số 04-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng thôn, bản văn hóa, cơ quan văn hóa; Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển giao thông nông thôn đến năm 2000 - 2005; Nghị quyết Đại hội huyện Hiên tiến tới Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 1997 - 2000 của Đảng bộ Quảng Nam; Nghị quyết 04/NQ-HĐND, ngày 01 tháng 8 năm 1995 của Hội đồng Nhân dân huyện Hiên về xóa bỏ phong tục gả con nhỏ, đòi của.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, nhìn chung, trong suốt nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giữ vững anh ninh quốc phòng, tăng cường công tác xây dựng Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt như sau:
Về phát triển Kinh tế
Trận bão cuối năm 1998 và trận lũ lụt lịch sử cuối năm 1999 đã khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề; diện tích, năng suất và sản lượng giảm sút nghiêm trọng. Riêng trận lũ lụt lịch sử cuối năm 1999 tàn phá cây trồng, vật nuôi cũng như hệ thống các công trình thủy lợi. Lũ lụt làm chết hàng trăm con trâu, bò; gây bồi lấp, sạt lở hoặc cuốn trôi hàng chục ha đất nông nghiệp, hàng trăm mét kênh mương và đường giao thông liên thôn; 35 nhà dân bị hư hại. Sau lũ, tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đói xảy ra trong một bộ phận nhân dân. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xuất hiện, đặc biệt là bệnh lở mồm, long móng, dẫn đến sự giảm sút rõ rệt của đàn gia súc. Nếu như năm 1997, đàn trâu bò cùa xã có 766 con, năm 1998 tăng lên 964 con thì đến năm 2000 chỉ còn 307 con; đàn heo từ 1501 con giảm còn 520 con.
Trước tình hình trên, Đảng ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, trước mắt tập trung sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông liên thôn, liên xã, dọn dẹp ao vườn; động viên nhân dân vượt qua những khó khăn và thiệt hại do thiên tai gây ra, tích cực sản xuất nhằm đảm bảo diện tích gieo trồng, qua đó đã khắc phục được một phần những thiệt hại do bão lũ gây ra. Riêng vụ mùa 1999 – 2000, gieo tỉa được hơn 2.500 ang lúa giống các loại, trồng được gần 637.000 gốc sắn, tỉa trên 650 kg bắp.
Về lâm nghiệp, tính đến thời điểm chia tách (khoảng cuối năm 1999, đầu năn 2000), các hộ đã nhận bảo vệ và chăm sóc hơn 1000 ha rừng già, rừng đầu nguồn; đồng thời đẩy mạnh trồng các loại cây có giá trị như quế, kiền kiền, sao đen, dẻ, bời lời… Riêng năm 1997, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ, đã trồng 183 ha rừng.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 đã tiến hành xây dựng đường giao thông, xây dựng mới các phòng học, hệ thống cấp nước sạch tại các thôn, góp phần cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Về văn hóa – xã hội
Với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, mạng lưới trường lớp và trang thiết bị cần thiết cho việc dạy và học dần được đáp ứng. Từ năm 1997, trên địa bàn xã Jơ Ngây cơ bản đã xóa được nạn mù chữ và bước đầu phổ cập giáo dục Tiểu học, được huyện và tỉnh công nhận. Đặc biệt, từ năm học 1999 – 2000, Trường cấp THCS Lê Văn Tám được thành lập, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã và các xã Sông Kôn, ATing. Số học sinh đến lớp tăng dần qua các năm, trong đó năm học 1999 – 2000 là 620 em, tăng 14,5% so với năm 1996.
Đảng ủy luôn quan tâm phát triển công tác y tế, nhằm góp phần đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được thực hiện tốt, với tỉ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hàng năm từ 55 đến 60 người. Năm 1999, Ban Dân số xã được tỉnh công nhận là đơn vị xuất sắc trong thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Công tác thương binh – xã hội đảm bảo thực hiện các chế độ cho đối tượng chính sách đúng, đủ, chính xác và kịp thời. Đảng ủy đã chỉ đạo làm hồ sơ đề nghị giải quyết cho 150 đối tượng là thanh niên xung phong và 10 đối tượng thuộc diện neo đơn đề nghị các cấp giải quyết.
Sau khi chia tách, toàn xã có 90 trong tổng số 347 hộ được sử dụng điện từ điện lưới Quốc gia, chiếm chiếm dưới 26%; 23 hộ có ti vi; 182 hộ có Radio; 45 hộ có xe gắn máy. Số hộ đói nghèo giảm còn 34,6%.
Bên cạnh những thành tích đạt được, sản xuất và đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi lên như: tình trạng học sinh bỏ học; việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công trong hai cuộc kháng chiến vẫn còn những khó khăn, phức tạp; tỉ lệ hộ đói, nghèo còn cao. Đời sống văn hóa của nhân dân còn thấp kém. Các hủ tục như tảo hôn, đòi của vẫn còn xảy ra một vài nơi trong xã.
Có 452/496 hộ gia đình ký cam kết thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, không gả con nhỏ và đòi của.. Đến năm 1997, có 7 vụ vi phạm cam kết, trong đó có 3 trường hợp là cán bộ xã, thôn. Đảng ủy đã chỉ đạo xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm.
Củng cố quốc phòng – an ninh
Công tác quốc phòng, an ninh được triển khai, trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ đường lối quân sự của Đảng; tăng cường và củng cố lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị. Hàng năm, Đảng ủy ban hành các Nghị quyết lãnh đạo công tác quân sự địa phương và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhằm cụ thể hóa và triển khai các quan điểm, đường lối của Đảng bộ cấp trên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1996 – 2000. Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang; chỉ đạo tăng cường truy quét các đối tượng phá rừng và khai thác lâm, khoáng sản, săn bắn động vật hoang dã trái phép; kiểm tra tạm trú, tạm vắng nhằm phát hiện các đối tượng vi phạm. Qua kiểm tra, kiểm soát đã xử lý 70 vụ vi phạm trật tự, tịch thu 26m3 gỗ, xử lý 365 đối tượng cố ý không đăng ký tạm trú.
Công tác khám tuyển và gọi nhập ngũ hàng năm đạt 100%, không có trường hợp chống lệnh hay đào ngũ.
Công tác xây dựng Đảng
Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục, Đảng bộ thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng bộ cấp trên tới mỗi cán bộ, đảng viên. Qua học tập, cán bộ, đảng viên càng thêm tin tưởng vào sự thành công của công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, từ đó nâng cao vai trò và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên. Trong nhiệm kỳ, đã tiến hành xử lý kỷ luật 3 đảng viên, trong đó 1 trường hợp khai trừ Đảng do vi phạm Luật hôn nhân và gia đình; 2 trường hợp bị khiển trách do buông lỏng trong quản lý vũ khí.
Với những nỗ lực kể trên, trong các năm 1997 và 1999, Đảng bộ Jơ Ngây được Huyện ủy Hiên công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh; các năm 1996 và 1998 được xếp loại Khá.
IV. TÁI LẬP XÃ JƠ NGÂY, LÃNH ĐẠO ỔN ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CUỐI NĂM 1999.
Địa phận xã Jơ Ngây lúc bấy giờ thuộc Sông Kôn, là một xã thuộc vùng trung của huyện Hiên, có diện tích tự nhiên hơn 135 km2, với 20 thôn; điều kiện đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão do địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và các dòng sông, dòng suối. Từ trung tâm xã tới các thôn làng rất xa xôi, dẫn đến những hạn chế trọng hoạt động của cán bộ thôn, xã. Do đó, việc chia tách xã nhận được sự đồng tình, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thể theo nguyện vọng của cử tri về việc chia tách xã Sông Kôn, ngày 13 tháng 9 năm 1997, tại kỳ họp thứ 7 - Hội đồng nhân dân xã khóa VIII, nhiệm kỳ 1994 - 1999 đã ra quyết nghị đề nghị các cấp, các ngành liên quan xem xét, tách Sông Kôn thành hai xã.
Từ đó, trên cơ sở các văn bản của huyện, tỉnh Quảng Nam, ngày 16 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/1999/NĐ-CP việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập một số xã, phường của tỉnh Quảng Nam, trong đó xã Sông Kôn được chia thành hai đơn vị hành chính là Jơ Ngây và Sông Kôn. Lúc này, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là lãnh đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể theo chỉ đạo của các cấp.
Ngày 30 tháng 8 năm 1999, Lễ chia tách xã Sông Kôn thành hai đơn vị hành chính đã được tổ chức. Sau khi chia tách, xã Jơ Ngây có vị trí: phía Nam giáp xã Kà Dăng, phía Tây giáp xã Tà Lu, phía Đông giáp xã A Ting và phía Bắc giáp xã Sông Kôn tại ngã ba Thượng Đức; tổng diện tích tự nhiên là 5.574 ha, dân số 1.750 người, gồm 10 thôn: Pruôh (Brùa), Cloò 2, Sông Voi, Aram 1, Zà Há, Pahoó (Phú Mưa), Kèng, Chơ chong (Ngật), Pangui (Aram 2) và La Đàng.
Xã Sông Kôn còn lại diện tích 7.926 ha với 10 thôn, số dân là 1750 người. Phía Bắc giáp huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp xã Jơ Ngây; phía Tây giáp xã Tà Lu và phía Nam giáp xã Jơ Ngây và Za Hung. Diện tích tự nhiên của xã Sông Kôn là 79,26 km2, với 11 thôn: K8, K9, Bhơhôồng 2, Bhơhôồng 1, Bút Nga, Đào, Bút Nhót, Cloò, Bền, Bút Sơn và Bút Tưa.
Ngày 25 tháng 8 năm 1999, UBND huyện Hiên ra Quyết định số 235/QĐ-UBND về việc thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời xã Jơ Ngây, đồng chí Jơđêl Bốc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sông Kôn được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời xã Jơ Ngây. Lúc này, Ủy ban nhân dân lâm thời xã Sông Kôn do đồng chí Bríu Thiện làm Quyền Chủ tịch.
Trước khi chia tách, tổng số đảng viên của Đảng bộ Sông Kôn có 63 đồng chí. Sau khi chia tách, số đảng viên của Chi bộ xã Jơ Ngây khi đó có 20 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiên quyết định thành lập Chi ủy lâm thời xã Jơ Ngây gồm 5 đồng chí , đồng chí Alăng Mư- Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (cũ) được cử làm Bí thư. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 3 tháng 12 năm 1999, trong phiên họp thứ Hai, Chi bộ đã bầu đồng chí ZơRâm Thanh Cao - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã làm Phó Bí thư.
Lúc này, cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể làm việc tạm tại nhà đồng chí ZơRâm Thanh Cao tại thôn Clòo, xã Jơ Ngây.
Việc tái lập xã Jơ Ngây là sự kiện có tính lịch sử của Đảng và nhân dân Jơ Ngây và Sông Kôn; là mốc son trong quá trinh xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân xã Jơ Ngây. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của hai xã anh em thi đua phấn đấu và giúp đỡ nhau trong xây dựng, phát triển quê hương. Lực lượng cán bộ hai xã có điều kiện gần gũi đồng bào, vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất và ổn định cuộc sống.
Cũng trong năm này, vào ngày 14 và 28 tháng 11 năm 1999, cử tri toàn huyện Hiên, trong đó có cử tri xã Jơ Ngây tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy thời tiết không thuận lợi, mưa to, nhưng nhân dân phấn khởi đi bầu cử thành công. Bầu cử Hội đồng Nhân dân lần này, diễn ra trong bối cảnh xã vừa mới thành lập, có nhiều ý nghĩa trong kiện toàn, xây dựng chính quyền từ thôn đến xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Hội đồng Nhân dân xã gồm 19 đại biểu. Tháng 12 năm 1999, Hội đồng Nhân dân xã đã họp và bầu Ông A Lăng Mư - Bí thư Chi bộ xã làm Chủ tịch HĐND xã, bầu đồng chí ATing Yên làm Phó Chủ tịch HĐND xã; bầu đồng chí Jơ Đêl Bốc làm Chủ tịch UBND xã và Ông Ra Pát Ngứp làm Phó Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây.
Các tổ chức đoàn thể được kiện toàn, đồng chí A Lăng Chương được bầu làm Chủ tịch UBMTTQVN xã, đồng chí ZơRâm Thị Nhớih làm Chủ tịch Hội LHPNVN xã, đồng chí A Lăng Hê làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã do đồng chí ATing Yên - Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm nhiệm.
Sau khi hoàn thành xong bầu cử và cử các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã, Chi bộ xã Jơ Ngây đã tập trung toàn bộ lực lượng, lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả của đợt mưa kéo dài trong tháng 11 năm 1999. Những gia đình khó khăn đều được chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ. Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện, xã, đời sống nhân dân sớm ổn định.
Năm 1999, cũng là năm Chi bộ xã Jơ Ngây triển khai tổ chức thực hiện thành công cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng” theo tình thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Huyện ủy.
Cuối năm 1999 đầu năm 2000, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian mới tái lập xã, Chi ủy lâm thời tập trung lãnh đạo chuẩn bị Đại hội Chi bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2000 - 2005.
Tháng 6 năm 2000, sau thời gian làm việc tạm tại nhà đồng chí ZơRâm Thanh Cao, cơ quan của Chi bộ, chính quyền và Mặt trân, đoàn thể chuyển lên làm việc tại trụ sở mới
Năm 2000 là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, Chị bộ xã Jơ Ngây tiến hành các hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhằm góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết toàn dân, thi đua lao động sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Sông Kôn (trước tháng 8 năm 1999) và Chi bộ xã Jơ Ngây (sau tháng 8 năm 1999) trong giai đoạn 1996 - 2000.
*
* *
Giai đoạn từ 1986 - 1999, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc, Đảng ta đã vượt qua khó khăn, hạn chế, yếu kém của 10 năm xây dựng đất nước sau thống nhất, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đối với tỉnh, tái lập tỉnh Quảng Nam. Đối với địa phương, tái lập xã với những thuận lợi và những khó khăn ban đầu.
Trước tình hình đó, bám sát các chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo của Huyện ủy huyện Hiên, Đảng bộ xã không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế địa phương, vươn lên dành nhiều thành tích cơ bản, hoàn thành mục tiêu của hơn 10 năm đổi mới. Kinh tế đã chuyển dần sang lâm - nông nghiệp, phát triển chăn nuôi và hình thành kinh tế thương mại. Các giá trị văn hóa không ngừng được bảo tồn, phát huy; loại bỏ hẳn các hủ tục lạc hậu. Công tác xây dựng Đảng không ngừng lớn mạnh, đội ngũ cán bộ được tham gia đào tạo. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày càng lớn mạnh. Mặt trận, đoàn thể và nhân dân luôn tăng cường đoàn kết, đoàn kết Kinh - Cơtu luôn được củng cố. Việc tái lập xã, tạo ra khí thế mới trong nhân dân.
Những kết quả đó quyết định đến quá trình lãnh đạo trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH; nhất là triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới và phát triển khu trung tâm vùng trên địa bàn xã.