Ca nhạc

Thời kỳ (1950 - 2015)

Jơ Ngây là xã thuộc huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam; nằm sườn Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ; giữa cung đường huyết mạch Quốc lộ 14G, từ Thành phố Đà Nẵng lên gặp đường Trường Sơn, tại thị trấn huyện lỵ Prao - Đông Giang. Đây là nơi sinh sống lâu đời, chủ yếu của đồng bào Cơtu. Trải qua chiều dài lịch sử, đồng bào Cơtu sáng tạo, lưu giữ và không ngừng phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đại ngàn: cần cù, chất phát, hiền lành, giàu tình yêu quê hương, bản làng và tinh thần thượng võ, tính cộng đồng cao, đoàn kết một lòng theo cách mạng, Đảng và Bác Hồ.

Những năm đầu Thế kỳ XX, dưới chế độ thực dân phong kiến, đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây đoàn kết, giữ bản, giữ làng, chống lại các thế lực bên ngoài. Phát huy truyền thống, đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây cùng chung với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bến Hiên và miền Tây tỉnh Quảng Nam liên tục đứng lên chống lại kẻ thù. Nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam đã nổ ra quyết liệt, dưới nhiều hình thức chống Pháp bắt đi xâu.

Thời kỳ kháng chiến thống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây tham gia đi tước vũ khí lính bảo an ở đồn Bến Hiên, dành chính quyền; phấn khởi và vui mừng tham gia biểu tình lớn, biểu dương tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Cơtu, chào mừng thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám - 1945, đón ngày độc lập của đất nước. Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập Phòng dân tộc thiểu số Hiên - Giằng, đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây theo Đảng, Bác Hồ tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết với người Kinh làm cách mạng và tham gia kháng chiến; xây dựng chính quyền cách mạng. Xóa bỏ hận thù giữa các dân tộc, tiến tới xóa bỏ tục “Đầu tôi”, “Trả đầu” và nạn “Giặc mùa”; xây dựng làng “ba sạch”, phong trào “đau uống thuốc”, “ăn cơm bằng chén đũa”. Giải quyết nạn đói, đau, lạt muối. Tham gia bảo vệ đường dây liên lạc Quảng Nam - Thừa Thiên. Có công chở che, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội; góp gần 5.000 ngày công phục vụ chiến đấu và chiến trường; cùng cả tỉnh, cả nước giành thắng lợi hoàn toàn.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây theo cách mạng, giữ vững căn cứ địa miền núi, căn cứ Khu V, bảo vệ cán bộ, chống địch càn chiếm. Chi bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng nhiều hành thức, như: không cho địch đóng đồn bốt trên địa bàn, không đi lính và làm tay sai cho địch; chống bọn thương lái tay sai của địch tuyên truyền nói xấu cách mạng; chống các thủ đoạn xâm nhập, khủng bố của địch, sử dụng phong tục tập quán kết hợp hệ thống cạm bẫy, chông thò... hù dọa, xua đuổi, tiêu diệt bọn tay sai, địch càn quét. Trải qua các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, Chi bộ lãnh đạo đồng bào Cơtu xã Jơ Ngây chi viện tiền tuyến, góp phần hoàn thành cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Trong thời gian sau ngày giải phóng, Đảng bộ lãnh đạo đồng bào Cơtu khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân; củng cố chính quyền; đảm bảo an ninh chính trị và bước đầu thực hiện được một số nhiệm vụ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (1975 - 1985).

Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ xã Jơ Ngây lãnh đạo đồng bào Cơtu xây dựng, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi tái lập xã, trên tinh thần “Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, thực hiện hoàn thành xã nông thôn mới, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tạo tiền đề để hình thành thị tứ Sông Voi vào năm 2020’’, Đảng bộ lãnh đạo đạt được nhiều thành tựu đột phá sau 40 năm giải phóng quê hương. Số lượng đảng viên tăng gấp 6 lần so với năm đấu tái lập xã. Kinh tế chuyển dịch từ thuần nông lạc hậu sang cơ cấu nông lâm - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản (giá CĐ 94), tăng bình quân 4,5%. Trung tâm xã có điện đường chiếu sáng và 100% số hộ sử dụng điện. 100% thôn có công trình nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, Gươl. Xây dựng kết cấu hạ tầng, sắp xếp dân cư, tạo tiền đề hình thành thị tứ Sông Voi. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ xã Hiên Đươm (Cramlo) - tiền thân ban đầu, qua nhiều lần chia tách, sát nhập, đổi tên: xã Zngêi, xã Đhrêi, xã Sông Kôn và hiện nay là xã Jơ Ngây.

Trải qua 65 năm thành lập và phát triển xã Jơ Ngây, dù nhiều lần thay đổi tên, địa giới hành chính, nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Đông Giang, Đảng bộ xã Jơ Ngây không ngừng lớn mạnh, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần thượng võ, đoàn kết, bất khuất của đồng bào Cơtu, đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới và hiệu quả, đạt nhiều thành tựu có ỹ nghĩa lịch sử.

Từ thực tiễn lãnh đạo sinh động, với những thành công và hạn chế được đúc kết trong 65 năm qua, Đảng bộ xã Jơ Ngây rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, có mối quan hệ biện chứng với nhau, như sau:

Thứ nhất, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng quê hương, tinh thần thượng võ; nêu cao tính tự lực, tự cường của đồng bào Cơtu. Đây là bài học nền tảng, cơ bản cho công tác lãnh đạo của Đảng.

Sinh thời, Bác Hồ nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"[1]. Đánh giá cô đọng, súc tích và mạnh mẽ nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc ta.

Do điều kiện sinh sống cách biệt, cô lập trong núi rừng, như bao dân tộc khác, tinh thần yêu nước của đồng bào Cơtu, trước hết là bản làng và tộc người. Họ đấu tranh, phản kháng lại bất cứ ai xâm nhập cuộc sống của họ, Đó là nguồn gốc sinh ra nhiều hủ tục lạc hậu, có hủ tục man rợ “Trả đầu”. Khi lãnh đạo đồng bào Cơtu, Đảng ta, mà cụ thể là Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng bộ huyện Đông Giang, Đảng bộ xã Jơ Ngây luôn sâu sát đồng bào, “Cơtu hóa”, cùng ăn, cùng ở, để tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần thượng võ, cố kết cộng đồng, truyền thống yêu nước, bản làng, đứng lên theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng. chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và mọi thế lực phản động.

Tự lực, tự cường không có nghĩa là không cần đến sự giúp đỡ lẫn nhau trong kháng chiến và xây dựng cuộc sống mới. Tự lực, tự cường là nền tảng, để tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương và cấp trên. Trong kháng chiến, đồng bào giúp nhau những lúc dời dân khi địch càn, lúc ốm đau, lạc muối,...Trong xây dựng quê hương, tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư của Chính phủ, tỉnh, huyện; nhất là đầu tư về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao dân trí và an sinh xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”[2]

Từ bài học đó, Đảng bộ vận động ổn định cuộc sống; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống mới; áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống;... thực hiện mục tiêu phát triển quê hương. Truyền thống yêu nước, cách mạng, tự lực, tự cường là nền tảng, sức mạnh và là mảnh đất tốt để bén rể, tranh thủ ủng hộ, đầu tư và giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức và địa phương,.. thực hiện thành công nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, song cũng với bài học về lòng yêu nước, là bài học về xây dựng và chăm lo tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết Cơtu - Kinh, mở rộng dân chủ nhân dân, lấy dân làm gốc.

          Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta  không ngừng củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. Khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, chúng dùng mọi âm mưu thâm độc hòng đạt được mưu đồ “chia để trị”, hòng phá vỡ truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết Cơtu - Kinh.

Trong lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ xã Jơ Ngây luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết Cơtu - Kinh. Tối ngày 25 tháng 8 năm 1945, cuộc liên hoan đoàn kết được tổ chức tại cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc. Nhiều đồng bào Kinh đến chung vui và thăm hỏi đoàn biểu tình. Đồng chí Trần Hồng Chu, đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Đại Lộc đến dự và phát biểu ý kiến: “Đồng bào Kinh cũng như đồng bào Thượng đều có chung một nỗi khổ, cùng nhau chịu ách áp bức của giặc Pháp, giặc Nhật như nhau, cho nên đồng bào ta phải đoàn kết, sống chết có nhau, cùng nhau đánh giặc, giữ gìn độc lập tự do[3]. Trong thời kỳ đổi mới, kết nghĩa với Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam

Tinh thần đoàn kết Cơtu - Kinh, đoàn kết dân tộc Cơtu luôn được giữ vững và phát huy, cội nguồn sức mạnh, dành nhiều thắng lợi. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là lực lượng vô địch, lực lượng đoàn kết đã giúp cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi, lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ trong cả nước”[4]

          Cùng với đoàn kết dân tộc, đoàn kết Cơtu - Kinh, Đảng bộ xã Jơ Ngây luôn giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đó là “truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”[5]. Chính nhờ đoàn kết trong Đảng, mà Đảng bộ đã tập hợp được sức mạnh toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Bài học về đoàn kết là bài học bất di bất dịch của cách mạng, cũng là bài học huy động sức mạnh nhân dân, để Đảng bộ phát huy trí tuệ, tâm huyết nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng Jơ Ngây thành xã nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. Đảng bộ phải luôn thấm nhuần “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đổi mới và mở rộng dân chủ trong nhân dân, phát huy trí tuệ nhân dân, học hỏi nhân dân để lãnh đạo nhân dân..

Bác Hồ viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”[6].

Thứ ba, nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.

Jơ Ngây là địa bàn miền núi khó khăn, nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Cơtu trình độ dân trí thấp, sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, tỷ lệ nghèo quá cao; kết cấu hạ tầng nghèo nàn; còn nhiều hủ tục lạc hậu và tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Từ khi thành lập, đặc biệt là sau hơn 15 năm thành lập xã, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), Đảng bộ Quảng Nam và Đảng bộ Đông Giang, Đảng bộ xã Jơ Ngây luôn nắm bắt rõ đặc điểm, tình hình thực tế địa phương qua các thời kỳ, chủ động và sáng tạo đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực, cụ thể. Trong từng thời kỳ cách mạng, biết chọn các vấn đề trọng tâm, thiết yếu và có tác dụng lan tỏa trong nhân dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và giành thắng lợi trên các lĩnh vực.

Từ chủ động, sáng tạo đó, mà kinh tế - xã hội của xã thay đổi căn bản, mang tính đột phá. Nông nghiệp lạc hậu, sống tự cung tự cấp, dựa vào rừng đã chuyển thành cơ cấu nông lâm nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp. Từ lối sống khu trú bản làng, biệt lập với bên ngoài, đồng bào Cơtu đã vững vàng bước ra bên ngoài, tiếp cận thế giới hiện đại, với đầy đủ hệ thống phát thanh - truyền hình, di động và giao thông nông thôn đến với các thôn, bản. Từ tập tục sản xuất lạc hậu, đồng bào Cơtu đã áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất và đời sống. Từ bệnh tật, ốm đau theo quan niệm “đứa con của Giàng, Giàng bắt đi” đã được y tế chăm sóc sức khỏe an toàn. Từ các hủ tục man rợ,…đã chuyển sang sống vì cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng. Từ trình độ dân trí thấp, Đảng bộ đã đề ra chủ trương  xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức, văn học nghệ thuật,…Đây là tư duy đổi mới, đột phá của Đảng bộ.

Từ đó, Đảng bộ xây dựng Đề án phát triển nông thôn mới, xây dựng khu thị tứ Sông Voi. Vận động nhân dân làm những mô hình thủy lợi nhỏ phục vụ gia đình, thôn, bản đến những công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng Đề án phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ngoài thế mạnh của địa phương như sắn, còn đa dạng các giống mới, như cây song mây, cây keo, cây bòon, boon, nuôi dê, nuôi heo rừng, nuôi cá nước ngọt,...Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức. Xây dựng Gươl - “linh hồn” Làng đạt kết quả ngoài mong đợi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, xây dựng cuộc sống mới.

Ngày nay, trên quê hương Jơ Ngây ngập tràn sức sống mới. Đường Quốc lộ 14G, thủy điện Sông Voi, trường học, trạm y tế, cơ quan hành chính thay đổi hàng ngày. Đó là cả quá trình kiện định, kiên trì lâu dài, không nhụt chí, không sợ gian khổ, hy sinh… mà Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong suốt quá trình thành lập, xây dựng xã đi đến thành công.

Đổi mới, chủ động, sáng tạo là bài học về tư duy lãnh đạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác phát triển.

Thứ tư, xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh, hiệu quả, hiệu lực đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.

Giành chính quyền đã khó. Xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng kiểu mới, chính quyền nhà nước thật sự là công bộc của dân, phục vụ dân là việc còn khó hơn. Sau khi giành độc lập, Bác Hồ khẳng định: "nước ta là nước dân chủ, bao nhiều quyền hạn đều của dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân...nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"; “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thị độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Trong công cuộc đổi mới, Đảng lãnh đạo xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Quán triệt quan điểm đó, ngay từ buổi đầu thành lập xã, dưới sự chỉ đạo của Phòng dân tộc thiểu số, Ban Cán sự miền Tây của Tỉnh ủy Quảng Nam, chỉ đạo của Huyện ủy huyện Hiên, chính quyền cách mạng của xã được thành lập. Trải qua hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đầu sau giải phóng, mặc dù được sát nhập, chia tách khác nhau, nhưng chính quyền xã Jơ Ngây luôn bám sát nhân dân, vận động nhân dân theo Đàng, Bác Hồ. Đối với đồng bào dân tộc, thì đó là thành công lớn.

Sau ngày quê hương giải phóng (1975), đặc biệt là sau khi tái lập xã (1999), Đảng ủy luôn tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền của nhân dân từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền và chính quyền thôn; bố trí cán bộ trong bộ máy chính quyền, kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, bảo đảm cho chính quyền phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực hiện đúng đắn đường lối của Đảng, lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân.

Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã, Ban Quản trị thôn không ngừng kiện toàn, đổi mới và thiết thực. Định kỳ hàng năm, nhiệm kỳ, Đảng ủy luôn bám sát, chỉ đạo cụ thể các hoạt động của cơ quan chính quyền, nhất là các chứ danh chủ chốt. Trải qua nhiều kỳ hoạt động, đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng Nhân dân. Lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính để chính quyền và bộ máy hành chính thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tập trung nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ công chức, cải cách hành chính là những vấn đề bức thiết hiện nay. Mở rộng hình thức dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân vào xây dựng chính quyền.

Thứ năm, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; thường xuyên chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, kiểm tra Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đảm bảo yêu cầu, có đạo đức trong sáng, tận tụy với nhân dân, tâm huyết với phát triển quê hương.

Các bài học trên đây đều để thể hiện nổi bật sự lãnh đạo của Đảng bộ xã. Hay nói cách khác, bài học về xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đoàn kết, thống nhất là nguyên nhân và cũng là kết quả của các bài học trên. Quá trình lãnh đạo, Đảng bộ thường xuyên chỉnh đốn Đảng, không ngừng tự đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, luôn luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên. Bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ phải kiên định mục tiêu lý tưởng, bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng bộ trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ coi trọng nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Coi trọng nghiên cứu lý luận, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nâng cao tầm tư duy, chiến lược, nắm bắt và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, khắc phục biểu hiện giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Chú trọng tổng kết thực tiễn lãnh đạo của Đảng bộ.

Sau khi thành lập xã, Đảng bộ lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất trong Đảng; tự phê bình và phê bình những sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng bộ tiến hành các cuộc kiểm điểm đảng viên, kể cả khai trừ Đảng. Luôn luôn thực hiện tốt lời Di chúc của Bác “cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí, những người cộng sản liên kết chặt chẽ với nhau để “một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng bộ luôn quan tâm triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến tận nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém…”[7]. Chăm lo công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, sắp xếp, sử dụng cán bộ; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Có chính sách thu hút trí tuệ, chất xám hiệu quả.

Từ khi thành lập Đảng bộ, đặc biệt là sau hơn 15 năm tái lập, thực hiện đường lối đổi mới, “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Jơ Ngây đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, chủ động sáng tạo, tập trung trí tuệ và vật lực, tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện, các tổ chức trong và ngoài nước; sự động viên, chia xẻ của các xã bạn;...đã tạo nên những bước chuyển tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Chất lượng cuộc sống nhân dân nâng cao”[8] .

Đứng trước cơ hội mới, Đảng bộ xác định: “Phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, thực hiện hoàn thành xã Nông thôn mới, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tạo tiền đề để hình thành thị tứ Sông Voi vào năm 2020’’[9], góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển quê hương Jơ Ngây của đồng bào Cơtu giàu đẹp, văn minh.



[1]  Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội 1995, tr 171.

[2] “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 2 (1924-1930), Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2000;  “Đường cách mệnh”- Tài liệu học tập của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2012 về thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”.

[3] Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Giang (1945 - 20005), sđd - Hà Nội 2010, t. 36 – 39.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, sđd, trang 40

[5] Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

[6]Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 8, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 276.

[7]  Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tr.273.

[8] Diễn văn Kỷ niệm 15 năm tái lập của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã Jơ Ngây

[9] Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Jơ Ngây lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập