Ca nhạc

Định hướng phát triển


VÀI NÉT VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
Trong hai cuộc kháng chiến cho đến hôm nay, đồng bào Kinh - Cơtu luôn đoàn kết, có mối quan hệ mật thiết với nhau, tôn trọng nét văn hóa của nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương.
Trước năm 1945, tổ chức xã hội và đời sống của đồng bào Cơtu mang đậm nét của xã hội nguyên thủy. Tổ chức xã hội duy nhất, đơn giản nhất, nhưng có tính cố kết cao là làng (Canoon, Bhươh). Làng là mái nhà chung, được xây dựng quần tụ ở nơi thuận lợi, là nơi sinh sống, đơn vị hành chính tự quản theo luật lệ, phong tục tập quán. Mỗi làng đều được xác định ranh giới bằng ngọn núi, tảng đá, con sông, con suối, vị trí cây cối. Đất đai, núi rừng, sông suối là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của làng. Mỗi làng đều có công trình công cộng như nghĩa địa, nguồn nước. Mối quan hệ xã hội, kể cả quan hệ gia đình trong cộng đồng làng đều được ràng buột bởi các luật tục, trong đó vai trò của già làng (Tacol Bhươh) rất quan trọng. ...Cũng như đồng bào trong huyện, người Cơtu xã Jơ Ngây có các họ tiêu biểu: ALăng, ARất, Bhriu, CLâu, PơLoong, ZơRâm, Ra Pát, Zơ Râm, Ating, JơĐêl, Bhling, Bhnướch, Pơ Loong,…
Cộng đồng làng cùng nhau xây dựng Gươl (nhà làng) như là thiết chế chính trị, văn hóa để quản lý, cố kết cộng đồng và là nơi sáng tạo, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa của mình.
Gươl là “linh hồn làng”, nơi để Hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng; nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-Ngoót);... Gươl là nơi để những thanh niên Cơtu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Theo quan niệm của người Cơtu, Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Trong Gươl, mọi người luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Gươl của người Cơtu là cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng .
Trong lịch sử, truyền thống canh tác của đồng bào Cơtu là làm rẫy, săn bắt, chăn nuôi và làm nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm. Canh tác rẫy của người Cơtu theo lối luân canh và đa canh. Hiện nay, cùng với việc canh tác cũ, đồng bào đã đa dạng hóa các ngành nghề sinh sống, như: trồng cây, kinh tế vườn, kinh tế rừng, làm lúa nước, phát triển mạnh chăn nuôi lợn, dê, gà, ngan, nuôi cá nước ngọt, làm ăn buôn bán,...Từ những năm 60 của Thế kỷ XX, đồng bào Cơtu đã biết trồng cây lúa Ba Trăng trên rẫy, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, chỉ nuôi trâu và rất được coi trọng; ngày nay, đồng bào Cơtu phát triển mạnh thêm nuôi bò. Gia súc, gia cầm được chăn nuôi nhiều, dùng để hiến sinh trong các lễ hội, lễ vật cưới xin;...
Cũng như đồng bào dân tộc khác, đồng bào Cơtu rất giỏi săn bắn và luôn coi trọng việc săn bắn góp phần bảo vệ mùa màng, cung cấp thêm nguồn thực phẩm đáng kể, đáp ứng nhu cầu lễ hội và phong tục, tập quán của làng. Thành quả săn bắn được cả làng cùng hưởng. Từ bao đời, đồng bào Cơtu luôn xem chiếc nỏ (pa'nanh) là vật dụng linh thiêng, lưu giữ nhiều giá trị tinh thần, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông Cơtu, không thể thiếu trong hoạt động săn bắt thú rừng, bảo vệ làng bản, mà còn là thứ vũ khí giữ đất, giữ làng, chống giặc ngoại xâm. 
Người Cơtu quan niệm cho rằng, bất kỳ đàn ông nào trong làng không biết sử dụng nỏ (pa'nanh) thì coi như chưa trưởng thành, những người bắn ná giỏi nhất rất được kính trọng. Ngày nay, đồng bào Cơtu dù đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhưng chiếc ná vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Hằng năm, đồng bào Cơtu còn tổ chức các lễ hội ăn mừng lúa mới, tổ chức khánh thành Gươl mới của làng... Qua đó, thường lồng các hoạt động như: thi bắn ná, thi chế tác ná để con cháu về sau hiểu hơn về nét văn hóa này.
Ngoài săn bắn, đồng bào Cơtu còn bắt cá để cải thiện bửa ăn và làm lễ vật, thức ăn trong cưới xin, lễ hội. Đặc sản cá của đồng bào Cơtu là cá Liêng, cá Chình. Bên cạnh đó, họ còn đi hái lượm các sản phẩm từ rừng núi để làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh,...Họ dùng nước thân cây để làm rượu  đặc sản, như: rượu Tà-vạc. Rượu cần làm từ bắp, sắn, gạo.
Đồng bào Cơtu có nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau, như: dệt chiếu, dệt vải thổ cẩm, nhưng đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời nhất, do có rất nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo khác. Đan lát có rất nhiều vật dụng khác nhau, như: gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm, gùi có nắp, gùi trẻ em gái Cơtu, gùi đựng vật dụng trong các lễ hội truyền thống, gùi đựng lúa ở nhà... và các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt khác, gồm: nia sẩy lúa, nong phơi lúa, gùi ba ngăn của đàn ông Cơtu, mâm ăn cơm các loại, mâm dùng để đựng đồ cúng trong các lễ hội truyền thống, rồi rổ đựng cơm hoặc đựng rau, v.v. phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như vận chuyển và săn bắn, hái lượm của mình.
Riêng Tà lók (gùi ba ngăn của đàn ông Cơtu), gùi đựng đồ dùng trang sức và thổ cẩm thì được đan nan long mốt kết hợp kỹ thuật đan tinh xảo với nguyên liệu chủ yếu là dây mây, tạo cho sản phẩm có nét riêng phụ thuộc vào khả năng sáng tạo cũng như trình độ tay nghề của mỗi nghệ nhân. Hai loại gùi này đan rất công phu và có độ bền rất cao, chỉ dùng làm quà biếu cho khách quý, tặng sui gia và đôi khi còn là vật sính lễ...
Ngoài các sản phẩm trên, để phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, người Cơtu còn đan lờ để bắt cá, đan bẫy sò để bắt chuột, sóc... Kỹ thuật đan các loại sản phẩm này đơn giản theo lối long mốt, ai ai cũng đan được
Dệt thổ cẩm là của phụ nữ Cơtu. Đây là sản phẩm đặc sắc, đa dạng về màu sắc, hoa văn, kiểu y phục, dùng làm khố, chăn đắp, khăn choàng, khăn đội đầu, thắt lưng, trang trí trong các ngày lễ, hội và Gươl. Thổ cẩm của người Cơtu được dệt thủ công với nguyên liệu như bông, gai, se sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn... Với đôi tay chai sạn nhưng khéo léo, chị em Cơtu đã dệt nên những hoa văn đầy màu sắc của núi rừng đại ngàn và đời sống tinh thần của đồng bào, như: hoa ablơm, lá atút, hoa văn bằng cườm trong các điệu múa uyển chuyển miền sơn cước...
Do điều kiện thiên nhiên và lịch sử, đồng bào Cơtu sống tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, quá trình sinh sống, họ biết phát huy lợi thế để trao đổi hàng hóa bằng quy đổi giá trị hiện vật, như: lấy đặc sản mật ong, măng, mây, trầm hương, dây mã nảo đeo tay, đeo cổ,...đổi thương lái để lấy nhu yếu phẩm trong đời sống, như muối, chiếu cói, vải trắng, chiêng ché, công cụ sản xuất,...Ngày nay, sự trao đổi đó đã chuyển sang buôn bán. Hoạt động thương mại của đồng bào Cơtu ngay tại địa bàn xã hoặc mang xuống đồng bằng, thành phố để bán.
Ðồng bào Cơtu có một kho tàng tri thức bản địa về nông nghiệp, nương rẫy thích ứng với đặc thù tự nhiên của thổ nhưỡng, môi trường. Lịch dân gian (nông lịch) của đồng bào Cơtu căn cứ vào hình dạng mặt trăng để xác định ngày trong tháng. Nông lịch không ghi trên sổ sách nào, mà các già làng hay những bậc cao niên đều biết. Tháng nào thì phát rẫy, tháng nào thì đốt rẫy và dọn tỉa, tháng nào thì làm cỏ, thu hoạch... Nông lịch còn quy định công việc lấy mật ong, bẫy thú rừng, bẫy chim, bắt cá, bắt dơi, bắt mối, làm rượu Tà-vạc.... được thực hiện vào tháng nào... Già làng và những người có kinh nghiệm nhìn trăng, mây và số lượng các ngày mưa dông đã qua để tính toán thời gian sẽ tiến hành tỉa lúa. Cụ thể, tỉa lúa tiến hành sau khi đốt rẫy khoảng tháng Tư, tháng Năm.
 Nông lịch của người Cơtu có bốn mùa chính. Mùa xuân bắt đầu thời vụ sản xuất, nhưng chưa tập trung. Ðàn ông vẫn còn săn bắt thú trong rừng, đàn bà làm cỏ ở rẫy cũ để trồng bắp, gieo cải... Ðến đầu tháng Giêng bắt đầu phát rẫy. Mùa hè tháng Tư, tháng Năm tập trung đốt rẫy, tỉa, làm cỏ... Mùa thu tháng Sáu, Bảy mùa vụ tạm xong, nước suối cạn, phụ nữ Cơtu rủ nhau đi bắt cá. Cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám thu hoạch lúa Ba Trăng, trời có mưa gió, đàn ông ở nhà đan lát, sắm sửa các dụng cụ bắt chim, bắt cá; đàn bà dệt thổ cẩm, kiếm củi dự trữ trong mùa đông... Mùa đông, đàn bà thu hoạch lúa mùa, đàn ông săn bắt chim, thú ở núi cao... Người Cơtu có kinh nghiệm xem ngày tốt xấu, nên làm việc gì, nên tránh việc gì. Cụ thể mùa trăng sáng nếu chặt cây tươi về làm gì, sau này chắc chắn sẽ bị mọt ăn, còn chặt vào mùa trăng khuyết thì không bị mọt ăn. Theo quan niệm người Cơtu: Sắn trồng từ ngày 10 - 20 trong tháng thì năng suất, chất lượng cao. Ngày 14 trồng chuối, ngày 14 và 15 là trồng dứa, ngày 16 và 17 là trồng khoai lang, ngày 20 hoặc 30 trồng thuốc lá, các ngày 23 và 24 trồng ớt và chanh. 
Ngày trước, khi tỉa lúa, già làng tỉa “làm phép” sáu hạt thóc đầu tiên, sau đó các gia đình thành viên trong làng mới được tỉa lúa của gia đình mình. Trong phạm vi gia đình, thì người quản lý, trông giữ thóc giống (thường người đàn bà lớn tuổi nhất) sẽ là người tỉa những hạt lúa trước tiên. Ðối với những đất rẫy mới, đồng bào Cơtu thích những khu đất rẫy nằm ở rừng già, nơi đất tơi xốp, cây lá mục nát, nên độ phì cao. Hay như chọn đất canh tác nơi có độ ẩm cao, cây trồng phát triển tốt, mùa màng bội thu  Do đặc điểm đất đai vùng miền núi dốc, độ phì dễ bị trôi rửa, thông thường đối với rừng già, đồng bào làm hai vụ lúa trên một diện tích đất rẫy sau đó sẽ tiến hành làm một vụ mùa sắn hoặc bắp và sau đó sẽ để đất rẫy hoang hóa, phục hồi. Ðối với đất rẫy luân canh thì chỉ làm một vụ lúa, không tiến hành sản xuất vụ thứ hai. Khi gieo lúa, đồng bào xen canh cây bắp, các loại rau đậu để có cái ăn khi chờ lúa chín. Khi phát rẫy, phải phát sao cho cây phủ dàn đều diện tích, sau này đốt lớp tro, than sẽ phân bố đều trên đất. Sau những ngày đốt rẫy, thú rừng như nai, mang... thường về để ăn tro nên thời gian này đồng bào đặt bẫy hoặc đi săn.
Ngày nay, hưởng ứng chủ trương định canh định cư của Nhà nước, đồng bào Cơtu bỏ tập tục phá rừng làm nương rẫy. Tuy nhiên, những rẫy lúa trên nương vẫn áp dụng canh tác theo “nông lịch” ngày nào.
Trong chăn nuôi, đồng bào Cơtu có nhiều kinh nghiệm, như: việc nuôi trâu, bò thường được chọn trong một khu rừng có địa thế cô lập để nuôi thả. Con vật phải tự đi tìm thức ăn, đồng bào chỉ cho ăn một lần vào buổi chiều với các loại thức ăn cố định để giữ đàn đại gia súc
Quan hệ gia đình, dòng họ, hôn nhân của đồng bào Cơtu theo chế độ phụ quyền, phụ hệ. Việc “thách cưới” nhà trai, nhà gái là bắt buột và trở thành tập tục sính lễ. Muốn có vợ, nhà trai phải chịu lễ vật bằng của cải vật chất, như động vật bốn chân, chiêng, ché cổ, vật kim loại. Nhà gái trả nhà trai vật hai chân, bò sát, vải thổ cẩm có hạt cườm. 
Trước những năm 1960, đồng bào Cơtu còn có phong tục vối dương, nghĩa là trai gái trải qua thời kỳ tiền hôn nhân. Đám cưới có các lễ chính, như: Lễ hỏi (nhà trai đến nhà gái để hỏi ý gia đình và con gái, nếu ưng thuận thì trao tặng một số vật làm tin). Lễ cưới tổ chức tại nhà trai, nhà gái dẫn con đến giao nhà trai và tiến hành giao nhận các lễ vật đã thỏa thuận từ trước. Lễ cưới tổ chức trang trọng, đúng phong tục tập quán. Sau Lễ cưới, tổ chức đãi cả làng một bữa linh đình, nhà giàu khó thì tổ chức lễ đâm trâu. Đồng bào Cơtu quan niệm, đứa trẻ do thần linh quyết định. Họ yêu trẻ và thích đông con.
Ngày nay, việc cưới hỏi đồng bào Cơtu thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Thực hiện hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, một vợ, một chồng. Tổ chức đám cưới lành mạnh, văn minh, tiết kiệm. Nạn tảo hôn, ép hôn và các hủ tục lạc hậu được đồng bào tự giác xóa bỏ. Những tập quán rườm rà, tốn kém (mổ nhiều trâu bò, gà, dê để tổ chức đám cưới) được khắc phục. Đặc biệt, “thách cưới”, “gả con đòi của” giảm đáng kể, có nơi loại bỏ hẳn.
Đồng bào rất coi trọng việc tang lễ. Khi có người chết, gia đình gõ trống thông báo cho cả làng biết. Khi khâm liệm, người chết được tắm rửa sạch sẽ, mặc áo quần đẹp, nằm ngữa trong quan tài đậy nắp, đặt giữa nhà. Thời gian để an táng có thể hai ngày, có nơi lâu hơn. Người Cơtu quan niệm, người chết cũng như lúc còn sống cũng được chia gia tài gồm các vật dụng và công cụ lao động như: bát đĩa, dao, cuốc, xẻng…Sau khi an táng, người nhà làm Nhà mồ rất đẹp cho người chết.
Theo truyền thống, người Cơtu chỉ điêu khắc, trang trí quan tài và nhà mồ cho người đã khuất khi đã làm Lễ cải táng. Đây là lễ lớn quan trọng, tốn kém trong các hội lễ. Ngoài lý do tâm linh, Lễ cải táng của người Cơtu cũng là dịp để cho người sống thể hiện sự giàu có hay địa vị của mình. 
Nhà mồ là công trình kiến trúc độc đáo của tộc người Cơtu, được dựng ở khu nghĩa địa chung hoặc của dòng họ, nằm ở khu rừng phía Tây của làng. Kiến trúc nhà mồ gồm hai phần chính: Kiến trúc nhà mồ và kiến trúc quan tài. Kiến trúc nhà mồ có mái hình vuông hoặc chữ nhật có 4 hoặc 6 cột, 2 mái thoải. Quan tài của người Cơtu vẫn có mặt cắt hình tròn hay hình bầu dục tương tự như nhà ở của người sống. Họ coi hồn của những người chết sẽ hóa thành “thần” phù hộ cho buôn làng, cộng đồng luôn đoàn kết và gặp nhiều điều lành, mùa màng bội thu, dân làng no đủ, ít bệnh tật, sức khỏe dồi dào...
Mỗi nhà mồ của người Cơtu ẩn chứa một bí mật về tính cách, sở thích lúc sinh thời của người đã mất.  Hình tượng con trâu xuất hiện ở những công trình kiến trúc nhà mồ và quan tài rất rõ nét và sinh động. Các nhà mồ đều có tượng pađil za zá (tượng khắc bằng gỗ trang trí trong nhà mồ). Những bức tượng này mang ý nghĩa bày tỏ sự chia sẻ, tiễn đưa của người sống đối với người chết qua các hình thức vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, còn có các phù điêu hoa văn trang trí, hình vẽ thể hiện đặc điểm nào đó của người chết, qua đó người ta có thể biết lúc sinh thời chủ nhân của ngôi nhà mồ đó nổi tiếng về cái gì. Nếu có cảnh đi săn, đâm trâu thì lúc sinh thời người đó rất giỏi đi rừng săn bắt. Nếu có họa tiết cảnh đánh trống, hoa văn, nhảy múa chẳng hạn thì người đó lúc sống rất yêu ca hát và biết cách đánh và chế tác các loại nhạc cụ của người Cơtu .
Điêu khắc của người Cơtu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng mái nhà đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại.  Các bức tranh điêu khắc gỗ của người Cơtu là những nét phát họa đơn giản, với những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét... song cũng phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơtu về vũ trụ, trời đất, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động, sản xuất... Với những dụng cụ đơn sơ tự tạo như cái rựa, cái rìu, cái đục... các nghệ nhân người Cơtu đã khéo léo đục đẽo nên những bức tranh gỗ đầy màu sắc và sinh động. Đó có thể là những bức tranh diễn tả những sinh hoạt, lao động, sản xuất, vui chơi thường ngày của người Cơtu, như: uống rượu, sàng gạo, giã gạo, múa tân tung-ya yá, đánh chiêng, đánh trống, thổi kèn... trên những bức tranh điêu khắc gỗ dài; hoặc những bức tranh đặc tả công đoạn của nghề truyền thống của người Cơtu như nghề rèn; hay diễn tả một buổi đi săn của các chàng trai.
Hai màu chủ đạo, người Cơtu rất hay sử dụng để tô lên những bức tranh điêu khắc là màu chàm đen - là màu của đất (Abhuy-Catiếc) và màu đỏ- màu của mặt trời (Abhuy-plêếng); hai màu sắc của hai vật thiêng không thể thiếu trong đời sống của người Cơtu. Màu đỏ lấy từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt để trang trí trên tượng gỗ.
Những bức tranh điêu khắc gỗ của đồng bào Cơtu là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chỉ bằng kinh nghiệm, bằng sự tiếp nối truyền thống, bằng khả năng quan sát thực tiễn, các nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh điêu khắc gỗ mộc mạc, nguyên sơ từ chất liệu, ý tưởng, đường nét, bố cục đến cả màu sắc của tác phẩm .
 Tín ngưỡng liên quan đến làng, nhà cửa rất quan trọng trong đời sống tâm linh đồng bào Cơtu, nhằm hướng đến mục đích cầu an, hạnh phúc cho cộng đồng làng và các thành viên trong cộng đồng. Họ thờ cúng một linh vật rất thiêng liêng và huyền bí. Các sinh hoạt tín ngưỡng, cúng thần linh cầu an, phạt vạ thành viên gây ra lỗi lầm với làng, đặc biệt nam nữ quan hệ bất chính đều diễn ra tại Gươl và do già làng chủ trì, tiến hành rất nghiêm với đầy đủ lễ vật. Đồng bào Cơtu rất quan tâm việc lễ cúng bái về xây nhà, như: lễ xem hướng đất, lễ dựng nhà, lễ nhà mới.
Tín ngưỡng liên quan đến mùa vụ rẫy được tổ chức hàng năm, cầu cho được mùa, lúa gạo no đủ và diễn ra chủ yếu vào mùa khai rẫy, mùa thu hoạch lúa. Lễ thức “khai vụ” mở mùa sản xuất thường vào tháng Giêng hay tháng Hai. Lễ hội mừng lúa mới với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới được mạnh khỏe, ấm no. Đây là dịp để dân làng tề tựu, cúng tế, cùng chia sẻ niềm vui được mùa.  Chủ làng là người quyết định thời gian mở hội. Chủ làng mời các già làng, thầy cúng trong làng bàn việc chuẩn bị, cũng như phân công dân làng tổ chức lễ hội. Sau đó, Chủ làng và già làng sẽ làm chủ lễ và chỉ huy các hoạt động của lễ hội theo đúng phong tục tập quán.
Trong lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu để cúng Giàng, thần linh là tâm điểm. Sau khi trâu chết, già làng cắt một miếng đuôi trâu, cùng với con gà sống tẩm máu trâu rồi ném lên cái ổ trên cột nêu. Nếu lễ vật đó rơi đúng vào ổ, xem như Giàng, thần linh chấp nhận lễ hội mừng lúa mới.  Những tấm dồ, tấm tút sặc sỡ được phủ lên mình trâu hàm ý chia của cải cho nó, gạo nếp, rượu được đổ vào miệng trâu với ý nghĩa cho trâu được ăn no, và chiêng trống lại nổi lên để tiễn đưa linh hồn trâu về với thần linh. Xong phần lễ, cả làng tổ chức đến phần hội. Thịt trâu được xẻ ra, một phần dành cho già làng tiếp khách quý ngay tại Gươl, phần còn lại chia đều cho cả làng. Rượu cần, xôi nếp, thịt lợn, gà, trái cây... được mang ra, cả làng quây quần ăn uống, tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Mọi người không quên múa hát những làn điệu dân ca vui vẻ. Phần múa tân tung zá zá làm cho lễ hội mừng lúa mới càng thêm tưng bừng, hấp dẫn. Cả làng cùng hòa mình trong không khí phấn khởi, mừng cho một vụ mùa thắng lợi .
Trong săn bắn, người Cơtu quan niệm có thần thú rừng. Trước khi đi săn, họ làm lễ vật con gà tại Gươl để cầu mong săn, bẩy nhiều thú rừng. Sau khi săn thú được, người già cúng và tung gạo lên con thú đã săn được. Sau đó, họ làm thịt, lấy mỗi thứ một ít cho vào ống tre tươi, nướng cho chín và làm lễ, cầu cho săn bắn lần sau được nhiều.
Về trang phục, cũng như đồng bào câc dân tộc ở Tây Nguyên, đồng bào Cơtu ăn mặc rất riêng. Đàn ông cởi trần, đóng khố; đàn bà mặc váy dài hoặc ngắn, ngực đeo yếm, lưng trần. Mùa lễ hội, họ ăn mặc đẹp hơn, sặc sở và trang điểm nhiều hơn. Trang phục đàn ông Cơtu mang nhiều kiểu cách độc đáo với chiếc áo chữ X và khố chữ T. Đàn ông Cơtu, người trẻ mặc chiếc áo khoác, người lớn tuổi mặc chiếc áo quấn hình chữ X và quấn khố, đầu khố buông dài gần đến chân. Đàn bà có chồng ăn mặc khác con gái chưa chồng. Cả đàn ông và đàn bà đều rất thích đồ trang sức bằng hạt cườm nhiều màu sắc, các loại vòng đồng, vòng bạc. Họ còn dùng nhiều nanh (răng), móng chân thú, tre, nứa rừng làm đồ trang sức, nhất là đàn bà. 
Bộ trang phục truyền thống của người Cơtu phong phú, đa dạng nhất so với các dân tộc anh em trong vùng; thường có hai loại: có cườm và không có cườm. Chỉ riêng chiếc áo của phụ nữ cũng có đến mấy loại khác nhau như: áo gáp, áo rơ lắc đều không có hoa văn hạt cườm, dùng để mặc trong ngày thường, đi nương rẫy, là loại áo ít giá trị. Áo zreh tuy không có hạt cườm nhưng có nhiều hoa văn nổi bật bằng chỉ màu, là loại áo khá sang trọng, thường mặc trong lễ hội, giá trị của mỗi cái áo rất cao. Áo ayor arắc có trang trí nhiều hoa văn bằng chì hoặc hạt cườm, phần vai có đính nhiều tua màu đỏ, thường được sử dụng trong các lễ hội cộng đồng. Chiếc váy của phái đẹp Cơtu cũng là sản phẩm độc đáo nhất bởi những dải hoa văn. Các cô gái thường quấn trên ngực sợi dây lưng để làm chặt chiếc váy. Với chiếc váy này, người mặc để lộ đôi vai và cánh tay trần đầy đặn, khoẻ mạnh, thể hiện rõ nét đẹp nữ tính . 
Đồng bào Cơtu có tiếng nói và chữ viết riêng. Ngay từ những năm đầu 50 thế kỷ XX, để phục vụ cho công tác cách mạng, Huyện ủy Hiên đặt vấn đề xây dựng bộ vần chữ viết Cơtu. Năm 1956, Ban Cán sự miền Tây giao cho đồng chí Lê Hồng Mao (người Cơtu gọi bằng tên Conh Ta Lăng), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Quách Xân (Conh Axơớp) để nghiên cứu hệ thống chữ viết Cơtu. Trải qua thời gian lãng quên, ngày nay chữ viết này được khôi phục.
Kho tàng văn học dân gian đồng bào Cơtu phong phú, đa dạng. Người Cơtu có nhiều truyện cổ kể về sự tích, về xã hội con người, về sự phát sinh các dòng họ,...Điệu múa tân tung zá zá, hát lý, nói lý, múa cồng chiêng là văn hóa đặc sắc nhất . Nhạc cụ thường thấy là bộ chiêng 3 chiếc, cồng 1 chiếc, trống, sáo, đàn, nhị. khèn, đàn abel,...Hiện nay, nhiều hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa này đang được đầu tư và phát triển, trở thành sinh hoạt chính của phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.


Bản quyền UBND Xã Jơ Ngây huyện Đông Giang.
Địa chỉ: Xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0235 ............
Phát triển bởi Trung tâm CNTT - Truyền thông Quảng Nam(QTI)

Thống kê truy cập